Phiên giao dịch chiều 15/12: Họ FLC tạo sóng, ITA bị chốt lời mạnh

0:00 / 0:00
0:00
 (ĐTCK) Thị trường thêm một phiên đóng cửa gần như không thay đổi, nhưng thị trường vẫn xuất hiện các điểm nóng trên bảng điện tử.
Phiên giao dịch chiều 15/12: Họ FLC tạo sóng, ITA bị chốt lời mạnh

Trong phiên sáng, thị trường chủ yếu giằng co nhẹ quanh tham chiếu, sau đó được kéo tăng lên test lại ngưỡng kháng cự mạnh ở vùng 1.480 điểm lúc gần cuối phiên, nhưng không thành công. Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến giao dịch diễn ra chậm và thanh khoản sụt giảm so với phiên sáng qua.

Bước vào phiên chiều, sức ép từ VIC khiến VN-Index bị đẩy xuống dưới ngưỡng 1.470 điểm. Tuy nhiên, đây cũng đang là vùng hỗ trợ tốt cho thị trường trong giai đoạn hiện tại, nên VN-Index đã bật trở lại trên tham chiếu và đóng cửa gần như không đổi.

VN-Index đóng cửa ngày tiếp tục tạo thêm một cây nến doji với thanh khoản sụt giảm trở lại sau khi bất ngờ tăng mạnh hôm qua.

Chốt phiên, VN-Index giảm 0,52 điểm (-0,04%), xuống 1.475,5 điểm với 197 mã tăng (12 mã tăng) và 264 mã giảm (6 mã giảm). Tổng khối lượng giao dịch đạt 906 triệu đơn vị, giá trị 25.916,4 tỷ đồng, giảm 6% về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 44,6 triệu đơn vị, giá trị 2.454 tỷ đồng.

Trong khi đó, dù đóng cửa với cây nên tăng trở lại, nhưng VN30-Index vẫn có phiên thứ 4 liên tiếp đóng cửa dưới đường MA20 (1.527 điểm). Cụ thể, với 16 mã tăng, 12 mã giảm và 2 mã đứng giá, VN30-Index tăng 2,98 điểm (+0,20%), lên 1.519,42 điểm.

Ngày mai là ngày đáo hạn phái sinh tháng 12, nên thị trường được dự báo sẽ có phiên đột biến, nhất là trong đợt ATC. Các mã trong rổ VN30 theo đó cũng được chú ý hơn, nhất là các mã có tác động lớn tới chỉ số, qua đó có thể làm thay đổi kết quả của những nhà đầu tư giữ hợp đồng phái sinh đến khi đáo hạn.

Dù diễn biến của chỉ số chung không có gì đáng chú ý, vẫn tích lũy trong biên độ hẹp 1.470 - 1.480 điểm, nhưng không vì thế mà thị trường kém hấp dẫn.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, VIC bị ép giảm khá mạnh 2,4% xuống 100.000 đồng, khớp gần 2,9 triệu đơn vị, lấy đi của VN-Index 2,45 điểm. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của các mã lớn khác như MSN, BCM, NVL, VCB và thậm chí là VHM cũng không còn theo đuổi VIC, mà quay đầu tăng 0,6% lên 82.600 đồng, giúp VN-Index giữ được thế cân bằng. Riêng 5 mã lớn này đóng góp cho VN-Index hơn 3 điểm.

BCM thậm chí còn đóng cửa ở mức trần 63.000 đồng, khớp 1,56 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.

Không chỉ nhóm cổ phiếu lớn, trong nhóm cổ phiếu thị trường cũng có sự phân hóa rõ nét, trong đó nhóm FLC và FIT nổi sóng, thì ITA và IDI lại bị bán tháo mạnh.

Trong nhóm FLC, ROS chính là kép chính với mức tăng trần lên 10.050 đồng, khớp 54,51 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường và còn dư mua trần tới hơn 11 triệu đơn vị. FLC khiêm tốn hơn cũng tăng 3,2% lên 16.300 đồng, khớp 22,96 triệu đơn vị. Ngoài ra, AMD tăng 5,5% lên 7.880 đồng, khớp 9,38 triệu đơn vị. HAI tăng 5,4% lên 7.800 đồng, khớp 8,91 triệu đơn vị. Riêng GAB vẫn đứng ngoài gia đình khi có diễn biến giá không theo chung của nhóm.

Về nhóm FIT, ngoài FIT tăng trần lên 14.900 đồng, khớp 16,09 triệu đơn vị, còn có DCL cũng đóng cửa ở mức trần 42.800 đồng, khớp hơn 0,6 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.

Ngoài ra, còn kể đến HQC tăng 4,5% lên 8.050 đồng, khớp 27,29 triệu đơn vị. HAG đảo chiều tăng 1,7% lên 12.200 đồng, khớp 38,32 triệu đơn vị…

Trong khi đó, ITA bị chốt lời mạnh sau khi lên đỉnh 17.900 đồng, đóng cửa ở mức sàn 16.200 đồng, khớp 38,32 triệu đơn vị, nhưng không còn dư bán sàn, lượng dư mua sàn còn gần 3 triệu đơn vị. Cùng cảnh ngộ, dù rất cố gắng, nhưng IDI cũng đóng cửa ở mức sàn 16.000 đồng, khớp 14,7 triệu đơn vị và còn dư bán sàn.

Trong khi SJF thu hẹp đà giảm khi đóng cửa chỉ còn giảm 3,7% xuống 13.000 đồng, khớp 13,7 triệu đơn vị.

CII từ mức trần lúc mở cửa, đóng cửa giảm 0,9% xuống 31.650 đồng, khớp 30,7 triệu đơn vị. HNG cũng không còn theo cặp cùng HAG khi giảm 5,4% xuống 10.600 đồng, khớp 24 triệu đơn vị.

Nhóm bluechip có các mã giảm đáng chú ý khác ngoài VIC là POW giảm 3% xuống 16.100 đồng, khớp 35,35 triệu đơn vị và VPB giảm 1% xuống 34.650 đồng, khớp 24,97 triệu đơn vị.

Trong nhóm ngân hàng, ngoài VPB, EIB, BID của phiên sáng, có thêm LPB, CTG quay đầu giảm trong phiên chiều, còn lại đều tăng giá. Trong đó, tăng mạnh nhất là TPB tăng 2,97% lên 52.000 đồng. Trong khi đó, người anh cả VCB vẫn giữ đà tăng 0,6% lên 99.900 đồng.

Nhóm thép hạ nhiệt gần như toàn bộ, chỉ còn NKG và HPG giữ sắc xanh nhạt. Trong khi nhóm chứng khoán chủ yếu chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ APG có sắc xanh nhạt.

Ở các mã khác, TCH hôm nay cũng có giao dịch tốt với thanh khoản hơn 14,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,2% lên 24.050 đồng.

Trong khi đó, lực bán mạnh đầy phiên chiều cũng đẩy HNX-Index tạo đáy trong ngày, dù có bật lại nhưng không thể trở lại tham chiếu, đóng cửa giảm mạnh hơn nhiều so với VN-Index.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,98 điểm (-0,21%), xuống 453,7 điểm với 106 mã tăng 131 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 118,7 triệu đơn vị, giá trị 3.384 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,7% về khối lượng và 5,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,4 triệu đơn vị, giá trị 293,7 tỷ đồng.

Cũng giống như anh em của mình trên HOSE, KLF và ART cũng có phiên giao dịch khởi sắc, dù không thể đóng cửa ở mức trần như ROS. Chốt phiên, KLF tăng 6,6% lên 8.100 đồng, khớp 11,4 triệu đơn vị, dẫn đầu HNX. Trong khi ART tăng 0,7% lên 14.400 đồng, khớp 3 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, họ FLC không phải là nhóm nổi bật nhất trên HNX chiều nay, mà đến từ các mã đơn lẻ khác. Trong đó, CEO đã trở lại mức trần 45.300 đồng, khớp 7,8 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần. DL1 vì không còn lệnh bán nhiều nên vẫn án ngữ ở mức trần 14.900 đồng, khớp 10,5 triệu đơn vị và còn dư mua trần.

Ngoài ra, thêm một mã đua trần nữa hôm nay là APS tăng lên 38.000 đồng, khớp 3,5 triệu đơn vị và còn dư mua trần sau thông tin kết quả kinh doanh 11 tháng khởi sắc.

Trong khi đó, PVL giảm sàn xuống 16.200 đồng, khớp 2,76 triệu đơn vị và còn dư bán sàn.

Trong các mã lớn, IDC giảm 4,5% xuống 84.000 đồng, khớp 3,4 triệu đơn vị, SHS giảm 3,7% xuống 49.500 đồng, khớp 7,4 triệu đơn vị, PVS giảm 1,1% xuống 26.200 đồng, khớp 5,58 triệu đơn vị.

Trên thị trường UPCoM, chỉ số này chỉ dao động dưới tham chiếu suốt phiên chiều và đóng cửa giảm 0,36 điểm (-0,32%), xuống 111,72 điểm với 168 mã tăng (23 mã trần) và 170 mã giảm.

Các mã trong Top thanh khoản vẫn giữ sắc đỏ như phiên sáng, trong đó CEN đóng cửa ở mức sàn 18.600 đồng, khớp 3,16 triệu đơn vị. Thanh khoản tốt nhất là HHV 8,65 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,3% xuống 25.900 đồng. BSR cũng giảm 2,3% xuống 21.300 đồng, khớp 7,17 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai Vn30 đều tăng theo thị trường cơ sở, trong đó hợp đồng đáo hạn ngày mai VN30F2112 tăng 1,6 điểm (+0,11%), lên 1.520,1 điểm với 118.443 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 25.446 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng chiếm ưu thế hơn số mã giảm, trong đó đặc biệt là CVPB2110 do BSC phát hành bất ngờ được kéo lên mức trần cuối phiên 2.900 đồng (+61,1%) dù phần lớn giảm giá trong phiên. Chốt phiên thanh khoản mã này chưa tới 100.000 đơn vị. Các mã khác tăng, giảm không đáng kể. Về thanh khoản, có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CVHM2114 do KIS phát hành và CMBB2108 do SSI phát hành và đều tăng nhẹ khi đóng cửa.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ