Trong phiên giao dịch sáng, với áp lực bán khá mạnh, trong khi bên mua thận trọng, VN-Index có lúc đã rơi xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 645 điểm trước khi kịp trở lại nhờ sự hỗ trợ của VNM và một số bluechip.
Với điểm tựa vững chắc là VNM, nhà đầu tư đã tự tin VN-Index sẽ không thể mất ngưỡng hỗ trợ 645 điểm, nên tự tin xuống tiền trong phiên giao dịch chiều, giúp diễn biến thị trường tích cực hơn cả điểm số và thanh khoản.
Với lực mua có phần tích cực hơn, nhất là ở nhóm cổ phiếu thép, cùng sự đảo chiều của nhóm chứng khoán, một số mã ngân hàng, VN-Index đã dần hồi phục trong phiên chiều và đã đảo chiều thành công.
Tưởng chừng với sự hỗ trợ trên, cùng điểm tựa VNM, VN-Index sẽ chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm điểm liên tiếp trong phiên hôm nay, nhất là khi số mã tăng giá đã chiếm ưu thế so với số mã giảm. Tuy nhiên, trong những phút cuối phiên, nhất là ở đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), lực bán tại nhóm dầu khí và một số mã bluechip như MSN, KDC, GMD gia tăng, khiến VN-Index giảm điểm một cách đáng tiếc và chấp nhận phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp, chuỗi giảm điểm liên tiếp dài nhất kể từ cuối tháng 3/2015.
Cụ thể, chốt phiên 26/7, VN-Index giảm 0,71 điểm (-0,11%), xuống 648,59 điểm với 115 mã tăng và 104 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 106,2 triệu đơn vị, giá trị 1.957,2 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,8 triệu đơn vị, giá trị 178 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,48 điểm (-0,57%), xuống 83,52 điểm với 86 mã tăng và 106 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,1 triệu đơn vị, giá trị 443,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,7 triệu đơn vị, giá trị 20,3 tỷ đồng.
VNM với sự hỗ trợ của lực cầu ngoại, có lúc đã lên mức cao nhất ngày 158.000 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 157.000 đồng, tăng 1,95% với 1 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua ròng hơn 350.000 đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thép với 2 đại diện HPG và HSG đã đảo chiều ấn tượng trong phiên chiều, trong đó HPG đóng cửa ở mức cao nhất ngày 42.300 đồng, tăng 3,42% với gần 5 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua ròng hơn 1,2 triệu đơn vị. HSG dù không giữ được mức giá cao nhất ngày, nhưng cũng đóng cửa tăng 1,62%, lên 37.700 đồng với 3,15 triệu đơn vị được khớp, dù mở cửa trong sắc đỏ.
Nhóm chứng khoán với SSI, HCM, BSI cũng đảo chiều tăng trở lại, nhưng mức tăng khiêm tốn, chỉ 1 hoặc 2 bước giá.
Cặp đôi HNG và HAG sau phiên tăng trần hôm qua đã nhanh chóng hạ nhiệt trở lại khi HNG đứng ở tham chiếu, còn HAG giảm 1 bước giá.
HVG cũng có lúc chịu rung lắc do áp lực chốt lời khá lớn, nhưng lực mua chảy mạnh cuối phiên giúp mã này yên vị ở mức trần 10.900 đồng với 3,8 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần.
Ngoài HVG, sắc tím cũng xuất hiện dày hơn trong phiên chiều nay như HLG, KSH, MCG, PAC, RIC, EVE, THG, TIP, VHC, DAG, BTT.
Trong khi đó, DRH, TTF, VNH, JVC yên vị ở mức sàn, thậm chí có thêm sự tham gia của DLG khi lực bán bất ngờ xuất hiện mạnh trong phiên chiều, dù các mã khác trong nhóm thị trường như FLC, FIT, HQC, ITA đóng cửa trong sắc xanh.
Trên HNX, cũng giống như phiên sáng, dù có lúc chịu áp lực chốt lời lớn, nhưng về cuối phiên, lực cầu chảy mạnh đã giúp ACM có phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp với 2,26 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần. Đây cũng là mã có thanh khoản cao nhất sàn HNX trong phiên hôm nay.
Trong nhóm bluechip, LAS vẫn duy trì đà tăng 2,19%, lên 28.000 đồng và VCS thậm chí còn nới rộng đà tăng có lúc lên mức giá cao nhất ngày 101.900 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 101.500 đồng, tăng 2,84%.