Phiên chiều 6/12: Dòng tiền dè dặt, VN-Index tiếp tục điều chỉnh

(ĐTCK) Tâm lý thận trọng khiến dòng tiền vào thị trường trở nên hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến động lực tăng của thị trường và VN-Index có thêm một phiên điều chỉnh nhẹ.
Phiên chiều 6/12: Dòng tiền dè dặt, VN-Index tiếp tục điều chỉnh

Diễn biến kém tích cực của các TTCK trong khu vực đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam. Sự thận trọng khiến VN-Index lưỡng lự đầu phiên, trước khi lùi khá sâu qua tham chiếu.

Lúc này, cầu bắt đáy được khởi động song không mạnh và chỉ tập trung tại một số cổ phiếu bluechips. Sự dè dặt này khiến mức độ hồi phục của VN-Index không bền. Đó cũng là lý do vì sao chỉ số sau mỗi nhịp hồi lại có đà giảm mạnh hơn.

Diễn biến này tiếp tục được duy trì trong phiên chiều, nên VN-Index trong phiên giao dịch chiều có lúc đã lùi qua ngưỡng 950 điểm. Trong những thời điểm cuối phiên, tuy sức cầu có phần cải thiện và giúp VN-Index lấy lại mốc điểm trên, nhưng đó là chưa đủ để kéo VN-Index về được tham chiếu. Như vậy, VN-Index tiếp tục có thêm một phiên giảm điểm nhẹ, đi kèm với đó là thanh khoản sụt giảm mạnh so với phiên trước.

Đóng cửa, với 118 mã tăng và 166 mã giảm, VN-Index giảm 2,32 điểm (-0,24%) xuống 954,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 179,14 triệu đơn vị, giá trị 3.869,33 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên 5/12. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 34 triệu đơn vị, giá trị 695 tỷ đồng. Đáng chú ý có các thỏa thuận của hơn 7 triệu cổ phiếu SAM, giá trị 48,2 tỷ đồng; 6,942 triệu cổ phiếu ITA, giá trị hơn 20 tỷ đồng...

Áp lực cung khá mạnh khiến sắc đỏ chiếm ưu thế trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như bluechips. Tác động kém tích cực nhất lên chỉ số là các mã VNM, GAS, VCB, HPG, MWG, BMP... với mức giảm từ 1% đến 2,5%, thanh khoản cũng không cao: HPG khớp 4,6 triệu đơn vị; VNM, GAS, VCB khớp từ 1-2 triệu đơn vị.

Cổ phiếu ngân hàng phiên này tiếp tục là gánh nặng đối với Index khi đa phần giảm điểm. Tuy nhiên, MBB và EIB tiếp tục giao dịch khá bùng nổ và là 2 mã có thanh khoản cao nhất sàn HOSE, cũng như tăng tốt nhất nhóm ngân hàng. MBB khớp 16,3 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn, tăng 1,4% lên 22.500 đồng. EIB khớp 9,3 triệu đơn vị, tăng 4% lên 14.300 đồng.

Sự phân hóa cũng diễn ra ở nhiều nhóm cổ phiếu trụ khác như dầu khí, thép, xây dựng, bất động sản... khiến VN-Index thiếu lực đỡ. Chẳng hạn, trong khi HQC, FCN, HBC, DXG... tăng điểm, thì ROS, FLC, LDG, SCR... giảm điểm, thanh khoản không thực sự mạnh với lượng khớp từ 3 triệu đơn vị trở xuống.

Hai mã HVH và JVC tăng trần, còn KMR giảm sàn, giao dịch khá tích cực. Với tân binh HVH, đây đã là phiên trần thứ 5 liên tiếp lên 24.400 đồng, tăng 30,5% so với giá chào sàn ngày 30/11. Với KMR, đây là phiên giảm thứ 7 trong 10 phiên gần nhất, trong đó có 4 phiên giảm sàn.

Trên sàn HNX, diễn biến khá tương đồng với HOSE khi giao dịch trong sắc đỏ trong phần lớn phiên giao dịch. Dù vậy, HNX hồi phục không thực sự tốt trong thời gian cuối phiên nên mức độ giảm cao hơn HOSE.

Đóng cửa, với 60 mã tăng và 90 mã giảm, HNX-Index giảm 0,64 điểm (-0,6%) xuống 107,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,63 triệu đơn vị, giá trị 501 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên 5/12. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn 1,6 triệu đơn vị, giá trị 13,88 tỷ đồng.

Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất, chỉ có PVS là tăng điểm. Việc nhiều mã vốn hóa lớn giảm điểm cũng là nguyên nhân khiến chỉ số sàn HNX khó hồi phục.

SHB -1,3% về 30.800 đồng và khớp 4,9 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. ACB -0,6% về 30.800 đồng và khớp 3,3 triệu đơn vị. NVB đứng giá 10.400 đồng và khớp 1,18 triệu đơn vị.

VCG -2,8% về 20.900 đồng, khớp lệnh 2,9 triệu đơn vị. VGC -0,6% về 17.600 đồng và khớp 1,5 triệu đơn vị.

PVS tăng 2% lên 20.500 đồng và đang hướng về mức đỉnh 6 tháng là 22.000 đồng.

Phiên này, HNX có 7 mã giảm sàn và vẫn tập trung tại một số mã thị giá nhỏ quen thuộc như SDD, KVC, BII, DPS, VIG... Ngược lại, các mã tăng trần có SPI, DSP, HKT, HKB, HVA...

Trên sàn UPCoM, sau mức giảm khá trong phiên sáng, chỉ số sàn này đã nỗ lực tăng trở lại trong phiên chiều và chỉ thiếu chút may mắn là về đến tham chiếu. Thanh khoản cũng khá tích cực.

Đóng cửa, với 101 mã tăng và 60 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,05%) xuống 53,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,75 triệu đơn vị, giá trị 301 tỷ đồng, tăng 44% về khối lượng và 30% về giá trị so với phiên 5/12. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,86 triệu đơn vị, giá trị 59,2 tỷ đồng.

Cũng như 2 sàn niêm yết, những nhóm cổ phiếu trụ cột trên sàn UPCoM cũng phân hóa mạnh. Chẳng hạn, tại nhóm ngân hàng, trong khi LBP tăng 1% lên 9.900 đồng, thì VIB giảm 0,5% về 19.500 đồng, còn BAB và KLB đứng giá.

Tương tự, ở họ dầu khí, POW giảm 0,6% về 15.400 đồng, nhưng BSR tăng 1,3% lên 15.500 đồng, OIL tăng 3,4% lên 15.300 đồng.

BSR khớp 3,49 triệu đơn vị, dẫn dầu sàn. POW, OIL và LPB cùng khớp từ 1,3-1,9 triệu đơn vị. Đây cũng là 4 mã có thanh khoản tốt nhất sàn.

Một số cổ phiếu lớn khác như HVN, ACV, MCH, MPC... cũng tăng điểm, trong khi DVN, VEA, TVN, CEN... giảm điểm.

N.Tùng

Tin cùng chuyên mục