Sau phiên giảm bất ngờ trước đó, VN-Index mở cửa phiên hôm nay 8/10 trong tâm thế thận trọng nên diễn biến giao dịch khá ảm đạm. Sự dè dặt khiến sức cầu bị hạn chế, đà tăng đầu phiên theo đó suy yếu dần trước khi kết phiên sáng trong sắc đỏ bởi áp lực tại các mã lớn gia tăng.
Tuy nhiên, thị trường đã bất ngờ đảo hướng ở phiên chiều khi nhiều mã bluechips giao dịch bứt phá. Sự tích cực của các bluechips không chỉ giúp VN-Index đảo chiều thành công, mà còn giúp chỉ số này tăng lên mức cao gần nhất ngày.
Tích cực về mặt điểm số, nhưng bởi tâm lý thận trọng chưa thực sự được cởi bỏ nên thanh khoản phiên này chưa khả quan.
Đóng cửa, với 158 mã tăng và 144 mã giảm, VN-Index tăng 5,13 điểm (+0,52%) lên 988,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 178,37 triệu đơn vị, giá trị 3.561 tỷ đồng, giảm 2% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên 7/10. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24,9 triệu đơn vị, giá trị gần 661 tỷ đồng.
Việc nhóm cổ phiếu lớn bất ngờ giao dịch tích cực đã giúp VN-Index khởi sắc hơn trong phiên chiều. Cả Top 30 mã vốn hóa lớn nhất sàn và rổ VN30 đều có 20 mã tăng giá, trong khi số lượng giảm chỉ 9 mã.
Trong đó, VCB đóng góp tích cực nhất vào đà tăng chung của chỉ số khi tăng 2,8% lên 85.100 đồng - là mức cao nhất kể từ khi niêm yết từ cuối tháng 6/2009 đến nay. Đà tăng của VCB đã kéo dài trong 6 tháng qua và dường như chưa có dấu hiệu nghỉ ngơi. VCB vừa công bố lãi hơn 17.500 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, qua đó tiếp tục dẫn đầu hệ thống ngân hàng về lợi nhuận.
STB cũng ghi nhận sự bứt phá cả về thanh khoản lẫn điểm số khi tăng 4,8% lên 11.000 đồng và khớp tới 11,68 triệu đơn vị, đứng thứ 2 HOSE. VCB khớp lệnh 1,46 triệu đơn vị.
Trong nhóm ngân hàng, ngoại trừ EIB giảm điểm và TPB đứng giá, các mã còn lại đều tăng. MWG, REE, HVN, HPG cũng là các mã đóng góp tích cực vào đà tăng chung của thị trường.
Ngược lại, các mã VHM, VNM, GAS, SAB, VRE, ROS… là các mã gây áp lực lên chỉ số. ROS dẫn đầu về thanh khoản với 19,36 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 0,6% về 25.850 đồng.
So với sự khả quan của nhóm bluechips, nhóm cổ phiếu thị trường có phần kém tích cực hơn khi sắc đỏ chiếm đa số, bao gồm các mã có thanh khoản cao như HQC, FLC, LDG, HSG, AAA, HAG…
Các mã TSC, JVC , HVG, FTM… vẫn giữ vững sắc tím. Riêng FTM, đây là phiên tăng trần thứ 9 liên tiếp lên 4.750 đồng, nhưng thanh khoản không cao, chỉ gần 180.000 đơn vị khớp lệnh. Trong khi đó, các mã TSC, JVC , HVG khớp lệnh từ 1-2 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, diễn biến tích cực được ghi nhận từ cuối phiên sáng và sàn này cũng tăng cao gần nhất ngày khi kết phiên. Thanh khoản khá tích cực.
Đóng cửa, với 60 mã tăng và 54 mã giảm, HNX-Index tăng 0,19 điểm (+0,18%) lên 103,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,78 triệu đơn vị, giá trị 340 tỷ đồng, tăng 11% về khối lượng và tương đương về giá trị so với phiên 7/10. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,75 triệu đơn vị, giá trị 52,7 tỷ đồng.
Việc mã vốn hóa lớn nhất sàn ACB tăng điểm (+0,4%), bên cạnh SHS, MBS, DL1, MAS… đã hỗ trợ tốt cho HNX-Index, cho dù không ít mã lớn khác giảm điểm như VCS (-1,8%), PVS (-1%), PVI (-4%), CEO (-1%)…
Về thanh khoản, CEO dẫn đầu sàn với 3,03 triệu đơn vị, tiếp đó là PVS với 2,38 triệu đơn vị. Ngoài ra cùng khớp trên 1 triệu đơn vị có ACB, IDJ và SHB.
Một số mã nhỏ tăng trần là KLF, PVX, SPP, BII, HKB…
Trên sàn UPCoM, dù đã có nỗ lực trong phiên chiều, song việc nhiều mã lớn yếu đà khiến chỉ số sàn này giảm điểm đáng tiếc cuối phiên. Thanh khoản cải thiện mạnh.
Đóng cửa, với 80 mã tăng và 72 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (+0,04%) về 56,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,68 triệu đơn vị, giá trị 214 tỷ đồng, tăng 85% về khối lượng và 92% về giá trị so với phiên 7/10. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,97 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 45 tỷ đồng.
Sau thông tin Tập đoàn Dầu khí (PVN) có thể bán 49% vốn, BSR ghi nhận phiên giao dịch tích cực với mức tăng 4,3% lên 9.700 đồng, khớp lệnh 4,09 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn và cũng là mã duy nhất khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị.
Ngoài BSR, không nhiều mã lớn khác tăng điểm. Trong khi đó, các mã VIB, CTR, VGI, LTG, ACV… đồng loạt giảm. VIB đứng thứ 2 về thanh khoản với 0,8 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 0,6% về 18.000 đồng.