Trong phiên giao dịch sáng, dù cả 2 sàn vẫn duy trì được sắc xanh, nhưng thanh khoản thị trường đứng ở mức thấp khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về sự vững chắc của thị trường khi bước vào phiên giao dịch chiều.
Có một số ý kiến cho rằng, sở dĩ thị trường trụ được trong phiên sáng là do hành động đỡ giá để thoát hàng trong phiên giao dịch chiều, nhất là nhóm dầu khí vốn đã có chuỗi 3 phiên tăng mạnh, trong khi giá dầu đang giảm trở lại.
Ý kiến này dường như có lý, bởi ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, lực bán đã gia tăng, khiến đà tăng của VN-Index yếu dần và sắc xanh cũng biến mất sau gần 1 tiếng giao dịch. Thị trường sau đó trải qua khoảng thời gian rung lắc trước khi lấy lại sắc xanh nhờ một vài mã lớn như VNM, VCB, MSN, BVH.
Trong khi đó, trên HNX, nhóm cổ phiếu dầu khí bị bán mạnh khiến HNX-Index nhanh chóng đảo chiều khi bước vào phiên chiều và dù đã có những nỗ lực đảo chiều trở lại, nhưng HNX-Index chủ yếu dao động dưới tham chiếu trong phiên chiều, thậm chí có lúc chỉ số này lùi về gần với mức thấp nhất trong ngày.
Kết thúc phiên giao dịch chiều, VN-Index tăng 0,34 điểm (+0,06%), lên 538,42 điểm với 80 mã tăng, 123 mã giảm. VN30-Index tăng 2,05 điểm (+0,35%), lên 589,61 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 110,20 triệu đơn vị, giá trị 3.462,11 tỷ đồng. Tuy nhiên, thanh khoản tăng đột biến này là do giao dịch thỏa thuận hơn 23,2 triệu cổ phiếu MSN, giá trị 1.931,27 tỷ đồng trong cuối phiên. Tính chung, giao dịch thỏa thuận đóng góp 32,68 triệu đơn vị, giá trị 2.236,67 tỷ đồng.
Ngoài MSN, còn có sự đóng góp của 20,8 triệu cổ phiếu KDC, giá trị 105,24 tỷ đồng, 1,8 triệu cổ phiếu PVD, giá trị 115,4 tỷ đồng và 2,46 triệu cổ phiếu SAM, giá trị 30,8 tỷ đồng. Như vậy, tổng khối lượng khớp của phiên hôm nay cũng chỉ hơn 77 triệu đơn vị, giá trị 1.225,44 tỷ đồng, nhỉnh hơn chút ít so với hôm qua
Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,13 điểm (-0,16%), xuống 82,42 điểm với 72 mã tăng và 109 mã giảm. HNX30-Index giảm 0,56 điểm (-0,35%), xuống 160,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 50 triệu đơn vị, giá trị 685,3 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,22 triệu đơn vị, giá trị 87,8 tỷ đồng với những thỏa thuận lô lớn đáng chú ý của DBT (2,38 triệu đơn vị), HBS (2,75 triệu đơn vị).
Ngoài VNM, VCB,MSN, BVH, VN-Index còn được hỗ trợ bởi STB và FPT. Trong khi đó, GAS và PVD dù được khối ngoại mua vào khá mạnh, nhưng vẫn chìm trong sắc đỏ. Ngoài 2 mã này, nhiều bluechip khác cũng chịu áp lực bán khá lớn.
Cụ thể, VNM tăng 2.000 đồng (+2,14%), lên 95.500 đồng, VCB tăng 800 đồng (+2,68%), lên 30.600 đồng, MSN tăng 1.500 đồng (+1,88%), lên 81.500 đồng, BVH tăng 700 đồng (+2,13%), lên 33.500 đồng, FPT tăng 600 đồng (+1,3%), lên 46.900 đồng, STB tăng 500 đồng (+2,74%), lên 17.500 đồng.
Trong khi đó, lực bán quá mạnh đã khiến OGC rơi xuống mức giá sàn với tổng khớp hơn 10,6 triệu đơn vị.
FLC, ITA, VHG, KBC cũng đều giảm trở lại, trong đó, FLC giảm 200 đồng, được khớp gần 7,7 triệu đơn vị, thấp hơn khá nhiều so với lượng khớp trung bình của mã này.
Trên HNX, KLF nới dần đà giảm và đứng ở mức 11.100 đồng khi đóng cửa, giảm 700 đồng (-5,93%) với tổng khớp 11,3 triệu đơn vị. Trong khi đó, đà tăng của FIT cũng bị hãm bớt so với phiên sáng khi chốt phiên chỉ còn tăng 1.000 đồng (+4,35%), lên 24.000 đồng. Nhóm dầu khí với 2 mã chính PVS và PVC giảm sâu hơn trong phiên chiều, nhưng trong đợt ATC, cả 2 đã hãm bớt đà giảm và đóng cửa đúng bằng mức giá của phiên sáng (PVS giảm 300 đồng, PVC giảm 500 đồng).
Ngoại trừ VIX vẫn giữ sắc tím do lực mua mạnh, trong khi không còn dư bán, các mã còn lại đều chịu áp lực bán lớn trong phiên chiều, đúng như lo lắng của một số nhà đầu tư khi kết thúc phiên sáng.
Thêm một lần nữa, thị trường lại diễn ra hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng”. Phải chăng đây là hành động đỡ giá để trấn an tâm lý nhà đầu tư, nhằm chuẩn bị cho kế hoạch nào đó chăng?
Có ý kiến cho rằng, dân đầu tư bám sàn chả mấy quan tâm đến VN-Index, chỉ quan tâm đến “việc trồng cây gì, nuôi con gì”. Vì vậy, với những phiên như hôm nay, nhìn thị trường tăng, mà lòng nhiều nhà đầu tư trĩu nặng. Không chỉ thế, thanh khoản thị trường èo uột, càng khiến cho không khí trở nên ảm đạm hơn.