Phiên chiều 6/9: Giao dịch dè dặt, VN-Index chia tay mốc 975 điểm

(ĐTCK) Dòng tiền tham gia dè dặt khiến thị trường giao dịch khá ảm đạm, chỉ số VN-Index chia tay mốc 975 điểm trong phiên cuối tuần 6/9. Tuy nhiên, đáng chú ý ở thị trường chứng quyền, giao dịch khá sôi động bởi sức nóng của những thành viên mới.
Phiên chiều 6/9: Giao dịch dè dặt, VN-Index chia tay mốc 975 điểm

Những tưởng thị trường trong nước sẽ hưởng ứng đà tăng mạnh của chứng khoán quốc tế, nhưng chỉ số VN-Index chỉ giữ được sắc xanh nhạt trong gần 1 giờ giao dịch và nhanh chóng trở về dưới mốc tham chiếu.

Tâm lý nhà đầu tư thận trọng cao độ khiến thanh khoản nhỏ giọt và thị trường thiếu động lực để hồi phục. Chỉ số VN-Index giao dịch giằng co quanh mốc 975 điểm trong suốt thời gian còn lại và đã để tuột mất ngưỡng này khi chốt phiên giao dịch sáng.

Bước sang phiên chiều, thị trường không có biến chuyển. Sau hơn 30 phút đi ngang, VN-Index đã tìm lại mức 975 điểm. Tuy nhiên, lực cầu vẫn tham gia khá yếu, trong đó nhóm bluechip tiếp tục trạng thái phân hóa nhưng có phần diễn biến xấu hơn khi hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn đều lùi về dưới mốc tham chiếu, khiến chỉ số này chính thức chia tay vùng giá này.

Đóng cửa, sàn HOSE có 175 mã giảm và 117 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 2,71 điểm (-0,28%) xuống 974,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 161,16 triệu đơn vị, giá trị 3.808,19 tỷ đồng, tăng 1% về lượng và tăng 21,4% về giá trị so với phiên hôm qua (5/9).

Giao dịch thỏa thuận có đóng góp tích cực với 52,59 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.745 tỷ đồng, trong đó đáng kể, VHM thỏa thuận hơn 6 triệu đơn vị, giá trị 525,14 tỷ đồng; ROS thỏa thuận 15,5 triệu đơn vị, giá trị 395,25 tỷ đồng; AST thỏa thuận 4,35 triệu đơn vị, giá trị 274,36 tỷ đồng; EIB thỏa thuận hơn 7 triệu đơn vị, giá trị 118,49 tỷ đồng.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, GAS vẫn duy trì đà tăng nhẹ 0,3% và kết phiên tại mức giá 100.800 đồng/CP, VNM hồi nhẹ sau 2 phiên giảm, với mức tăng 0,7% lên 122.800 đồng/CP.

Còn lại TCB, VRE, SAB đứng giá tham chiếu, VIC giảm 0,7% xuống 121.100 đồng/CP, VHM giảm 0,2% xuống 88.800 đồng/CP, VCB giảm 0,4% xuống 77.300 đồng/CP, MSN giảm 0,7% xuống 74.000 đồng/CP, BID giảm 1,3% xuống 38.000 đồng/CP.

Ngoài ra, một số bluechip khác vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu như HPG, BVH, PLX, CTG…

Cổ phiếu ROS đã lấy lại mốc tham chiếu nhờ lực cầu tăng mạnh. Kết phiên, ROS đứng giá 27.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vượt trội, đạt 14,95 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Đứng ở vị trí tiếp theo, cặp đôi cổ phiếu bất động sản HQC và FLC lần lượt khớp 5,59 triệu đơn vị và 4,28 triệu đơn vị, đồng thời, đóng cửa cùng khởi sắc với mức tăng nhẹ lần lượt 0,74% lên 1.360 đồng/CP và 1,94% lên 3.670 đồng/CP.

Cổ phiếu FTM có phiên giảm sàn thứ 16 liên tiếp và lùi về mức giá 7.580 đồng/CP khi kết phiên hôm nay. Thanh khoản FTM vẫn nhỏ giọt với 1.010 cổ phiếu được khớp lệnh và dư bán sàn tiếp tục chất đống đạt 11,33 triệu cổ phiếu.

Trên sàn HNX, bên cạnh VCS tiếp tục nới rộng biên độ tăng, nhiều cổ phiếu bluechip khác đã lấy lại thăng bằng như VCG, CEO, HUT, DGC, MBS…,  đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm đáng kể.

Đóng cửa, sàn HNX khá cân bằng với 37 mã tăng và 40 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,05 điểm (-0,05%) xuống 100,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,38 triệu đơn vị, giá trị 178,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,94 triệu đơn vị, giá trị 40,13 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, cổ phiếu VCS đã có phiên giao dịch tích cực khi tăng 3,6% lên mức giá cao nhất ngày 83.900 đồng/CP. Một trong những nguyên nhân giúp VCS tăng vọt có thể là do thông tin tích cực từ việc HĐQT thông qua nghị quyết chia thưởng 3,2 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông.

Trái lại, nhóm cổ phiếu dầu khí đang có diễn biến xấu khi hầu hết đều giao dịch trong sắc đỏ như PVS giảm 0,5% xuống 20.500 đồng/CP, PVI giảm 1,5% xuống 33.800 đồng/CP, PVC giảm 2,8% xuống 7.000 đồng/CP…

Về thanh khoản, chỉ có 3 mã có khối lượng khớp lệnh 1,3-1,4 triệu đơn vị là BII, SHb và PVS, còn lại có mức khớp lệnh dưới 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau gần 1 giờ giữ nhịp tăng, thị trường đã trở nên rung lắc và đảo chiều giảm do sức ép gia tăng ở nhóm cổ phiếu lớn.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,07%) xuống 56,76 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 9,7 triệu đơn vị, giá trị 138,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,36 triệu đơn vị, giá trị 119,64 tỷ đồng, trong đó NTC và VEA cùng thỏa thuận hơn nửa triệu đơn vị, giá trị tương ứng lần lượt 79,65 tỷ đồng và 30,88 tỷ đồng.

Một trong những tác nhân ảnh hưởng lớn tới thị trường là VGI. Sau chuỗi ngày tăng mạnh, cổ phiếu VGI đã liên tiếp chịu áp lực chốt lời và có phiên giảm điểm thứ 7 liên tiếp. Chốt phiên, VGI giảm 3,3% xuống mức 32.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 403.700 cổ phiếu. Ngoài ra, các mã lớn khác như ACV, BSR, GVR… vẫn duy trì đà giảm.

Cổ phiếu HTM dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng giao dịch chỉ đạt 663.700 đơn vị và kết phiên giảm 5,39% xuống mức giá 15.800 đồng/CP.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, trong số 4 mã hợp đồng tương lai VN30, có 3 mã tăng và duy nhất mã VN30F2003 giảm. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là VN30F1909 với 42.575 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 18.996 hợp đồng.

Trong khi đó, cả 3 mã phái sinh trái phiếu chính phủ đều không có giao dịch.

Trên thị trường chứng quyền, trong số 22 mã đang niêm yết, có 7 mã tăng, duy nhất 1 mã đứng giá là CMWG1901 và có 14 mã giảm.

Phiên hôm nay (6/9) đón nhận thêm 2 mã chứng quyền CFPT1904 và CREE1901 do MBS phát hành chính thức được niêm yết và giao dịch trên HOSE. Cặp đôi này đã có phiên giao dịch bùng nổ khi đều tăng mạnh và thanh khoản dẫn đầu, lần lượt đạt 56.728 đơn vị và 51.882 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục