Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, VN-Index giằng co mạnh quanh tham chiếu trong suốt phiên sáng, nhưng sau đó đã bật mạnh trở lại trong phiên giao dịch chiều và đóng cửa ở mức đỉnh cao lịch sử mới khi VIC quay đầu tăng giá.
Mặc dù vậy, tâm lý nhà đầu tư trong tuần qua khá thận trọng khiến thanh khoản thị trường sụt giảm, dù chỉ số có 7 tuần tăng liên tiếp.
Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch sáng nay, với việc VN-Index chinh phục được mức đỉnh đóng cửa lịch sử được xác lập hôm 22/3, tâm lý nhà đầu tư đã hứng khởi hơn, giúp VN-Index bật tăng mạnh ngay từ đầu phiên.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau 3 phiên bị chốt lời, cũng đã bắt đầu trở lại, cùng với đó là đà tăng mạnh của nhóm dầu khí theo giá dầu và nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng thăng hoa, giúp đà tăng của VN-Index được duy trì khá vững vàng.
Sau chút lưỡng lự khi tiến đến ngưỡng 1.185 điểm, VN-Index đã bật tăng mạnh trở lại khi VIC tiếp tục thăng hoa, kéo VN-Index vượt qua đỉnh lịch sử, lên trên ngưỡng 1.191 điểm, đóng cửa ở mức cao nhất ngày và cũng là đỉnh cao mọi thời đại mới của chỉ số này. Tâm lý nhà đầu tư bớt thận trọng hơn cũng giúp thanh khoản thị trường được cải thiện.
Cụ thể, chốt phiên sáng nay, VN-Index tăng 17,12 điểm (+1,46%), lên 1.191,58 điểm với 137 mã tăng, 114 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 132,73 triệu đơn vị, giá trị 4.079,84 tỷ đồng, tăng 25% về khối lượng và 18,76% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6 triệu đơn vị, giá trị 402 tỷ đồng.
Đáng chú ý, VIC đã có chuỗi tăng ấn tượng kể từ giữa tháng 3, giúp mã này chính thức vượt qua VNM trở thành cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất thị trường khi chốt phiên 29/3. Trong phiên cuối tuần trước, dù có chút khó khăn trong phiên sáng do áp lực chốt lời, nhưng VIC nhanh chóng trở lại đà tăng trong phiên chiều với mức tăng 1,91%, góp phần giúp VN-Index thiết lập mức đỉnh đóng cửa mới.
Trong phiên sáng nay, cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất thị trường này tiếp tục nhận được lực cầu tốt, tăng 3,24%, lên 121.000 đồng, có lúc lên mức 124.500 đồng với 1,5 triệu đơn vị được khớp.
Cùng với VIC, nhiều cổ phiếu lớn khác cũng tăng mạnh như sự trở lại của nhóm ngân hàng (VCB, BID, CTG, VPB), đà tăng mạnh tại GAS, MSN, VJC, hay sự khởi sắc của nhóm chứng khoán (SSI, HCM, VND, VCI), trong đó HCM đang còn dư mua trần, VCI cũng có lúc chạm sắc tím.
Trong đó, VCB tăng 3,55%, lên mức cao nhất phiên 73.000 đồng với 1,7 triệu đơn vị được khớp; BID tăng 0,23%, lên 43.500 đồng với 1,5 triệu đơn vị được khớp; CTG tăng 2,75%, lên 35.500 đồng với 3,55 triệu đơn vị được khớp; VPB tăng 2,95%, lên 66.400 đồng với 4,93 triệu đơn vị được khớp.
Các mã ngân hàng khác cũng có sắc xanh phiên sáng nay như MBB tăng 1,59%, lên 35.250 đồng với 2,66 triệu đơn vị được khớp; STB tăng 0,65%, lên 15.600 đồng với 3,2 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, HDB và EIB giảm nhẹ 0,22% và 0,71%.
Các các mã lớn khác, GAS tăng 3,12%, lên 135.500 đồng, MSN tăng 3,35%, lên 117.300 đồng, VJC tăng 1,88%, lên 228.100 đồng, ROS đảo chiều ngoạn mục từ mức sàn 125.600 đồng, đóng cửa ở mức 144.200 đồng, tăng 6,81%, BVH tăng 5,29%, lên 99.500 đồng.
Trong khi đó, sau thông tin lợi nhuận bay mất 660 tỷ đồng sau kiểm, cổ phiếu HAG cùng người anh em HNG bị bán tháo mạnh sáng nay. Trong đó, HAG đóng cửa giảm 6,51% xuống 6.180 đồng với 13 triệu đơn vị được khớp, có lúc đã giảm xuống mức sàn 6.150 đồng. HNG giảm 6,1%, xuống 8.310 đồng với 7,1 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, các mã nhỏ khác như FLC, QCG, HAI, IDI, ASM, KBC đóng cửa trong sắc xanh với thanh khoản tương đối tốt.
Tương tự, HNX-Index cũng mở cửa trong sắc xanh và nhanh chóng nới rộng đà tăng nhờ sự trở lại của ACB, cùng đà tăng mạnh của VGC, PVS, VNR…
Cụ thể, chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 1,95 điểm (+1,48%), lên 134,41 điểm với 72 mã tăng và 77 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,28 triệu đơn vị, giá trị 505 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% về khối lượng và tăng 22% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,48 triệu đơn vị, giá trị 15,66 tỷ đồng.
Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn chỉ có VCG và NTP giảm với mức giảm lần lượt 0,43% xuống 23.300 đồng và 1,61%, xuống 61.000 đồng, thêm PVI và DL1 đứng tham chiếu, còn lại đều tăng.
Trong đó, ACB tăng 3,43%, lên mức cao nhất phiên 48.300 đồng với 2 triệu đơn vị được khớp. VGC tăng 5,26%, lên 26.000 đồng với 2,1 triệu đơn vị. PVS tăng 2,37%, lên 21.600 đồng với 2,1 triệu đơn vị được khớp.
Các mã còn lại như VCS, SHB, VPI tăng nhẹ dưới 1%, trong đó SHB có thanh khoản tốt nhất với 5,57 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã có sắc xanh đáng chú ý khác còn có HUT, CEO, SHS, MBS…
Trong khi đó, dù cũng có lúc tăng khá mạnh đầu phiên, nhưng UPCoM-Index lại không giữa được sắc xanh đến khi chốt phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,01%, xuống 60,66 điểm với 72 mã tăng và 41 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 7,82 triệu đơn vị, giá trị 203 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,72 triệu đơn vị, giá trị 33,7 tỷ đồng.
UPCoM-Index yếu đà khi BSR quay đầu giảm nhẹ 0,38%, xuống 26.200 đồng với 1,13 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn UPCOM. POW và LPB lùi về tham chiếu với trên dưới 1 triệu đơn vị được khớp.
Ngoài ra, sắc đỏ tại VIB, SDI, LTG, MCH cũng ảnh hưởng tiêu cực tới UPCoM-Index trong phiên sáng nay.
Trong khi đó, HVN, OIL, DVN, MSR, VGT lại có được sắc xanh, nhưng thanh khoản không quá mạnh.