Sau khi xuyên thủng ngưỡng 610 điểm, thị trường tiếp tục lao dốc bởi áp lực bán gia tăng khi bước vào phiên giao dịch chiều. Sắc đỏ càng phủ kín bảng điện tử hơn với đà giảm ngày càng sâu của các “ông lớn”, đẩy chỉ số VN-Index rơi xuống các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn.
Trái lại, trên sàn HNX, giao dịch có phần tích cực hơn về cuối phiên. Mặc dù lực bán vẫn ở mức cao nhưng dòng tiền hấp thụ giúp nhiều mã khởi sắc, tạo cơ hội cho chỉ số HNX-Index dành lại mốc 81 điểm.
Bản tin tài chính trưa 26/5
|
Đóng cửa, sắc đỏ chiếm chủ đạo với 149 mã giảm và 76 mã tăng trên sàn HOSE, chỉ số VN-Index giảm 7,55 điểm (-1,23%), xuống mức thấp nhất trong ngày 604,34 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip diễn biến thiếu tích cực, chỉ số VN30-Index giảm 5,58 điểm xuống 607,16 điểm khi có 19 mã giảm và 8 mã tăng.
Bên cạnh những cổ phiếu nóng, một số cổ phiếu lớn như VNM, VIC, BVH giao dịch sôi động hơn giúp thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch đạt 116,59 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.143,35 tỷ đồng, tăng 4,25% về lượng và 8,93% về giá trị so với phiên trước.
Trên sàn HNX, nhóm HNX30 vẫn giao dịch thiếu tích cực khi có 15 mã giảm và 8 mã tăng, chỉ số HNX30-Index giảm 0,79 điểm xuống 145 điểm. Tuy nhiên, đà giảm có phần hãm nhẹ nhờ số mã xanh có phần gia tăng, với 113 mã giảm và 69 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,2 điểm (-0,25%) xuống 81,06 điểm.
Thanh khoản trên sàn giảm đáng kể với khối lượng giao dịch đạt 44,87 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 471,23 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 4 triệu đơn vị, trị giá 54,35 tỷ đồng.
Trong khi hai mã lớn dòng dầu khí là PVD và GAS vẫn không cải thiện và biến động trái chiều trong biên độ hẹp thì các mã họ P khác trên sàn HNX đang dần hồi phục. Cụ thể, bên cạnh PVB tăng hơn 1%, thì PVX tăng 4,17%, PVS tăng 1,1%.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu nhóm ngân hàng cũng giao dịch thiếu tích cực khi đồng loạt đua nhau giảm điểm như VCB giảm 1,52%, STB giảm 1,79%, BID giảm 2,23%, CTG giảm 1,16%, SHB giảm 1,56%, ACB giảm 0,54%.
Ngoài ra, các cổ phiếu trụ cột khác tiếp tục giảm sâu như VNM giảm 2,08%, VIC giảm 1,92%, BVH giảm 2,52%, MSN giảm 1,43%...
Trái với gánh nặng ngày một lớn của các “ông lớn” trên sàn HOSE, các cổ phiếu bluechip trên sàn HNX đã thu hẹp đà giảm hoặc lấy lại mốc tham chiếu đã hỗ trợ tích cực cho thị trường, giúp mốc 81 điểm được giữ vững. Cụ thể, NTP, BVS, PLC đứng ở mốc tham chiếu, còn LAS, PVC, VCG, ACB chỉ còn giảm nhẹ 1 bước giá.
Một số cổ phiếu đang chú ý trong phiên như OGC, sau thông báo kế hoạch phát triển giai đoạn 2015-2020 với định hướng đầu tư bất động sản là lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn cùng ước kết quả kinh doanh quý I/2016 khả quan, OGC đã tăng trần với lượng dư mua trần khá lớn và bên bán trống sàn. Đóng cửa, OGC giữ mức giá 2.900 đồng/CP với lượng khớp 0,83 triệu đơn vị và dư mua trần 1,16 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, trạng cạn cung cũng diễn ra ở cổ phiếu “tí hon” khác là PTL. Ghi nhận phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp, PTL đứng ở mức giá 2.400 đồng/CP với lượng dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ vẫn giao dịch có phần sôi động hơn, cụ thể, HQC khớp 3,84 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường. Các mã tiếp đó gồm TSC, HAG, GTN có lượng khớp hơn 3 triệu đơn vị.
Trong đó, HAG sau quyết định thu hồi dự án nuôi bò nghìn tỷ đồng khiến diễn biến giá cổ phiếu tiếp tục đà giảm. Được biết, trong quý I/2016, doanh thu thuần từ bán bò đã mang lại 1.233 tỷ đồng cho Tập đoàn,trong khi dự án đàn bò chỉ tiêu tốn của HAG 156,8 tỷ đồng.
Đóng cửa, HAG đã giảm 3,7% xuống mức giá gần thấp nhất trong ngày 7.700 đồng/CP và chuyển nhượng thành công 3,37 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, DCS vẫn là điểm sáng thị trường. Dù không tìm lại được sắc tím nhưng đà tăng khá tích cực với mức tăng 5,3%, DCS đứng ở mức giá 4.000 đồng/CP và đã khớp lệnh hơn 7 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.