Phiên giảm điểm hôm qua (5/2) cho thấy nhà đầu tư vẫn còn dè dặt khi diễn biến dịch cúm Corona chưa có biến chuyển đáng kể, cho dù tâm lý đã vững vàng hơn. Tại buổi họp báo chiều qua, Chính phủ đã đưa ra những giải pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch cúm lây lan, đồng thời sẽ kiểm soát chặt chẽ lạm phát, quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.
Động thái nhanh chóng, mạnh mẽ này khiến tâm lý lo ngại về dịch bệnh được cởi bỏ, giúp nhà đầu tư mạnh dạn xuống tiền. Theo đó, thị trường giao dịch tích cực ngay sau đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa, tập trung tại nhóm cổ phiếu bluechips. Sự hào hứng sau đó còn được lan tỏa sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giúp hàng chục mã trong nhóm này tăng trần, góp phần giúp VN-Index bật tăng mạnh sau những phiên giảm sâu sau kỳ nghỉ Tết.
Đóng cửa, với 264 mã tăng và 83 mã giảm, VN-Index tăng 12,63 điểm (+1,36%) lên 938,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 223,66 triệu đơn vị, giá trị 4.243,1 tỷ đồng, tăng và giảm tương ứng 2% về khối lượng và giá trị so với phiên 5/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,53 triệu đơn vị, giá trị 456,2 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là đầu kéo chính của VN-Index trong phiên hôm nay. Sức cầu mua mạnh mẽ giúp nhóm cổ phiếu này tăng mạnh cả về thanh khoản lẫn điểm số. Trong đó, nổi bật nhất là STB với mức tăng trần lên 10.950 đồng và khớp lệnh tới gần 22,7 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Đây phiên giao dịch ấn tượng nhất của STB trong vòng hơn một năm qua.
Tiếp đó là MBB với 11,22 triệu đơn vị, tăng 3% lên 21.800 đồng; CTG với 10,56 triệu đơn vị và tăng 4,5% lên 27.750 đồng và VPB với 8,46 triệu đơn vị và tăng 5,6% lên 25.500 đồng.
BID là mã ngân hàng duy nhất còn giảm điểm (-0,6%), trong khi EIB đuối nhất về thanh khoản khi chỉ khớp hơn 77.000 đơn vị.
VRE cũng gây chú ý trong phiên này khi bất ngờ tăng kịch biên độ lên 30.950 đồng, thanh khoản mạnh với gần 3,7 triệu đơn vị được sang tên.
Sự tích cực của thị trường còn thể hiện rõ nét tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi nhóm này đồng loạt tăng điểm, trong đó hàng chục mã tăng trần với những cái tên đáng chú ý như PVD, AAA, DXG, HNG, PHR, ANV, FTM, GAB… hay LMH, HAG, TSC, HHS, TTB, DRH… Nhiều mã có thanh khoản mạnh từ 2-6 triệu đơn vị như LMH, PVD, AAA, HAG, DXG.
Đáng chú ý, mã GAB có phiên tăng trần phiên thứ 16 liên tiếp. Chuỗi tăng của GAB kéo dài từ ngày 19/12/2019 đến nay đã là 31 phiên, trong đó có tới 29 phiên tăng trần và chỉ 2 phiên giảm. Theo đó, thị giá tăng từ 10.900 đồng lên 57.700 đồng, tương đương khoảng 430%, khớp lệnh trung bình vài chục đến vài trăm đơn vị/phiên.
Trên sàn HNX, đà tăng còn mạnh hơn khi các mã trụ có ảnh hưởng lớn nhất lên chỉ số đều tăng mạnh, thanh khoản tích cực, dù giảm nhẹ so với phiên trước đó.
Đóng cửa, với 77 mã tăng và 45 mã giảm, HNX-Index tăng 2,65 điểm (+2,57%) lên 105,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 34,8 triệu đơn vị, giá trị 349 tỷ đồng, giảm 6% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên 5/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 12 tỷ đồng.
Các cổ phiếu ngân hàng trên HNX cũng đồng loạt tăng để nâng đỡ chỉ số. ACB +4,4% lên 24.000 đồng và khớp 2,98 triệu đơn vị. SHB +2,7% lên 7.600 đồng và khớp 9,1 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. NVB +1,1% lên 9.200 đồng và khớp 1,6 triệu đơn vị.
Các mã lớn khác như VCS +4,2% lên 67.500 đồng, PVS +5% 16.900 đồng, SHS tăng kịch biên độ 9,9% lên 7.200 đồng… Trong đó thanh khoản cao có PVS với 2,67 triệu đơn vị, SHS là 1,09 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, mức tăng cao nhất ngày cũng được xác lập khi sắc xanh ngày một sẫm hơn về cuối phiên, giao dịch khớp lệnh ghi nhận sự cải thiện.
Đóng cửa, với 104 mã tăng và 57 mã giảm, UPCOM-Index tăng 0,4 điểm (+0,73%) lên 55,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,9 triệu đơn vị, giá trị 246 tỷ đồng, tăng 15% về khối lượng và giảm 13% về giá trị so với phiên 5/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,15 triệu đơn vị, giá trị 65,8 tỷ đồng.
Tương tự như 2 sàn niêm yết, các mã lớn nhất trên sàn này đều đồng loạt tăng điểm như BSR, VGT, VIB, CTR, QNS, OIL, GVR, ACV, VGI, MPC… Trong đó, BSR+4% lên 7.800 đồng, khớp lệnh 1,82 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn.
VGT và LPB cùng khớp trên 1,3 triệu đơn vị, nhưng LPB đứng giá 7.100 đồn, trong khi VGT tăng 9,6% lên 9.100 đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng điểm, trong đó hợp đồng có ngày đáo hạn gần nhất là VN30F2002 đáo hạn ngày 20/2 có thanh khoản mạnh nhất với 140.367 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 16.392 đơn vị, đóng cửa tăng 2,2% lên 860,5 điểm.
Trên thị trường chứng quyền, ngoại trừ 11 mã giảm và 1 mã đứng giá, các mã còn lại đều tăng. Trong đó, mã CHPG1909 có thanh khoản tốt nhất với 528.370 đơn vị, đóng cửa tăng 16,67% lên 1.470 đồng.
Đáng chú ý, mã CSBT1901 giảm sàn về còn 10 đồng với chỉ 12.010 đơn vị được khớp.