Phiên giao dịch chiều 16/10: Nhà đầu tư đứng ngoài, VN-Index loay hoay tìm hướng đi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  VN-Index tiếp tục có thêm 1 phiên bám sát đường MA20 với biên độ dao động rất hẹp và thanh khoản sụt giảm khi nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài quan sát.
Phiên giao dịch chiều 16/10: Nhà đầu tư đứng ngoài, VN-Index loay hoay tìm hướng đi

Trong phiên giao dịch sáng, sự thận trọng của cả bên mua và bên bán khiến thị trường diễn biến chậm, VN-Index chỉ lình xình quanh tham chiếu và đóng cửa với sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ của một số bluechip như VNM, MWG… Các nhóm ngành đều có sự phân hóa khá rõ nét, nhưng biên độ dao động giá của các mã rất hẹp, chủ yếu quanh tham chiếu.

Điểm đáng chú ý trong phiên sáng là sự phục hồi của 3 mã bị bán mạnh trong 2 phiên đầu tuần do ảnh hưởng của các thông tin hoặc tin đồn bất lợi là TCH, HHS và EIB.

Bước vào phiên giao dịch chiều, tình hình không có nhiều thay đổi khi nhà đầu tư vẫn chọn cách đứng ngoài quan sát và nghe ngóng thêm thông tin khiến giao dịch diễn ra chậm. Tuy nhiên, lực cung vẫn thắng thế khiến VN-Index đã 2 lần xuyên thủng mức đáy trong ngày, trong đó có lúc bị đẩy xuống thử thách ngưỡng 1.275 điểm. Tuy nhiên, sự vững vàng của VNM, MWG, cùng sự trở lại của VHM, SAB và một số mã ngân hàng lớn giúp VN-Index thu hẹp đà giảm, đóng cửa chỉ còn giảm nhẹ.

Chốt phiên, VN-Index giảm 1,6 điểm (-0,12%), xuống 1.279,48 điểm với 153 mã tăng và 209 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 536,5 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị 13.298,7 tỷ đồng, giảm 24,7% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 54,4 triệu đơn vị, giá trị 1.445,9 tỷ đồng.

Như đã đề cập ở trên, MWG và VNM có phiên giao dịch khá vững vàng, dù mức tăng không quá lớn. Chốt phiên, MWG tăng 1,71% lên 65.500 đồng, khớp 13,71 triệu đơn vị; VNM tăng 1,05% lên 67.500 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, SAB nới đà tăng so với phiên sáng khi đóng cửa tăng 1,23% lên 57.800 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị. Cùng với đó, VHM cũng đã trở lại từ mức tham chiếu của cuối phiên sáng, đóng cửa ngày tăng 0,78% lên 45.000 đồng, khớp 6,82 triệu đơn vị. Ngoài ra, một số mã bluechip khác cũng có đóng góp tích cực cho thị trường hôm nay như GVR, CTG, TPB, VCB, BVH.

Các mã này đóng góp cho chỉ số chung hơn 2 điểm, khá cân bằng với nhóm cổ phiếu có tác động tiêu cực tới chỉ số chung. Trong đó, giảm mạnh nhất là SSB giảm 4,02% xuống 16.700 đồng, mức thấp nhất ngày; tiếp đến là PLX giảm 2,33% xuống 41.850 đồng, GAS cũng giảm gần 1% xuống 72.000 đồng.

Về nhóm ngành, ngân hàng đã có thêm 2 sắc xanh so với phiên sáng, nâng số mã tăng lên 4 mã, trong đó CTG, TPB và VCB thay thêm vào, còn VPB lùi về tham chiếu, nhưng mức tăng rất nhẹ. Trong khi đó, EIB cũng hạ thấp độ cao khi đóng cửa chỉ còn tăng 1,37% lên 18.450 đồng, khớp 10,75 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán lại tiêu cực hơn phiên sáng khi sắc đỏ lại chiếm ưu thế hơn, khi chỉ còn 4 mã tăng, trong đó ORS tăng mạnh nhất là 2,89% lên 14.250 đồng, tiếp đến là TVB tăng 1,08% lên 9.400 đồng, cùng BSI và TVS tăng nhẹ. Trong khi giảm mạnh nhất là APG giảm 2,9% xuống 9.700 đồng, tiếp đến là VND giảm 1,01% xuống 14.650 đồng, số còn lại chỉ giảm nhẹ.

Trong nhóm bất động sản, dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế, nhưng nhóm này có 3 mã tăng mạnh. Đầu tiên là QCG giữ nguyên ở mức kịch trần do không có lực bán ra thêm, trong khi vẫn còn dư mua trần tới hơn 2,2 triệu đơn vị. Tiếp theo là HAR tăng 6,58% lên 3.890 đồng, HTN tăng 5,13% lên 7.790 đồng. Ngoài ra, NBB tăng 3,31% lên 23.400 đồng. Trong khi chiều ngược lại, SGR giảm mạnh nhất cũng chỉ mất 3,6% xuống 40.200 đồng.

Nhóm thép đã không còn sắc xanh khi cả 3 mã dẫn dắt của phiên sáng là HPG, NKG và HSG quay đầu giảm. Trong đó, HPG chỉ giảm rất nhẹ, còn HSG giảm 1,44% xuống 20.500 đồng và NKG giảm 2,09% xuống 21.050 đồng.

Về thanh khoản, 4 mã đứng đầu là ngân hàng và chứng khoán, gồm VIX khớp 20,85 triệu đơn vị, STB khớp 18,41 triệu đơn vị, VPB khớp 17,84 triệu đơn vị và VND khớp 14,09 triệu đơn vị. Tiếp theo là MWG khớp 13,71 triệu đơn vị và HPG khớp 11,63 triệu đơn vị. Tiếp đến vẫn là các mã ngân hàng.

HNX-Index cũng xác lập mức đáy của ngày trong phiên chiều và chỉ thoát mức này trong những phút cuối phiên.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,69 điểm (-0,3%), xuống 228,26 điểm với 54 mã tăng và 73 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,5 triệu đơn vị, giá trị 785,6 triệu đơn vị, giảm 28% về khối lượng và 20,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,9 triệu đơn vị, giá trị 183,4 tỷ đồng.

Hôm nay sàn HNX chỉ có 5 mã có thanh khoản tính bằng triệu đơn vị là SHS, CEO, MST, PVS và MBS, trong đó chỉ duy nhất MBS đóng cửa tăng nhẹ, MST đứng tham chiếu, còn 3 mã còn lại giảm. Hai mã có thanh khoản tốt nhất và cũng là 2 mã giảm mạnh nhất là SHS với 6,28 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,30% xuống 15.200 đồng và CEO khớp 2,64 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,36% xuống 14.500 đồng.

Trên thị trường UPCoM, sau khi bị đẩy xuống dưới tham chiếu trong những phút đầu phiên theo diễn biến không mấy tích cực trên 2 sàn niêm yết, chỉ số này sau đó đã đảo chiều trở lại và đóng cửa với sắc xanh nhạt.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,17%), lên 92,32 điểm với 119 mã tăng và 140 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28 triệu đơn vị, giá trị 542,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,9 triệu đơn vị, giá trị 122,5 tỷ đồng.

Cả 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị trên UPCoM hôm nay đều đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, BSR là mã có thanh khoản tốt nhất 3,78 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,3% xuống 22.700 đồng. Tiếp đến là BVB khớp 1,24 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,85% xuống 11.700 đồng; OIL khớp 1,04 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,46%; VGI khớp 1,03 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,76% xuống 66.900 đồng.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng đáo hạn tháng 10 VN30F2410 giảm 3,4 điểm (-0,25%), xuống 1.354,6 điểm với khối lượng giao dịch đạt 172.304 hợp đồng, tương đương giá trị 23.351,8 tỷ đồng; khối lượng mở 36.656 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, thanh khoản phiên hôm nay khá tốt khi có 2 mã có thanh khoản trên 4,2 triệu đơn vị là CFPT2314 và CMWG2314; một mã có thanh khoản trên 3,1 triệu đơn vị là CVIB2404; bốn mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị và 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, toàn bộ các chứng quyền có thanh khoản từ 2 triệu đơn vị trở lên đều do SSI phát hành. Trong 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị còn lại, chỉ có duy nhất 1 mã do ACBS phát hành, còn lại cũng đều do SSI phát hành.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, hôm nay có 4,74 triệu đơn vị được giao dịch, tương đương tổng giá trị 3.584,1 tỷ đồng. Trong đó, mã có khối lượng giao dịch lớn nhất là SBP12205 do Sunbay Ninh Thuận phát hành với 482.384 đơn vị, tổng giá trị gần 50,5 tỷ đồng; tiếp đến là H7912102 do Hưng Thịnh Land phát hành với 461.391 đơn vị, giá trị 46,3 tỷ đồng. Xét về giá trị SGJ12304 của Sài Gòn Capital và HDB12403 của HDBank là 2 mã có giá trị giao dịch lớn nhất, đều hơn 1.000 tỷ đồng, tương ứng khối lượng lần lượt là 10.010 đơn vị và 1.000 đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục