Phiên đầu tuần: Kẻ khóc, người cười

(ĐTCK) Trong khi các cổ đông của VIC bỏ túi hơn 3.700 tỷ đồng, thì tài sản của các nhà đầu tư FLC bị bốc hơi 54 tỷ đồng.

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có 1 tuần bình lặng hơn sau tuần tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs, nhất là phiên “đại náo” cuối tuần trước.

Tuy nhiên, diễn biến của phiên giao dịch đầu tuần mới lại không hề bình lặng như dự đoán của các công ty chứng khoán. Ngay khi bước vào phiên giao dịch, thị trường đã nổi từng đợt sóng mạnh, nhất là ở các mã bluechip nhờ thông tin vĩ mô tích cực được công bố.

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu tình hình kinh tế xã hội năm 2013. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2013 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 6,04% so với tháng 12/2012. Đây là năm chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. GDP tăng 5,42%, dù không đạt mục tiêu 5,5%, nhưng cao hơn năm trước, cho thấy kinh tế của Việt Nam đang nhích dần.

Dữ liệu từ Tổng cục Hải Quan, tính đến giữ tháng 12, Việt Nam xuất siêu 650 triệu USD. Cụ thể, tổng trị giá xuất khẩu đạt gần 125,79 tỷ USD, tăng 15,4%; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 125,14 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2012.

Dù nhiều mã bluechip và một số mã midcap tăng mạnh, tạo những con sóng lớn hỗ trợ thì trường, nhưng thị trường cũng chứng khiến những cú đổ đèo đến thót tim của FLC và HAR, những mã bất động sản đình đám thời gian qua.

Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng 3,41 điểm (+0,68%), lên 507,86 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0,53 điểm (+0,78%) lên 68,03 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam tăng 1,50 điểm (+0,30%), lên mức 499,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên 2 sàn đạt gần 98 triệu đơn vị, trị giá hơn 1.120 tỷ đồng.

Bước vào phiên giao dịch chiều, đà tăng được nới rộng thêm với lực cầu mạnh mẽ đổ vào nhóm bluechip như GMD, VCB, HPG, HSG, HAG, DPM, PNJ, BVH… và đặc biệt là VIC.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,23 điểm (+0,84%), lên 508,68 điểm. VN30-Index tăng 5,3 điểm (+0,95%), lên 565,98 điểm. HNX-Index tăng 0,79 điểm (+1,18%), lên 68,3 điểm. HNX30-Index tăng 1,88 điểm (+1,47%), lên 129,92 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam tăng 2,42 điểm (+0,49%), lên 500,28 điểm.

Thanh khoản dù giảm so với phiên cuối tuần trước, nhưng vẫn duy trì ở mức cao với 1.900 tỷ đồng trên cả 2 sàn.

Cụ thể, HOSE có 108,2 triệu đơn vị được chuyển nhượng (10 triệu thỏa thuận), tổng giá trị 1.470,3 tỷ đồng (thỏa thuận 166,5 tỷ đồng). Trên HNX, tổng khối lượng giao dịch đạt 48 triệu đơn vị (2,37 triệu đơn vị thỏa thuận), tổng giá trị 441,8 tỷ đồng (thỏa thuận 24 tỷ đồng).

Các mã đáng chú ý nhất trong phiên giao dịch đầu tuần trên sàn HOSE là VIC và FLC. Trong khi VIC bất ngờ tăng mạnh 4.000 đồng (+6,06%), lên 70.000 đồng/cổ phiếu, thì FLC bị nện sàn ngay trong phiên sáng và duy trì mức dư bán sàn cho đến hết phiên với gần 12,8 triệu đơn vị được khớp.

Với việc đang sở hữu hơn 284,6 triệu cổ phiếu VIC theo bản cáo bạch sáp nhập PVF vào VIC được công bố ngày 26/11 vừa qua, việc VIC tăng thêm 4.000 tỷ đồng trong phiên hôm nay giúp tổng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT VIC tăng thêm hơn 1.138 tỷ đồng chỉ trong 1 ngày. Còn tính chung, vốn hóa của VIC được tăng thêm khoản hơn 3.700 tỷ đồng.

Theo công bố mới nhất của Vnexpress, ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam trong năm 2013 với tổng tài sản ước tính là hơn 19.923 tỷ đồng. Người đứng kế tiếp là ông Đoàn Nguyên Đức, nhưng tổng tài sản thua xa với chỉ 6.543 tỷ đồng.

Như vậy, từ giờ tới cuối năm chỉ còn 7 phiên giao dịch (tính cả phiên hôm nay), nhiều khả năng vị trí số 1 của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là “bất khả xâm phạm”. Thậm chí, với đà tăng của VIC, nhiều khả năng, khoảng cách của ông Vượng và người đứng thứ 2 càng được nới rộng.

Trái ngược với đà tăng của VIC, FLC sau chuỗi tăng ấn tượng, vượt qua mệnh giá đã bị xả mạnh trong 2 phiên gần đây. Trong phiên hôm nay, FLC bị ép xuống mức sàn với 12,8 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn. Với tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành là 77,18 triệu cổ phiếu, tài sản của các nhà đầu tư nắm giữ FLC bị hao mòn mất 54 tỷ đồng.

Cùng chung cảnh ngộ với FLC còn có HAR khi quán quân tăng giá trong tuần trước trên sàn HOSE này cũng lao mạnh về mức sàn 9.300 đồng/cổ phiếu ngay trong phiên sáng và duy trì cho đến hết phiên chiều với tổng khối lượng khớp 3,6 triệu đơn vị.

Trên HNX, SHN vẫn chưa muốn dừng lại khi nhà đầu tư vẫn muốn tăng mức lợi nhuận nên chưa bán ra, trong khi nhiều nhà đầu tư khác vẫn thả lệnh mua vào hàng triệu đơn vị ở mức trần với mong muốn lướt theo tìm kiếm lợi nhuận. Với phiên tăng trần thứ 16 liên tiếp, SHN hiện đứng ở mức 2.800 đồng/cổ phiếu.

Các cổ phiếu nhỏ, tăng nóng khác trên HNX như NVC, GGG, HHL cũng đang nối gót SHN để tạo lên đợt sóng dài.

Tuy nhiên, ấn tượng nhất trên HNX là PVX, sau khi Quỹ VNM ETF giải phóng lượng hàng khủng, nhà đầu tư trong nước đã nhanh chóng bơm tiền vào, ôm hết hơn 30 triệu cổ phiếu PVX trong tuần qua. Trong phiên hôm nay, PVX vẫn là đích đến của dòng tiền đầu cơ với lượng khớp hơn 1,7 triệu đơn vị và còn dư mua trần và ATC hơn 15 triệu cổ phiếu.

Các mã bluechip trên HNX như ACB, SHB, PVS, NTP, VCG… đồng loạt tăng giá cũng hỗ trợ mạnh cho đà tăng của HNX-Index.

Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhẹ 31.030 đơn vị, giá trị 41,48 tỷ đồng trên HOSE. Trong đó, họ vẫn mua vào khá mạnh các mã bluechip như GAS, PVD, PNJ, DPM, MSN, HPG. Trong khi vẫn bán ra rất mạnh HAG, HSG. Trên HNX, họ mua ròng 1,45 triệu đơn vị, giá trị mua ròng gần 21 tỷ đồng.

FDT: Ngày GDKHQ tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2013( 10%)

PDN: Ngày GDKHQ tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt (10%)

LIG: Ngày GDKHQ trả cổ tức năm 2012 (10%)

THB: Ngày GDKHQ tổ chức ĐHCĐ bất thường

>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/12

>> Góc nhìn kỹ thuật phiên 23/12

>> Tuần đáng nhớ của cổ phiếu bất động sản

>> Tự doanh tiếp tục có tuần bán ròng

>> Sự kiện chứng khoán đáng chú ý cuối tuần

>> Chứng khoán tuần mới: Bình lặng sau "bão" ETFs

>> Khối ngoại bán ròng hơn 40 triệu cổ phiếu

T. Huyền
T. Huyền

Tin cùng chuyên mục