Phiên chiều 5/8: Ồ ạt thoát hàng

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng và lan rộng bảng điện tử khiến thị trường lao dốc mạnh, đặc biệt là gánh nặng lớn đến từ bộ ba nhà Vin, đã đẩy VN-Index về mức thấp nhất ngày khi để mất gần 18 điểm.
Phiên chiều 5/8: Ồ ạt thoát hàng

Chịu ảnh hưởng khá tiêu cực của thị trường chứng khoán quốc tế, thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên sáng 5/8 cũng với gam màu xám. Sau hơn nửa thời gian giằng co quanh mốc 985 điểm, VN-Index đã đuối sức và để thủng ngưỡng kháng cự này. Bên cạnh sắc đỏ chiếm áp đảo, nhóm cổ phiếu bluechip đóng vai trò là tác nhân chính “cài số lùi” cho thị trường.

Bước sang phiên giao dịch chiều, diễn biến thị trường càng tiêu cực hơn khi lực cầu vẫn tỏ ra thận trọng cao độ trong khi bên bán nóng lòng xả hàng. Chỉ số VN-Index tiếp tục phá vỡ khung thành 980 điểm chỉ sau khoảng 30 phút giao dịch. Chưa dừng tại đây, lực bán lan rộng thị trường, cùng gánh nặng lớn đến từ bộ 3 nhà Vin đã nhanh chóng đẩy VN-Index về dưới ngưỡng 975 điểm.

Ngay khi để thủng mốc này, lực cầu bắt đáy xuất hiện đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm. Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh trước áp lực bán xối xả khiến VN-Index tiếp tục chìm sâu hơn trong đợt khớp ATC và kết phiên tại mức giá thấp nhất ngày khi để mấy gần 18 điểm.

Sàn HOSE chứng kiến hàng trăm mã giao dịch dưới mốc tham chiếu. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là gánh nặng chính của thị trường khi hầu hết các mã vốn hóa lớn nhất đều giảm khá sâu, đặc biệt là gia đình Vin đều xác lập mức giá thấp nhất như VHM giảm 5,54% xuống 85.200 đồng/CP, VIC giảm 3,67% xuống 118.000 đồng/CP, VRE giảm 3,45% xuống 35.000 đồng/CP.

Trong khi hầu hết các mã ngân hàng đều lình xình dưới mốc tham chiếu thì cổ phiếu đầu ngành, tác động lớn tới chỉ số chung của thị trường là VCB lại lùi sâu khi giảm 2,15% xuống 77.400 đồng/CP.

Thêm vào đó, các mã vốn hóa lớn khác cũng nới rộng biên độ giảm như VNM giảm 1,61% xuống mức thấp nhất ngày 1,61%, MSN giảm 2,78% xuống 76.800 đồng/CP, GAS giảm 1,89% xuống 104.000 đồng/CP, PLX giảm 2,92% xuống mức thấp nhất ngày 63.100 đồng/CP…

Cổ phiếu vừa được quay trở lại với rổ VN30 là BVH cũng đã đón nhận phiên giao dịch tiêu cực khi giảm hơn 5,3% xuống mức 78.600 đồng/CP. Còn bạn đồng hành cùng được thêm vào danh mục trong kỳ cơ cấu này là BID trở lại với mốc tham chiếu.

Trong khi đó, một số mã bluechip vẫn giữ được sắc xanh nhưng sự hỗ trợ khá yếu khi hầu hết đều tăng nhẹ. Đáng kể là ROS, trong khi hầu hết các mã lớn đều lùi sâu thì ROS lại đi ngược xu hướng khi đảo chiều thành công. Kết phiên, ROS tăng 2,18% lên mức giá cao nhất ngày 28.100 đồng/CP với thanh khoản tiếp tục tăng cao, đạt hơn 12,8 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn hị trường.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, trong khi HAG đảo chiều thành công sau 3 phiên giảm liên tiếp với mức tăng 4,77% lên 5.050 đồng/CP và khớp hơn 5,3 triệu đơn vị; ITA tiếp tục khởi sắc khi tăng 2,59% lên 3.170 đồng/CP và khớp 4,12 triệu đơn vị…, thì FLC với kết quả kinh doanh kém khả quan vẫn tiếp tục giao dịch trong sắc đỏ khi giảm 2,25% xuống 3.910 đồng/CP và khớp 4,69 triệu đơn vị…

Cổ phiếu GAB đã xác lập phiên tăng thứ 4 liên tiếp sau chuỗi ngày dài giảm sâu và đã lấy lại được mệnh giá. Đóng cửa, GAB tăng hơn 6,8% lên mức 10.200 đồng/CP với khối lượng khớp 255.240 đơn vị và dư mua trần 70.870 đơn vị.

Kết phiên, sàn HOSE có 204 mã giảm và 117 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 17,95 điểm (-1,81%) xuống 973,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 195,93 triệu đơn vị, giá trị hơn 5.189 tỷ đồng, tăng 4,96% về lượng và 9,16% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (2/8).

Giao dịch thỏa thuận đóng góp tích cực với 47,64 triệu đơn vị, giá trị 1.818,79 tỷ đồng, trong đó VHM thỏa thuận 5,17 triệu đơn vị, giá trị 464,93 tỷ đồng; VIC thỏa thuận hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 369,77 tỷ đồng; ROS thỏa thuận 6,5 triệu đơn vị, giá trị 188,5 tỷ đồng; VPB thỏa thuận 5,79 triệu đơn vị, giá trị 107,36 tỷ đồng…

Trên sàn HNX, đà giảm cũng có phần nới rộng hơn bởi một số mã bluechip gia tăng sức ép.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,78 điểm (-0,75%) xuống 102,93 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 26 triệu đơn vị, giá trị 389 tỷ đồng, tăng 10,22% về lượng và hơn 5% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (2/8). Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 4,94 triệu đơn vị, giá trị 67,18 tỷ đồng.

Một số mã lớn nới rộng biên độ giảm như ACB giảm 1,35% xuống 22.000 đồng/CP, PVS giảm 2,74% xuống 21.300 đồng/CP, VCG giảm 1,11% xuống 26.700 đồng/CP…

Trong khi đó, VCS đã lấy lại sắc xanh khi đảo chiều hồi nhẹ với mức tăng 0,8% lên 85.700 đồng/CP. Ở nhóm cổ phiếu họ P cũng le lói sắc xanh khi PVB tăng 1,43% lên 21.300 đồng/CP, PVI tăng 0,27% lên 36.500 đồng/CP.

Bộ 3 gồm SHB, PVS và ACB vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 4,61 triệu đơn vị, hơn 4 triệu đơn vị và 2,54 triệu đơn vị, còn lại các mã đều khớp chưa tới 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, diễn biến rung lắc vẫn tiếp diễn, tuy nhiên, kịch bản khá giống phiên sáng khi UPCoM-Index bị đẩy lùi về dưới mốc tham chiếu về cuối phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,35%) xuống 58,37 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 13,39 triệu đơn vị, giá trị 311,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 617.961 đơn vị, giá trị 18,66 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR tiếp tục lùi sâu hơn khi giảm 6,42% xuống mức thấp nhất ngày 10.200 đồng/CP và vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM với khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, GVR giữ sắc xanh với mức tăng 4,58% lên 16.000 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 2,44 triệu đơn vị; VGI tiếp tục nới rộng biên độ khi tăng 13,35% lên 36.500 đồng/CP với 1,76 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm điểm, với khối lượng khớp lệnh của VN30F1908 đáo hạn vào giữa tháng này vẫn là cao nhất với gần 80.808 hợp đồng, hợp đồng mở 20.531 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 6 mã tăng giá, trong khi 10 mã giảm, thanh khoản cao nhất là CMWWG1903 với 40.494 đơn vị được chuyển nhượng, tiếp theo là CHPG1902 với khối lượng khớp 35.726 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục