Phiên chiều 5/3: Áp lực gia tăng, VN-Index hạ độ cao

(ĐTCK) Áp lực bán bất ngờ gia tăng khiến nhiều mã cổ phiếu bluechips yếu đà, kéo VN-Index về gần tham chiếu. Chỉ số duy trì được sắc xanh nhờ một số mã lớn như MSN, VJC, VCB… hay nhóm Vingroup vẫn tăng điểm.
Phiên chiều 5/3: Áp lực gia tăng, VN-Index hạ độ cao

Mở cửa phiên hôm nay 5/3, hòa nhịp cùng đà tăng của thị trường chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch khá hứng khởi. Sức cầu tốt không chỉ tiếp tục diễn ra tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, mà còn xuất hiện tại nhóm bluechips. Theo đó, VN-Index tăng một mạch lên gần 900 điểm và duy trì quanh khu vực này cho đến hết phiên sáng.

Tuy nhiên, ngay sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán mạnh bất ngờ tung vào thị trường. Quá nửa số mã trong rổ VN30 quay đầu giảm điểm, nhiều mã vừa và nhỏ có được mức tăng tốt trong phiên sáng cũng hạ độ cao, thậm chí mất sắc xanh. Tuy nhiên, điều không mong muốn nhất là việc áp lực bán mạnh đột ngột đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Sự thận trọng dâng cao khiến sức cầu yếu hẳn, từ đó ảnh hưởng tới đà hồi phục của thị trường. VN-Index duy trì được sắc xanh nhờ một số mã lớn như MSN, VJC, VCB… hay nhóm Vingroup vẫn tăng điểm.

Đóng cửa, với 167 mã tăng và 179 mã giảm, VN-Index tăng 3,94 điểm (+0,44%) lên 893,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 231,33 triệu đơn vị, giá trị 3.581 tỷ đồng, giảm 3% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên 4/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,17 triệu đơn vị, giá trị 660,8 tỷ đồng.

Sức ép khiến nhóm cổ phiếu lớn không còn đồng thuận, đà tăng của VN-Index theo đó bị ảnh hưởng. Nhiều mã lớn đã quay đầu giảm điểm như MBB, HDB, STB, FPT, VNM, REE, MWG…, thậm chí giảm về mức thấp nhất ngày như CTG (-1,1%), TCB (-1,1%), FPT (-1,6%), PNJ (-0,6%)…

Góp sức đáng kể trong việc duy trì sắc xanh của chỉ số phiên này phải kể đến HVN +6% lên 25.800 đồng, MSN +3,9% lên 50.900 hay VJC +1,5%, VCB +1,7%, VPB+ 4, POW +2,4%...

Áp lực chốt lời cũng khiến nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ suy yếu. Trong nhóm FLC, ROS quay đầu giảm từ mức gần giá trần và gần giá sàn, HAI mất sắc tím, trong khi AMD vẫn giữ được mức tăng trần. Dù vậy, đây vẫn là nhóm cổ phiếu hút tiền mạnh nhất. FLC khớp 24,97 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. HAI khớp 13,55 triệu đơn vị, AMD là 1,81 triệu đơn vị, ROS khớp 7,89 triệu đơn vị.

Tiếp đó là nhóm ngân hàng với STB khớp 17,5 triệu đơn vị, CTG 5,99 triệu, MBB và VPB cùng khớp trên 4,5 triệu đơn vị…

Ngoài AMD, nhiều mã nhỏ khác cũng giữ được sắc tím như DRH, HID, BCG, TDG, QCG…, trong đó DRH, HID, BCG cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực chốt lời cũng ảnh hưởng đáng kể tới đà tăng của sàn này, song việc đầu kéo chính là SHB vẫn duy trì được phong nên vẫn có được mức tăng khá. Giao dịch sôi động khiến thanh khoản sàn này tiếp tục tăng cao.

Đóng cửa, với 70 mã tăng và 66 mã giảm, HNX-Index tăng 1,01 điểm (+0,88%) lên 115,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 110,89 triệu đơn vị, giá trị 1.308 tỷ đồng, tăng 21% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên 4/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn 1,14 triệu đơn vị, giá trị hơn 13 tỷ đồng.

Mặc dù chịu áp lực chốt lời mạnh, song chưa đủ thấm trước sức cầu quá lớn ở mã này. STB phiên này khớp tới 65,89 triệu đơn vị, mức kỷ lục kể từ khi cổ phiếu này niêm yết vào tháng 4/2009, kết phiên tăng 7,5% lên 12.900 đồng. Đà tăng của SHB đã kéo dài 2 tuần qua với 9 phiên tăng điểm liên tiếp.

NVB cũng tăng 1,2% lên 8.900 đồng, khớp lệnh 2,4 triệu đơn vị. Trong khi đó, ACB quay đầu giảm 0,8% về 25.600 đồng, khớp lệnh 5,9 triệu đơn vị.

Các mã thanh khoản cao khác trên sàn HNX có thể kể tới như ART (6,39 triệu), KLF (5,95 triệu, SHS và MBG cùng khớp trên 3 triệu đơn vị, PVS và PVX cùng khớp trên 2 triệu đơn vị. TIG khớp 1,54 triệu đơn vị. Trong đó, MBG tăng trần, SHS +1,2%, còn lại đều không tăng.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index đã không giữ được đà tăng và quay đầu giảm điểm trước áp lực của nhóm cổ phiếu lớn, cho dù sắc xanh vẫn chiếm ưu thế. Thanh khoản giảm mạnh.

Đóng cửa, với 86 mã tăng và 73 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,16%) về 55,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,9 triệu đơn vị, giá trị 262 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên 4/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,94 triệu đơn vị, giá trị 38,4 tỷ đồng.

LPB giao dịch mạnh, khớp 5,78 triệu đơn vị - dẫn đầu sàn, nhưng giảm điểm mạnh khi mất 6,5% về 8.700 đồng. VIB khớp 1,4 triệu đơn vị, giảm nhẹ 0,5% về 18.200. Các ma BAB tăng nhẹ, KLB đứng giá.

Các mã BSR, OIL, CTR, VGI, VEA, QNS… tăng điểm, nhưng thanh khoản khá yếu, ngoại trừ BSR khớp được 2,9 triệu đơn vị, đứng sau LPB.

Với các mã bluechip khác, BSR đã đảo chiều thành công khi đóng cửa tăng 1 bước giá lên 8.100 đồng, khớp 1,68 triệu đơn vị. Trong khi GVR vẫn giảm 2,33% xuống 12.600 đồng, khớp 1,66 triệu đơn vị.

GVR là mã thứ 4 có được mức thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, nhưng cũng giảm điểm.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm. Trong đó, hợp đồng có thời gian đáo hạn gần nhất (ngày 19/3) là VN30F2003 được giao dịch nhiều nhất với 105.182 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 24.329 hợp đồng, giảm 0,6% về 836 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế với 34 mã giảm, trong khi có 18 mã tăng. Trong đó, CROS2001 là mã có thanh khoản tốt nhất với 852.070 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa giảm 15,38% về 110 đồng. Tiếp đến là CMWG1907 với 768.680 triệu đơn vị, giảm 6,6% về 140 đồng.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục