Phiên chiều 9/9: VNM và VIC trợ giúp, VN-Index vẫn chưa thể gượng dậy

(ĐTCK) Mặc dù cặp đôi lớn VNM và VIC nới rộng biên độ tăng nhưng không thể giúp thị trường bảo toàn được sắc xanh trước áp lực bán giá thấp luôn thường trực.
Phiên chiều 9/9: VNM và VIC trợ giúp, VN-Index vẫn chưa thể gượng dậy

Sau 4 phiên giảm liên tiếp, nhà đầu tư càng thận trọng hơn khi bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần 9/9. Đây chính là nguyên nhân khiến thị trường nhanh chóng bị kéo giảm sau mỗi nhịp hồi phục do áp lực bán gia tăng. Chỉ số VN-Index rung lắc trong biên độ hẹp trong suốt cả phiên và tạm chốt phiên với mức điều chỉnh nhẹ.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn khá ạm đạm trước dòng tiền tham gia nhỏ giọt trong khi áp lực bán vẫn khá lớn. Sắc đỏ luôn chiếm áp đảo trên bảng điện tử, bất chấp thị trường đảo chiều khởi sắc sau hơn 1 giờ giao dịch.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, cặp đôi lớn VNM và VIC được kéo lên khá cao trong phiên chiều nhưng không đủ sức để giúp thị trường bảo toàn sắc xanh. Chỉ số VN-Index may mắn đứng tại mốc tham chiếu khi kết phiên.

Cụ thể, VNM tăng 1,4% lên mức giá cao nhất ngày 124.500 đồng/CP, còn VIC cũng đảo chiều sau 4 phiên điều chỉnh nhẹ với mức tăng 1,2% và kết phiên tại mức giá 122.600 đồng/CP.

Cổ phiếu ROS tiếp tục nhảy múa trong phiên hôm nay. Sau khi bị kéo giảm khá mạnh, lực cầu kích hoạt giúp ROS đảo chiều tăng 1,7% lên mức cao nhất trong ngày 27.550 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng khớp lệnh đạt 13,67 triệu đơn vị.

Trong khi đó, FPT có chút hạ độ cao nhưng vẫn là mã khá ấn tượng. Trong số các cổ phiếu được sử dụng làm cơ sở cho chứng quyền, FPT đang là mã mạnh nhất khi giá vẫn loanh quanh vùng đỉnh ngắn hạn trong khi các mã khác đã điều chỉnh. Kết phiên, FPT tăng 1,7% lên 53.800 đồng/CP với thanh khoản tích cực đạt hơn 2,5 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chủ yếu lình xình đi ngang với biên độ tăng giảm khá hẹp, tuy nhiên, TCB lại có phiên kém tích cực khi kết phiên giảm 2,3% xuống mức giá gần thấp nhất 21.700 đồng/CP và đã khớp lệnh 2,27 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu khi công nghiệp cũng đua nhau giảm sâu, trong đó, SZL, D2D, BII cùng nằm sàn, IDV giảm 6,4% xuống sát mức giá sàn 36.500 đồng/CP, NTC giảm 6% xuống 159.000 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sắc đỏ cũng lan tỏa với các mã ITA, SCR, FLC, KBC, HQC, ASM, DXG…

Cổ phiếu YEG sau phiên hạ độ cao ngày cuối tuần 6/9 đã lấy lại sắc tím trong phiên hôm nay khi tăng 6,9% lên mức 69.500 đồng/CP với khối lượng khớp 165.830 đơn vị và dư mua trần 24.670 đơn vị. Như vậy, chỉ trong 5 phiên giao dịch đầu tháng 9, cổ phiếu YEG đã tăng 37,62%.

Trái lại, FTM vẫn chìm trong những ngày đen tối khi xác lập phiên giảm sàn thứ 17 liên tiếp với tổng mức giảm lên tới hơn 70% kể từ phiên 14/8 đến nay. Đồng thời, cổ phiếu FTM vẫn duy trì trạng thái dư bán sàn chất đống với gần 7,18 triệu đơn vị, trong khi bên mua vắng bóng.

Đóng cửa, sàn HOSE có tới 196 mã giảm, gần gấp đôi số mã tăng (111 mã), chỉ số VN-Index nhích nhẹ 0,04 điểm (+0,00%), đứng ở mức 974,12 điểm. Tổng khối khối lượng giao dịch đạt 154,88 triệu đơn vị, giá trị 3.791,24 tỷ đồng, tăng 3,9% về lượng và đạt xấp xỉ về giá trị so với phiên trước đó (6/9).

Giao dịch thỏa thuận có đóng góp tích cực với 50,59 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.650,15 tỷ đồng, trong đó ROS thỏa thuận 13 triệu đơn vị, giá trị 331,5 tỷ đồng; TCB thỏa thuận hơn 14,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 327,8 tỷ đồng; VJC thỏa thuận 2,6 triệu đơn vị, giá trị 344,24 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, cùng với thanh khoản hạn chế, chỉ số HNX-Index duy trì trạng thái giao dịch dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, sàn HNX với 33 mã tăng và 40 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,06%) xuống 100,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,04 triệu đơn vị, giá trị 196,25 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,29% về lượng và 9,85% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (6/9). Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,59 triệu đơn vị, giá trị 123,66 tỷ đồng.

Trong khi cặp đôi cổ phiếu ngân hàng là ACB và SHB đã lấy lại mốc tham chiếu, thì các mã dầu khí lại có phần kém tích cực khi chịu áp lực bán gia tăng. Cụ thể, PVS giảm 1,46% xuống 20.200 đồng/Cp, PVI giảm 1,78% xuống 33.200 đồng/CP, PVB giảm gần 0,5% xuống 20.600 đồng/CP.

Cổ phiếu VCS cũng hạ độ cao và có thời điểm bị đẩy về mốc tham chiếu do lực bán gia tăng. Hiện VCS chỉ tăng nhẹ 1% và kết phiên tại mức giá 84.800 đồng/CP.

Dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX là PVS với khối lượng khớp 2,52 triệu đơn vị; tiếp theo đó là ART khớp hơn 2 triệu đơn vị và kết phiên tại mức giá sàn 1.800 đồng/CP, còn lại các mã đều khớp dưới 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường UPCoM, đà giảm có phần nới rộng hơn về cuối phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,48%) xuống 56,49 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 7,28 triệu đơn vị, giá trị 132,54 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,27 triệu đơn vị, giá trị gần 43 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhà Viettel – VGI có phiên giảm khá sâu thứ 8 liên tiếp khi kết phiên hôm nay tại mức giá 30.300 đồng/CP, giảm 7,06%, nhưng là mã giao dịch sôi động nhất thị trường UPCoM với 768.900 cổ phiếu được giao dịch thành công.

Tiếp theo đó là GVR có khối lượng giao dịch đạt 737.900 đơn vị, tuy nhiên, kết phiên cổ phiếu này tiếp tục nới rộng biên độ khi giảm 4,93% xuống 13.500 đồng/CP.

Ngoài ra, nhiều mã lớn khác như ACB, BSR, BCM, MCH… cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, trong số 4 mã hợp đồng tương lai VN30, có 3 mã tăng và duy nhất mã VN30F1909 giảm và  là mã có thanh khoản tốt nhất đạt 22.299 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 17.598 hợp đồng.

Trong khi đó, cả 3 mã phái sinh trái phiếu chính phủ đều không có giao dịch.

Trên thị trường chứng quyền, trong số 22 mã đang niêm yết, có 7 mã tăng, 3 mã đứng giá và có 12 mã giảm. Trong đó, CFPT1904 vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất đạt 49.693 đơn vị, tiếp theo đó vẫn là mã chứng quyền do MBS phát hành mới niêm yết - CREE1901 đạt 31.683 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục