Phiên giao dịch chiều 12/3: “Tay to” ra đòn hiểm

(ĐTCK) Phiên giao dịch ngày 12/3 diễn ra đầy cảm xúc. Nhiều nhà đầu tư hồ hởi trong suốt phiên giao dịch sáng vừa nửa đầu phiên chiều. Tuy nhiên, vào cuối phiên, nhiều nhà đầu tư đã “vỡ mật” khi chứng kiến lệnh xả hàng trước và trong đợt ATC.
Phiên giao dịch chiều 12/3: “Tay to” ra đòn hiểm
Với sự hỗ trợ mạnh của dòng tiền, tưởng chừng thị trường sẽ vượt qua khi tiến vào “vùng nguy hiểm” 595 - 600, tuy nhiên, đúng như lo ngại của một số công ty chứng khoán, lực bán đã tăng mạnh khi VN-Index tiến vào vùng này, đẩy thị trường thoái lui trở lại.

Kịch bản kéo - xả liên tiếp được áp dụng trong phiên hôm nay. Trong phiên giao dịch sáng, khi VN-Index vừa được kéo qua mốc kháng cự 595 điểm, đợt xả thứ nhất đã diễn ra, đẩy chỉ số này lùi về đến mốc 591 điểm. Tuy nhiên, nhờ lực cầu tốt ở các mã bluechip, VN-Index nhanh chóng được đẩy trở lại quỹ đạo. Khi VN-Index yên vị trên 594 điểm, những lệnh mua, bán nhịp nhàng được đưa vào thị trường giúp thanh khoản trong phiên sáng tăng mạnh, gần bằng với phiên kỷ lục ngày 20/2.

Khi thị trường bước vào phiên chiều, kịch kéo xả một lần nữa lại được sử dụng và cao tay hơn nhiều so với phiên sáng. Những “tay to” dồn tiền đẩy giá bluechip, qua đó kéo VN-Index tăng cao, vượt qua đỉnh ngắn hạn 596 điểm. Không vội vã như phiên sáng, bên nắm giữ cổ phiếu vẫn nhẹ nhàng tung ra những lệnh bán giá cao, dù vẫn xuất hiện lực chốt lời lẻ tẻ khi VN-Index lên đỉnh, nhưng với sự “chống lưng” và kìm tay của những “tay to”, VN-Index duy trì mức tăng khá tốt, dao động quanh mốc 595 điểm.

Và rồi, khi tất cả nhà đầu tư đều tin vào một phiên lên điểm ổn thỏa thì lúc này, những “tay to” mới bắt đầu ra tay. Lực xả ồ ạt tung ra vào cuối phiên, khiến nhiều nhà đầu tư đua mua giá cao không kịp trở tay, VN-Index cắm đầu di xuống. Đặc biệt, khi bước vào phiên giao dịch khớp lệnh xác định giá đóng cửa, lệnh bán ATC tiếp tục được tung dồn dập vào thị trường, kéo VN-Index về mức thấp nhất trong ngày.

Kết thúc phiên chiều 12/3, VN-Index tăng 1,52 điểm (+0,26%), lên 590,02 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 177,65 triệu đơn vị, giá trị 3.069 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 8,94 triệu đơn vị, giá trị 302,7 tỷ đồng. VN30-Index cũng có diễn biến tương tự VN-Index khi đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày, dù vẫn duy trì sắc xanh với mức tăng 2,23 điểm (+0,34%), lên 663,84 điểm.

Tương tự, trên HNX, diễn biến cũng khá giống trên HOSE. Tuy nhiên, do lực đỡ yếu hơn, nên khi bị xả mạnh từ nửa cuối phiên chiều, HNX-Index đã không thể chống đỡ nổi, đành quay đầu giảm điểm.

Kết thúc phiên chiều, HNX-Index giảm 0,47 điểm (+0,56%), xuống 83,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 87,25 triệu đơn vị, giá trị 890,75 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,3 triệu đơn vị, giá trị 20 tỷ đồng. HNX30-index cũng mất 1,04 điểm (-0,62%), xuống 166,1 điểm.

 

Trong bản tin nhận định tuần này, CTCK IVS đánh giá, những cú kéo - xả liên tục trong 2 tuần trước đó dường như đã đến hồi kết. Tuy nhiên, theo công ty này, quan sát kỹ thị trường, thi thoảng lại có cú đẩy mạnh ở một nhóm cổ phiếu và đi kèm là một khối lượng giao dịch lớn. Điều này cũng diễn ra tương tự với từng mã và những tay chơi lớn chỉ cần như thế, họ chấp nhận một cú đẩy mạnh, nhưng bù lại sẽ có một lượng cổ phiếu tương đối được bán ra.

“Nếu như kịch bản này là hiện thực, khả năng về một cú xả mạnh xảy ra ở tuần này là điều có thể”, IVS nhận định.

Với diễn biến trong phiên hôm nay, thì kích bản về một cú xả mạnh mà IVS dự đoán đã xảy ra với sự góp mặt của các tay chơi lớn.

Với đợt xả mạnh cuối phiên, đa số cổ phiếu cũng theo chân VN-Index lùi về mức thấp nhất trọng ngày. Tuy nhiên, HPG, CII, VIC và GMD dù không có được mức giá tốt như phiên sáng, nhưng vẫn duy trì được đà tăng khá.

Trong khi đó, AGR dĩ nhiên là đã cạn kiệt nguồn cung, nên vẫn ung dung ở mức giá trần với tổng lượng khớp không có nhiều thay đổi so với phiên sáng với 6,64 triệu đơn vị.

Trong khi đó, ITA và FLC bị đẩy lùi ra xa hơn so với mức tham chiếu do lực bán giá thấp tăng dần, trong đó ITA đứng ở mức 8.600 đồng, giảm 300 đồng (-3,37%) với 11,89 triệu đơn vị được khớp, còn FLC giảm 500 đồng (-3,65%), xuống 13.200 đồng/cổ phiếu với hơn 8,62 triệu đơn vị được khớp.

Một cổ phiếu bất động sản khác là HQC cũng bị đẩy mạnh về phía dưới của tham chiếu khi giảm 300 đồng (-3,33%), xuống 8.700 đồng/cổ phiếu với hơn 7 triệu đơn vị được khớp.

Và dĩ nhiên, với lực xả mạnh thì VHG không còn duy trì được mức giá trần như phiên sáng khi đóng cửa phiên chiều ở mức 11.800 đồng, tăng 400 đồng (+3,5%) với 6,67 triệu đơn vị được khớp.

Trên HNX, PVX cũng bị đẩy lùi 1 bước giá về 5.000 đồng/cổ phiếu với gần 10 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, SHB vẫn cầm cự được ở mức tham chiếu với 9,7 triệu đơn vị được khớp. PVS cũng không thể chinh phục được đỉnh hơn hơn năm 30.000 đồng, thậm chí còn bị đẩy lùi 7 bước so với mức giá của phiên sáng, đứng ở mức 28.600 đồng/cổ phiếu.

Một điều bất ngờ là nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại trạng thái mua ròng trong phiên hôm nay với giá trị mua ròng 45,7 tỷ đồng trên HOSE, nhưng về giá trị họ vẫn bán ròng 863.060 đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục