Thị trường vẫn mở cửa tuần mới khá tiêu cực. Áp lực bán tháo tiếp tục gia tăng trên diện rộng đã nhanh chóng lấy đi hơn 40 điểm, đẩy VN-Index về sát mốc 890 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã giúp thị trường bật ngược đi lên và dần lấy lại ngưỡng 900 điểm.
Bước sang phiên chiều, tâm lý nhà đầu tư bình tâm hơn giúp thị trường dần đi lên. Thị trường có thêm khoảng 20 mã đảo chiều thành công, trong đó một số mã lớn như BID, CTG, HPG tăng khá tốt, đã giúp VN-Index lấy lại được hơn 36 điểm so với mức đáy đầu phiên sáng, đóng cửa sát mức 930 điểm.
Chốt phiên giao dịch 31/1, VN-Index giảm 8,48 điểm (-0,91%), xuống 928,14 điểm với 58 mã tăng, trong khi có tới 297 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 275,52 triệu đơn vị, giá trị 5.053,37 tỷ đồng, tăng 8,5% về lượng và 3,4% về giá trị so với phiên trước (31/1). Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 29,11 triệu đơn vị, giá trị hơn 706 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, nếu phiên sáng chỉ có CTG và NVL le lói xanh nhạt, thì sang phiên chiều, các mã này tiếp tục nới rộng biên độ cùng nhiều cổ phiếu khác khởi sắc trở lại.
Trong đó, tâm điểm chính là bộ đôi BID - CTG hỗ trợ tốt giúp thị trường bớt giảm sâu. Cụ thể, BID +3,88% lên 53.500 đồng/CP, CTG +3,07% lên 25.150 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động 13,87 triệu đơn vị.
Ngoài ra, các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng như VPB hay STB cũng tăng nhẹ trở lại, VCB và HDB lấy lại mốc tham chiếu, còn lại các mã cùng ngành thu hẹp đà giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, trong nhóm VN30 còn có HPG +1,87% lên 24.550 đồng/CP, NVL +1,63% lên 56.000 đồng/CP, VRE +0,5% lên 30.200 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, đà giảm của MSN, SAB, VHM, VNM… cũng được thu hẹp đáng kể, thậm chí VIC trở lại mốc tham chiếu, VJC cũng không còn giảm sàn, ngoại trừ ROS tiếp tục trong sắc xanh mắt mèo.
Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, FLC vẫn dẫn đầu thanh khoản với hơn 15,3 triệu đơn vị được khớp lệnh và đóng cửa thu hẹp biên độ với mức -4,52% và kết phiên tại 3.800 đồng/CP.
Bên cạnh phần lớn cổ phiếu để mất điểm, vẫn có nhiều mã khởi sắc trở lại như HSG, OGC, KBC, HAI lấy lại mốc tham chiếu, hay các mã AMD, HQC, SCR, ASM… thoát nằm sàn.
Nhóm cổ phiếu dược phẩm vẫn duy trì đà khởi sắc với DHG, DHT, OPC tăng trần, TRA +6% lên 61.500 đồng/CP, IMP +6,8% lên 58.500 đồng/CP, LDP +2,8% lên 21.900 đồng/CP, AMV +2,7% lên 22.600 đồng/CP…
Trên sàn HNX, lực cầu gia tăng cũng đã giúp HNX-Index lấy lại mốc 100 điểm.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,05 điểm (-1,03%), xuống 101,31 điểm với 18 mã tăng và 61 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 63,45 triệu đơn vị, giá trị 594,18 tỷ đồng, tăng 33,6% về lượng và 22,28% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (31/1). Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 2,39 triệu đơn vị, giá trị 40,96 tỷ đồng.
Trong nhóm HNX30 có nhiều điểm tích cực như SHB đảo chiều khởi sắc khi +5,33% lên 7.900 đồng/CP, PVI +1% lên 30.900 đồng/CP, hay VCG, CEO, MBS, SLS, VC3… lấy lại mốc tham chiếu.
Mặt khác, các mã như ACB, DGC, VCS… thu hẹp đà giảm đáng kể.
Trong đó, không chỉ tăng vọt về giá, cổ phiếu SHB cũng là tâm điểm của dòng tiền với giao dịch tăng vọt, đạt 27,4 triệu đơn vị được khớp lệnh. Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là người anh em ACB khớp 4,43 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 22.600 đồng/CP, giảm 1,74%.
Thị trường UPCoM vẫn chìm trong sắc đỏ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,75 điểm (-1,37%), xuống 54,38 điểm với 20 mã tăng và 38 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,67 triệu đơn vị, giá trị 182,11 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 711.015 đơn vị, giá trị hơn 20 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản với gần 3,75 triệu đơn vị được giao dịch thành công và kết phiên -% xuống mức giá 7.400 đồng/CP.
Đứng ở vị trí tiếp theo là cặp đôi ngân hàng LPB và VIB lần lượt khớp 2,17 triệu đơn vị và gần 1,3 triệu đơn vị. Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu không được như những mã cùng ngành niêm yết trên thị trường, kết phiên LPB -4% xuống 7.200 đồng/CP, còn VIB đứng giá tham chiếu 17.100 đồng/CP.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai vẫn trong trạng thái giảm khá sâu, trong đó hợp đồng có kỳ hạn đáo hạn gần nhất là VN30F2002 giảm 1,29% xuống 841 điểm với 183.620 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 15.775 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, có tới 44 mã giảm và chỉ 3 mã tăng. Trong đó, CHPG1909 giao dịch sôi động nhất với khối lượng khớp lệnh đạt 67.321 đơn vị, kết phiên tăng 0,78% lên 1.300 đồng/CQ.