Phiên giao dịch chiều 17/9: Xác nhận sóng “cổ phiếu chứng khoán”

(ĐTCK) Bất chấp một kịch bản thường thấy là lao dốc đợt khớp lệnh ATC, dòng tiền quá mạnh chính thức kéo sóng nhóm cổ phiếu chứng khoán với hàng loạt mã tăng trần. Ngoài nhóm này, cổ phiếu dòng họ "S" của Sông Đà cũng có những tín hiệu vào sóng.
Phiên giao dịch chiều 17/9: Xác nhận sóng “cổ phiếu chứng khoán”

Bước vào phiên giao dịch chiều, VN-Index liên tục bị rung lắc, sắc xanh nhẹ cuối phiên sáng đã không còn níu giữ. Tuy nhiên, dòng tiền đồng thuận cùng hướng về nhóm chứng khoán giúp nhóm cổ phiếu này khởi sắc với hầu hết các mã đều tăng đến kịch trần, VN-Index lại có cú bật ngược trở lại, mặc dù biên độ giao dịch chỉ ở trong khoảng hẹp.

Cụ thể, trên HOSE là HCM, SSI, AGR, BSI, còn trên HNX là KLS, BSC, CTS… đều được bao trùm bởi sắc tím. BVS trong đợt khớp lệnh cuối phiên giảm 1 bước giá từ mức tăng trần trước đó, trong khi VND tăng 1.000 đồng. Tính chung cả nhóm, chỉ số ngành này tăng đến 7,67%.

Không chỉ điểm số, thanh khoán của nhóm chứng khoán cũng tăng đột biến, ấn tượng nhất là SSI trên HOSE và KLS trên HNX với khối lượng khớp được đạt lần lượt 14,44 triệu và 21,8 triệu đơn vị, vượt qua tất cả những dự đoán của thị trường.

Tuy nhiên, cũng giống phiên giao dịch chiều qua, mặc dù có những đợt sóng từ các nhóm cổ phiếu, nhưng thiếu sự hỗ trợ từ những “tay to” (GAS, VNM, VCB, MSN, PVD giảm, trong khi VIC, CTG, BID đứng giá) khiến đà tăng của thị trường liên tục bị rung lắc, nhất là bước vào đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, hàng loạt lệnh ATC được đưa vào nhấn chìm mọi lỗ lực trước đó của VN-Index.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2 điểm (-0,32%) xuống 625,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 190 triệu đơn vị. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 6,4 triệu, trị giá 234,25 tỷ đồng, chủ yếu từ thỏa thuận của 3 mã là REE, VNM và MSN.

Với 17 mã tăng, 12 mã giảm và 1 mã đứng giá, lại không chịu sự ảnh hưởng bởi đà giảm của GAS (giảm 1.000 đồng), chỉ số VN30-Index giảm nhẹ hơn so với VN-Index, với mức giảm 0,15%.

Nhóm cổ phiếu dầu khí bị rút vốn khá đột ngột, nhiều mã đã bị bán sàn quyết liệt do tình trạng nhà đầu tư thoát hàng, đảo mã.

Trên HNX, chỉ số HNX-Index tăng 0,01% lên 90,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 145 triệu đơn vị. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,9 triệu đơn vị, trị giá 40,36 tỷ đồng.

Tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn đạt trên 5.600 tỷ đồng, nhưng đáng chú ý có lẽ là HNX khi thu hút đến 2.022,6 tỷ đồng và là phiên có thanh khoản lớn nhất kể từ đầu năm đến nay. So với phiên phân phối đỉnh hôm 9/9, giá trị giao dịch trên HNX cũng chỉ đạt 1.646 tỷ đồng.

Đây cũng chính là yếu tố có thể nói đã giúp cho chỉ số sàn này tiếp tục giữ được đà tăng. Bởi ngoài nhóm chứng khoán, nhóm bất động sản cũng có sự hỗ trợ lớn, nhất là những cổ phiếu thuộc họ Sông Đà như SDT, SD9, SD6 tăng lần lượt 300 và 400 đồng/cp.

Ngoài ra, SCR, ACB cũng quay đầu tăng điểm.

PVX vẫn duy trì thanh khoản cao với 15,3 triệu cổ phiếu được giao dịch, nhưng sức ép từ nhóm cổ phiếu dầu khí khiến mã này giảm 100 đồng/cp trước khi đóng cửa phiên giao dịch.

Trên HOSE, sức nóng từ dòng tiền với 21,8 triệu cổ phiếu giao dịch đã giúp cho FLC vượt qua tham chiếu, đóng cửa với mức tăng nhẹ 100 đồng. Hiện đang giao dịch tại mức giá 12.000 đồng/cp.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, hôm nay, khối này mua vào gần 3,2 triệu đơn vị trên HOSE, nhưng lại bán mạnh hơn 5,22 triệu trên HNX. Tính chung, khối này đã bán ròng hơn 4,2 triệu cổ phiếu trên HNX.

Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, rất có thể nhóm chứng khoán sẽ là nhóm cổ phiếu dẫn dắt đà tăng cho thị trường cho những tháng cuối năm khi kết quả kinh doanh quý III được công bố với các con số đột biến. Điều này cũng không phải không thể bởi 6 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh của nhóm này cũng rất khả quan.

Điều quan trọng là nhóm chứng khoán có vai trò giữ nhịp thị trường tốt, khi vào sóng thường kéo dài hơn các nhóm mã nóng khác. Như trong sóng tăng đầu năm nay, nhiều mã chứng khoán đã đạt mức tăng giá 100%.

Thông thường vào các giai đoạn thị trường có dòng tiền nóng xoay vòng thế này sẽ tạo ra một chu kỳ tăng giá trung - dài hạn. Tuy nhiên việc "nhảy sóng" liên tục với một số nhà đầu tư chưa hẳn đã giúp tối đa hóa lợi nhuận bởi việc tạo sóng ở nhóm ngành nào thường khá bất ngờ, và khó dự đoán với những nhà đầu tư thiếu thông tin. 

Hiện thị trường vẫn còn nhiều cổ phiếu đứng im hoặc giảm giá dù có thông tin hỗ trợ. 

T. Huyền

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục