Phiên chiều 4/7: Bay cao

(ĐTCK) Không chỉ nhóm cổ phiếu bluechips, dòng tiền cũng chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu thị trường giúp sắc xanh lan tỏa rộng trên bảng điện tử. VN-Index theo đó tăng gần 13 điểm, vượt qua đỉnh cũ gần nhất với thanh khoản cũng vọt tăng.
Phiên chiều 4/7: Bay cao

Trong phiên sáng nay 4/7, sự việc thị trường chứng khoán quốc tế đồng loạt tăng đã tác động tích cực lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngay khi mở cửa, dòng tiền đã nhập cuộc hào hứng, đặc biệt là tại nhóm cổ phiếu bluechips giúp nhóm này đồng loạt tăng, kéo VN-Index nhanh chóng áp sát mốc 970 điểm, tức tăng hơn 0,9%.

Sự hưng phấn tiếp tục được duy trì trong phiên chiều, thậm chí còn tích cực hơn so với phiên sáng khi dòng tiền lan tỏa mạnh sang nhiều nhóm cổ phiếu khác, bao gồm cả nhóm có tính thị trường cao. Theo đó, đà tăng VN-Index được nới rộng thêm và ổn định trên mức 973 điểm, thanh khoản tăng cao.

Đóng cửa, với 191 mã tăng và 112 mã giảm, VN-Index tăng 12,65 điểm (+1,32%) lên 973,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 189,9 triệu đơn vị, giá trị 4.385 tỷ đồng, tăng 39% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên 3/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 54,5 triệu đơn vị, giá trị 1.365 tỷ đồng, đáng chú ý có hơn 17 triệu cổ phiếu EIB giá trị hơn 316,5 tỷ đồng.

Với sức cầu mạnh mẽ, cổ phiếu bluechips thực sự giao dịch tích cực trong phiên hôm nay. Tại rổ VN30, có 14 mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị, 26 mã tăng và chỉ 2 mã giảm, với thanh khoản chiếm 56% toàn sàn HOSE. Tương tự, Top 30 mã vốn hóa lớn nhất cũng có tới 27 mã tăng và chỉ 1 mã giảm.

Về nhóm ngành, bất động sản - xây dựng, ngân hàng là những nhóm đóng góp tích cực nhất vào đà tăng chung của chỉ số, với các "đầu tàu" tăng mạnh như VIC +1% lên 116.500 đồng, VHM +3,7% lên 85.000 đồng, VCB +4,2% lên 72.500 đồng, TCB +2,9% lên 21.400 đồng, BID +2,2% lên 32.800 đồng...

HPG khớp hơn 5 triệu đơn vị, TCB khớp 3,9 triệu đơn vị, các VHM, TCB, MBB, CTG, STB khớp từ 2-3 triệu đơn vị, các mã khớp trên 1 triệu đơn vị có SSI, VRE, FPT, VPB, HDB, VCB...

Các nhóm dầu khí, chứng khoán, dệt may, cũng đồng loạt tăng, song không quá mạnh. Sự bứt phá chỉ xuất hiện ở một số mã đơn lẻ như SJF hay SZC, D2D thuộc nhóm khu công nghiệp. Với SJF, đây là phiên trần thứ 4 liên tiếp lên 3.4900 đồng, khớp lệnh 1,2 triệu đơn vị.

Tại nhóm cổ phiếu thị trường, dòng tiền đã chảy mạnh hơn trong phiên chiều, giúp nhóm này tăng cả về điểm số lẫn thanh khoản. Trong phiên sáng, HAG và HNG là tâm điểm thì ROS là diễn viên chính trong phiên chiều.

Lực cầu mạnh cuối phiên giúp ROS đang giảm quay đầu tăng lên mức cao nhất ngày 29.800 đồng (+1,4%), khớp lệnh 13,58 triệu đơn vị dẫn đầu sàn. HAG +0,9% lên 5.470 đồng và khớp 7,2 triệu đơn vị, HNG +3,17% lên 17.900 đồng và khớp 3,7 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến không thuận như trên HOSE mà giằng co mạnh khi sức cầu không quá nổi bật. Tuy nhiên, trong một phiên hào hứng như phiên này, sắc xanh vẫn được bảo toàn.

Đóng cửa, với 72 mã tăng và 60 mã giảm, HNX-Index tăng 0,66 điểm (+0,64%) lên 104,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,77 triệu đơn vị, giá trị 322 tỷ đồng, tăng 26% về khối lượng, nhưng giảm 6% về giá trị so với phiên 3/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,3 triệu đơn vị, giá trị gần 65 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu bluechips trên sàn này, sắc đỏ chiếm ưu thế khi nhiều mã giảm như TNG, HUT, VC3, VCS, DBC... hay đứng giá như VCG, PVB, PVI, VGS, MAS..., song chỉ cần những trụ chính như ACB, PVS, SHB... còn vững thì sắc xanh vẫn được duy trì.

ACB +1,4% lên 29.300 đồng, khớp lệnh 0,92 triệu đơn vị. SHB +1,5% lên 6.800 đồng, khớp 3,8 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. PVS +2,2% lên 23.500 đồng, khớp 2,7 triệu đơn vị. Ngoài SHB và PVS mã này, chỉ có thêm NVB là khớp trên 1 triệu đơn vị (1,19 triệu), nhưng đứng giá 8.000 đồng. 

TNG -0,9% về 21.800 đồng, khớp lệnh 0,93 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, đà tăng đã ổn định hơn trong phiên chiều khi sức cầu được cải thiện, nhưng sàn này không thể bứt phá khi các cổ phiếu lớn phân hóa.

Đóng cửa, với 109 mã tăng và 65 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (+0,48%) lên 55,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,84 triệu đơn vị, giá trị 317 tỷ đồng, tăng 32% về khối lượng và 54% về giá trị so với phiên 3/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 3 triệu đơn vị, giá trị 129,5 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 1,14 triệu cổ phiếu SIP, giá trị 68,6 tỷ đồng.

BSR là mã duy nhất trên UPCoM đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị (1,13 triệu), nhưng giảm 1,6% về 12.200 đồng. Cũng giữ sắc đỏ còn có OIL, VNA, LTG, MPC...

Ngược lại, các mã QNS, VGT, GVR, VIB, VGI, DVN... tăng điểm, trong đó QNS khớp lệnh 0,55 triệu đơn vị, sếp sau BSR.

Trên thị trường phái sinh, hôm nay là phiên giao dịch đầu tiên của sản phẩm phái sinh thứ 2 - hợp đồng phái sinh trái phiếu chính phủ với các mã hợp đồng GB05F1909 (đáo hạn ngày 13/9/2019), GB05F1912  (đáo hạn ngày 13/12/2019) và GB05F2003 (đáo hạn ngày 13/3/2020). Trong đó, GB05F1909 và GB05F1912 cùng được giao dịch 5 hợp đồng, tăng lần lượt 0,6% lên 105.234 đồng, GB05F1912 tăng 1% lên 105.310 đồng, còn GB05F2003 không có giao dịch.

Với sản phẩm phái sinh VN30, cả 4 hợp đồng đều tăng mạnh trong phiên này, thứ tự là VN30F1907 (đáo hạn ngày 18/7) tăng 13,73% lên 886 điểm, VN30F1908 (đáo hạn 15/8) tăng 11,86% lên 877,2 điểm, VN30F1909 (đáo hạn 19/9) tăng 0,8% lên 891 điểm và VN30F1912 (đáo hạn 19/12) tăng 0,6% lên 891,3 điểm.

Về thanh khoản, VN30F1907 là hợp đồng có thanh khoản tốt nhất với 112.169 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 25.878 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, chỉ duy nhất mã CMWG1902 giảm điểm (-0,6% về 4.500 đồng), 2 mã đứng giá CVNM1901 và CPNJ1901 đứng giá (1.260 đồng và 2.600 đồng), còn lại đều tăng. Trong đó, CMWG1901 tăng mạnh nhất khi tăng 7,5% lên 4.300 đồng với 113.960 đơn vị được chuyển nhượng.

Mã có thanh khoản tốt nhất là CHPG1902 với 559.603 đơn vị được chuyển nhượng, trong đó nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 462.730 đơn vị. Cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh là CVNM1901 với 353.460 đơn vị, trong tổng khớp 390.580 đơn vị.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục