Phiên giao dịch chiều 18/10: Vùng cản quá mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường vẫn chưa thoát khỏi trạng thái kéo xả khiến VN-Index có phiên thứ 5 liên tiếp không thể vượt qua ngưỡng cản 1.400 điểm khi đóng cửa, dù nhiều lúc đã vượt qua ngưỡng này trong phiên.
Phiên giao dịch chiều 18/10: Vùng cản quá mạnh

Phiên giao dịch sáng nay vẫn diễn ra khá thuận lợi khi dòng tiền sôi động tiếp tục vận động và hướng đến các nhóm cổ phiếu dầu khí, thép, giúp VN-Index duy trì đà tăng điểm. Có lúc chỉ số đã vượt qua ngưỡng 1.400 điểm, nhưng giống như 4 phiên trước đó, áp lực bán tại vùng này gia tăng khiến VN-Index nhanh chóng thoái lui.

Bước vào phiên giao dịch chiều, một lần nữa VN-Index lại được kéo qua ngưỡng 1.400 điểm, nhưng thêm một lần nữa áp lực bán lại gia tăng, đẩy VN-Index lùi mạnh về dưới tham chiếu trước khi kịp đóng cửa với sắc xanh nhạt.

Đây là phiên thứ 5 liên tiếp VN-Index đóng cửa dưới ngưỡng 1.400 điểm, dù có nhiều lúc trong phiên đã lên trên ngưỡng này với thanh khoản duy trì ở mức khá tốt. Điều này cho thấy, trong khi nhiều người tích lũy cổ phiếu với kỳ vọng thị trường sẽ vượt đỉnh cũ, thì cũng có nhiều nhà đầu tư không tin vào khả năng VN-Index sẽ thắng được vùng kháng cự mạnh 1.400 - 1.425 điểm trước mặt, mà có thể sẽ điều chỉnh về thử thách vùng hỗ trợ 1.380 điểm.

Các nhóm cổ phiếu có sự phân hóa chứ không đồng thuận theo xu hướng ngành với số mã giảm nhiều hơn số mã tăng, nhưng không quá chênh lệch. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn vận động chính vào các mã tăng giá.

Trong phiên hôm nay, GAS tiếp tục đóng vai trò lớn, bên cạnh sự hỗ trợ của VPB giúp VN-Index có phiên tăng thứ 2 liên tiếp, khi đóng góp tới 2,21 điểm cho VN-Index, cùng VPB đóng góp hơn 1,03 điểm, cân hết 10 mã có tác động tiêu cực nhất tới VN-Index.

Đóng cửa, sàn HOSE có 193 mã tăng và 245 mã giảm, VN-Index tăng 2,83 điểm (+0,2) lên 1.395,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 784,5 triệu đơn vị, giá trị 22.093 tỷ đồng, tăng 1,5% về khối lượng và 7,06% giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 15/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 31,88 triệu đơn vị, giá trị 1.198,7 tỷ đồng.

Rổ Vn30 đã thu hẹp khoảng cách khi có 16 mã tăng và 12 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu lớn nhóm dầu khí là GAS vẫn tăng tốt nhất với biên độ 4%, tiếp theo là PDR tăng 3%, VPB tăng 2,4%, các mã PLX, MSN, HPG, KDH, TPB, VRE tăng hơn 1%...

Trái lại, ở chiều giảm đáng kể là SAB vẫn để mất 1,7%; cặp CTG và PNJ cùng giảm 1,5%; MWG giảm 1,3%, GVR giảm 0,9%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi FLC và ROS đều nới rộng đà giảm trong phiên chiều, với FLC để mất 3,3% và kết phiên ở vùng đáy trong ngày, tại mốc 11.600 đồng/CP; thì FIT lại nổi sóng trở lại khi tăng 6,9% lên mức giá trần 13.100 đồng/CP và thanh khoản bùng nổ khi khớp 21,17 triệu đơn vị và dư mua trần gần 1,7 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu dầu khí dù có chút hạ nhiệt nhưng vẫn là tâm điểm của thị trường với GAS tăng 4%, PVD tăng 4,2%, PLX tăng 1,5%, TDG giữ vững sắc tím khi kết phiên tăng 7% lên 8.760 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu thép ngoại trừ SMC vẫn điều chỉnh nhẹ, còn lại vẫn giữ sắc xanh với HSG và POM nhích nhẹ, HPG tăng 1% lên 57.900 đồng/CP, NKG tăng 1,7% lên 52.800 đồng/CP và TLH duy trì mức tăng mạnh nhất nhóm khi kết phiên đứng tại mức giá 24.000 đồng/CP, tăng 4,3%.

Ở nhóm chứng khoán, một vài mã ở top sau như AGR, APG, AAS, ORS, TVS, DSC, FPTS điều chỉnh nhẹ, còn lại hầu hết đều kết phiên trong sắc xanh như VCI và VND cùng tăng hơn 3%, HCM tăng 1,6%..., đáng kể là cặp APS và VIX đóng cửa trong trạng thái dư mua trần.

Dòng bank có diễn biến không mấy tích cực khi đà giảm ở nhiều mã lớn đang được nới rộng hơn, điển hình là CTG giảm gần 1,5%, ngoài ra VCB, BID, ACB đều giảm hơn 0,5%. Trong khi đó, các mã tăng tốt cũng thu hẹp biên độ hơn như VPB dẫn đầu ngành ghi nhận mức tăng 2,4%, TPB tăng hơn 1%, còn lại TCB, HDB, STB, SHB tăng trên dưới 0,5%.

Các nhóm cổ phiếu khác như phân bón cũng đón nhận hàng loạt mã NFC, PCE, PSW tăng kịch trần; hay nhóm vận tải biển với VSC, SKG cũng tăng hết biên độ…

Ở nhóm cổ phiếu họ Louis, TTG lùi về mức giá sàn, còn TDH cũng ngấp nghé nằm sàn khi giảm 6,6% xuống 10.700 đồng/CP.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng trong phiên chiều khiến thị trường đuối sức và lùi về sát mức giá tham chiếu.

Đóng cửa, sàn HNX có 104 mã tăng và 98 mã giảm, HNX-Index tăng nhẹ 0,04 điểm (+0,01%) lên 384,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 122,55 triệu đơn vị, giá trị 2.764,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,74 triệu đơn vị, giá trị 51,28 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 khá cân bằng khi có 13 mã tăng và 15 mã giảm. Trong đó, L14 tiếp tục nới rộng biên độ và vẫn tăng tốt nhất nhóm khi kết phiên đứng tại mức giá cao nhất ngày 132.500 đồng/CP, tăng 7,7%; ngoài ra, cổ phiếu khác trong nhóm xây dựng, bất động sản giao dịch khởi sắc có IDC tăng 1,3% lên 60.100 đồng/CP, DTD tăng 1,6% lên 38.300 đồng/CP, THD…

Xét về nhóm ngành, cổ phiếu dầu khí trên HNX vẫn giữ phong độ với PVB tăng 3% lên 17.400 đồng/CP, PVS tăng 2,8% lên 29.500 đồng/CP, PVC tăng 1,6% lên 12.600 đồng/CP…

Các cổ phiếu chứng khoán có diễn biến tích cực hơn với BVS tăng 2,1% lên 34.700 đồng/CP, MBS và SHS tăng trên dưới 1%...

Về thanh khoản, cổ phiếu PVS vẫn dẫn đầu sàn HNX với 16,87 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo là TVC khớp gần 6,6 triệu đơn vị, SHS khớp 4,66 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, sau nửa đầu phiên rung lắc, liên tục vận động quanh vùng giá tham chiếu, lực bán gia tăng khiến thị trường chuyển đỏ.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,07%) xuống 99,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 113,54 triệu đơn vị, giá trị 2.186,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,6 triệu đơn vị, giá trị 93,5 tỷ đồng.

Đột biến trong phiên hôm nay là NED bất ngờ tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Kết phiên, NED leo lên mức giá trần 10.500 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,8 triệu đơn vị và dư mua trần 2,95 triệu đơn vị.

Trong khi đó, BSR vẫn giữ đà tăng khá tốt và kết phiên đứng tại mức giá 23.800 đồng/CP, tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt hơn 18 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là VHG khớp 8,22 triệu đơn vị và kết phiên sát mức giá trần, đứng tại 4.300 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, có 4 hợp đồng tăng, trong đó hợp đồng VN30F2110 tăng 6 điểm (+0,4%), xuống 1.510,5 điểm, khớp lệnh gần 148.410 đơn vị, khối lượng mở 40.800 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, số mã giảm chiếm ưu thế, tuy nhiên, CVRE2106 dẫn đầu thanh khoản khi khớp 129.410 đơn vị, đã kết phiên tăng 3,6% lên 2.300 đồng/CQ.

Tiếp theo đó, CHPG2111 giảm 0,7% xuống 2.750 đồng/CQ và khớp 128.050 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ