Toàn thị trường trong phiên giao dịch sáng chìm trong sắc đỏ dưới áp lực bán mạnh và rộng ở khắp các nhóm ngành. Thậm chí, lực bán còn gia tăng quyết lệt ở 15 phút cuối phiên sáng khiến sắc đỏ càng trở nên đậm hơn.
Bước vào phiên chiều, thị trường cũng không sáng sủa hơn khi bên nắm giữ cổ phiếu vẫn đẩy bán mạnh. VN-Index lại rung lắc và trôi dần về ngưỡng 596 điểm. Lúc này, cầu bắt đáy bắt đầu khởi động nhưng tỏ ra khá thận trọng, VN-Index theo đó cũng nhích dần lên mốc tham chiếu 602 điểm. Những tưởng chỉ số sau đó sẽ hồi phục tốt ở đợt ATC, nhưng cũng giống như phiên sáng, đã có thêm 1 đợt xả mạnh trong đợt khớp lệnh đóng cửa, kéo VN-Index tụt trở lại về sát mốc 600 điểm.
Đối với HNX, sàn này cũng có diễn biến tương tự như trên HOSE, khi cầu bắt đáy cũng được thận trong đưa vào, kéo HNX nhích từng bước về mốc 91 điểm. Và rồi áp lực bán trong đợt khớp lệnh ATC lại kéo chỉ số này lui trở lại, nhưng kết phiên chiều vẫn cao hơn so với mức của phiên sáng.
Đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index giảm 2,8 điểm (-0,46%) xuống 600,36 điểm với số mã giảm giá gấp đôi số mã tăng giá (150 mã giảm, 69 mã tăng và 65 mã đứng giá). Chỉ số VN30-Index giảm 0,97 điểm (-0,15%) xuống 637,9 điểm với 21 mã giảm, 5 mã tăng và 4 mã đứng giá.
Lực bắt đáy không quá mạnh nên thanh khoản phiên này cũng tương đương như phiên trước, tổng khối lượng giao dịch đạt 143,9 triệu đơn vị, giá trị 2.498,74 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,75 điểm (-0,82%) xuống 90,74 điểm với 127 mã giảm, 77 mã tăng và 65 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 89,42 triệu đơn vị, trị giá 1.150,37 tỷ đồng. Chỉ số HNX30-Index giảm 1,56 điểm (-0,84%) xuống 184,47 điểm với 19 mã giảm, 6 mã tăng và 5 mã đứng giá.
Giao dịch thỏa thuận trên 2 sàn trong phiên chiều nay hầu như không thay đổi so với phiên sáng.
Trên HOSE, áp lực bán mạnh được duy trì khiến đa phần các mã trong nhóm VN30 tiếp tục giao dịch dưới tham chiếu trong suốt phiên chiều nay.
KDC giảm mạnh 2.000 đồng xuống 58.000 đồng/CP do áp lực cung lớn từ khối ngoại. Tổng khối lượng khớp đạt 2,83 triệu đơn vị. Các mã lớn khác như PVD, PVT, HPG, HSG, FPT, SII, HAG, OGC... cũng giảm khá mạnh. Trong đó, SSI được khớp trên 5 triệu đơn vị.
Trong các mã vốn hóa lớn, GAS vẫn giảm 2.000 đồng, xuống 104.000 đồng/CP, còn VNM giậm chân tại tham chiếu. Còn MSN nhờ cầu ngoại mạnh mẽ nên tăng 1.000 đồng, lên 83.500 đồng/CP. VIC cũng tăng 600 đồng lên 49.400 đồng/CP và khớp 2,76 triệu đơn vị. VCB tăng 200 đồng, lên 27.500 đồng. Đây chính là những bệ đỡ, giúp hãm bớt đà giảm của VN-Index.
Mã FLC sau phiên giảm khá mạnh ở phiên sáng, đã được mua vào rất mạnh trong phiên chiều với hơn 10 triệu đơn vị khớp lệnh, nâng tổng mức khớp lệnh cả phiên lên trên 26 triệu đơn vị. Cầu bắt đáy mạnh giúp FLC đóng cửa tăng nhẹ trở lại 100 đồng lên 12.000 đồng/CP.
Các mã bất động sản khác như ITA, KBC, HQC, HAR, DLG,... dù cũng giao dịch mạnh, nhưng không có được “may mắn” như FLC. Trong đó, ITA được khớp 7,8 triệu đơn vị, KBC đạt 6,8 triệu đơn vị, HAR khớp 5,8 triệu đơn vị, HQC và DLG cùng đạt trên 3,5 triệu đơn vị, ...
Đáng chú ý, nhóm vận tải biển đã bất ngờ đón cầu mua khá tốt nên đã đi ngược thị trường trong phiên chiều nay, trong đó VOS được kéo tăng kịch trần lên 5.800 đồng/CP và khớp trên 2 triệu đơn vị, bên bán trắng lệnh.
Trên HNX, nhóm HNX30 cũng chìm trong sắc đỏ trong cả phiên chiều. Các mã dẫn dắt như PVS, PVC, PGS, ACB, BVS, VCG, SHS, SCR ....thậm chí còn giảm mạnh hơn so với phiên sáng. SCR giảm 300 đồng xuống 10.200 đồng/CP và khớp 5,9 triệu đơn vị.
Mã PVX quay về tham chiếu và có hơn 15 triệu đơn vị khớp lệnh.
Cũng giống như FLC, mã KLF cũng được tập trung “giải cứu” trong phiên chiều nay, nên đã bật tăng tới 500 đồng lên 14.200 đồng/CP và khớp được gần 25 triệu đơn vị. Ở phiên sáng, mã này giảm 200 đồng và khớp trên 16 triệu đơn vị.
Trong khi đó, SHN chỉ còn tăng 100 đồng lên 4.900 đồng/CP và khớp tới xấp xỉ 5,6 triệu đơn vị.
Còn FIT vẫn giao dịch chậm trong phiên chiều, nhưng đà giảm cũng được hãm bớt, đóng cửa khớp 2,1 triệu đơn vị, giảm 300 đồng xuống 31.700 đồng.
Như vậy, những mã có liên quan tới việc nâng-giảm margin như FLC, KLF, FIT, tương quan lực lượng khác cân bằng khi phiên sáng, phần thắng chia đều cho mỗi bên trong từng phiên.
Về thị trường chung, diễn tuần qua cho thấy thị trường vẫn chủ yếu là giằng co đi ngang trong khoảng hẹp. Với bối cảnh như hiện tại, thị trường tuần tới có lẽ chưa thể thoát ra khỏi tình trạng giằng co này.