Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có thêm thông tin hỗ trợ tích cực cũng như tiêu cực nào, tuy nhiên, VN-Index đã đón nhận thêm một đợt sóng.
Áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh khiến VN-Index lao thẳng đứng đánh mất gần 9 điểm và một lần nữa ngưỡng 570 điểm bị xuyên thủng. Tuy nhiên, cũng giống cú rung lắc mạnh trong phiên sáng, lực bắt đáy khá tốt, nhất là ở các mã có tính đầu cơ cao đã giúp thị trường hồi tránh được phiên giảm sâu.
Đóng cửa, trên sàn HOSE có tới 118 mã tăng, gần gấp 2 lần so với số mã giảm (66 mã), tuy nhiên, chỉ số VN-Index không thể thoát một phiên giảm điểm khi chịu lực hãm khá mạnh của các cổ phiếu bluechip.
Chốt phiên, Vn-Index giảm 3,15 điểm (-0,55%) xuống 572,89 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 117,66 triệu đơn vị, trị giá 1.894,68 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 10,37 triệu đơn vị, trị giá 158,66 tỷ đồng. Riêng EIB thỏa thuận hơn 8,5 triệu đơn vị với tổng giá trị 96,15 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tăng 0,46 điểm (+0,52%) lên 88 điểm với 115 mã tăng, gần gấp 2 lần số mã giảm (69 mã). Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,3 triệu đơn vị, trị giá 822,29 điểm. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 14,16 tỷ đồng.
Nhóm Vn30 giảm 0,91 điểm (-0,15%) xuống 615,57 điểm với 13 mã tăng, 10 mã giảm và 7 mã đứng giá. Trong khi hầu hết các cổ phiếu HNX30 đã lấy lại được sắc xanh với 23 mã tăng, chỉ 4 mã giảm và 2 mã đứng giá, chỉ số HNX30-Index tăng 1,73 điểm (+0,99%) lên 176,99 điểm.
Đầu tàu GAS tiếp tục giảm mạnh với mức giảm 3.000 đồng (-3,19%) cùng 3i bluechip khác gồm VNM giảm 500 đồng, MSN giảm 1.500 đồng (-1,82%), PVD giảm 2.500 đồng (-3,01%) là lực hãm chính.
Với Luật nhà ở và luật kinh doanh bất động sản vừa được Quốc hội thông qua tiếp tục tác động tốt tới diễn biến giá cũng như thanh khoản của nhóm cổ phiếu bất động sản. Dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu này khá tích cực đã giúp sắc xanh nhanh chóng lan rộng trong nhóm. Cổ phiếu FLC tăng 400 đồng lên mức giá cao nhất trong phiên 12.000 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18 triệu đơn vị, vẫn dẫn đầu về thanh khoản của toàn sàn.
Trong khi đó, ITA cũng trở lại được mốc tham chiếu với hơn 5,5 triệu đơn vị được chuyển nhượng; KBC tăng 400 đồng và khớp 2,74 triệu đơn vị; HAR tăng 100 đồng và khớp 2,36 triệu đơn vị, cùng các cổ phiếu HQC, DXG, DLG… tăng điểm và khớp trên 1 triệu đơn vị.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu chứng khoán và dầu khí cũng tăng khá tích cực. Trong nhóm chứng khoán gồm SSI, HCM, AGR; nhóm dầu khí, PTL, PVT, PXI, PXL, PXT cũng lần lượt xanh nhẹ. Trong đó, SSI khớp hơn 3 triệu đơn vị, còn PVT và PXL cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
OGC cũng là điểm đáng chú ý trong phiên. Trong khi lực bán tăng mạnh thì cầu hấp thụ cũng khá tốt nhưng chủ yếu ở mức giá thấp khiến OGC đóng cửa giảm 300 đồng với khối lượng khớp 10,27 triệu đơn vị.
Cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ VHG cũng khá ấn tượng khi vượt qua mốc tham chiếu và tăng mạnh sát mức trần. Chốt phiên VHG tăng 700 đồng lên 14.400 đồng/Cp và khớp hơn 4,88 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, các cổ phiếu PVC, BVS, KLS, SCR, VCG, VND, ACB… lấy lại sắc xanh và tiếp tục nới rộng đà tăng là động lực chính giúp thị trường hồi xanh.
Cùng với FLC, KLF và FIT cũng lần lượt tăng mạnh. Chốt phiên, KLF tăng 800 đồng và khớp 12,47 triệu đơn vị trong khi FIT tăng 1.000 đồng và khớp 3,72 triệu đơn vị.
Với thông tin liên tiếp đăng ký thoái vốn tại PVL, PFL và PID đã giúp cổ phiếu PVX tăng khá mạnh trong phiên hôm nay. Chốt phiên, PVX tăng 300 đồng và khớp gần 3,3 triệu đơn vị.
Trong phiên hôm nay, khối ngoại đã ồ ạt bán ra trên sàn HOSE với khối lượng gàn ròng 11,34 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng lên đến 199,41 tỷ đồng. Đồng thời, khối này bán ròng nhẹ 5,45 tỷ đồng trên sàn HNX.