Phiên chiều 31/1: Virus Corona vẫn kéo chìm thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Tưởng chừng tín hiệu của phiên sáng sẽ giúp thị trường đứng vững trong phiên hôm nay, nhưng áp lực bán tháo diễn ra trong phiên chiều đã đẩy hàng loạt mã giảm sàn, kéo VN-Index có phiên lao dốc thứ 2 liên tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020.
Phiên chiều 31/1: Virus Corona vẫn kéo chìm thị trường chứng khoán

Sau phiên bán tháo mạnh ngày khai Xuân, nhà đầu tư đã bình tâm trở lại giúp thị trường có những nhịp hồi nhẹ. Tuy nhiên, sắc xanh chỉ kịp le lói trong thời gian ngắn và nhanh chóng bị dập tắt trước áp lực bán vẫn diễn ra trên diện rộng.

Diễn biến phiên sáng nay khá khác biệt khi tình trạng bán tháo ồ ạt không còn diễn ra như phiên sáng qua (30/1), cùng sự hồi phục của một số bluechip, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, đã giúp thị trường không cắm đầu đi xuống. Chỉ số VN-Index giằng co nhẹ quanh mức 955 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực bán tiếp tục gia tăng khiến thị trường lao dốc mạnh. Chỉ sau khoảng hơn 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index để mất hơn 10 điểm so với thời điểm chốt phiên sáng, rơi xuống mốc 944 điểm.

Ngay khi tiếp cận vùng giá này, thị trường đã bật nẩy lên. Tuy nhiên, áp lực bán dâng cao và lan rộng thị trường khiến VN-Index tiếp tục bị đẩy lùi về mức thấp nhất ngày, khi giảm tới gần 23 điểm. Như vậy, chỉ trong 2 phiên đầu tiên của năm Canh Tý, thị trường đã để mất gần 55 điểm, tương ứng giảm 5,61%.

Những tác động của dịch viêm phổi do virus Corona tới các hoạt động kinh tế mặc dù chưa rõ ràng, nhưng những lo ngại về việc suy giảm doanh thu của các ngành du lịch, giao thông, hoạt động thương mại buôn bán với Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp trên sàn trong thời gian tới.

Chốt phiên giao dịch 31/1, VN-Index giảm 22,96 điểm (-2,39%), xuống 936,62 điểm với 73 mã tăng, trong khi có tới 281 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 253,94 triệu đơn vị, giá trị 4.886,85 tỷ đồng, tăng 27,92% về lượng và 6,68% về giá trị so với phiên hôm qua (30/1). Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 43,31 triệu đơn vị, giá trị hơn 865 tỷ đồng.

Nếu trong phiên sáng, nhóm cổ phiếu ngân hàng lóe sáng thì sang phiên chiều lần lượt các mã này đều bị bán mạnh.

Ngoại trừ duy nhất CTG xanh nhạt, còn lại đều giảm khá mạnh như BID -2,3% xuống mức thấp nhất ngày 51.500 đồng/CP, HDB có thời điểm giảm sàn và kết phiên -5,7% xuống 27.000 đồng/CP, TCB -% xuống mức thấp nhất 21.600 đồng/CP, STB -1,5% xuống 10.200 đồng/CP, MBB -2,1% xuống 20.800 đồng/CP…

Bên cạnh đó, trong nhóm VN30 nhiều mã bị đẩy xuống mức giá sàn như DPM, GMD, VJC, đặc biệt trụ cột VNM cũng để mất tới 6,9% xuống mức giá sàn 108.500 đồng/CP, đã tác động mạnh tới diễn biến của chỉ số chung. Trong phiên hôm nay, VNM cũng đóng góp tích cực vào thanh khoản khi có tới gần 1,92 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Ngoài ra, nhiều mã lớn cũng đảo chiều giảm hoặc nới rộng biên độ như GAS -6% xuống 86.500 đồng/CP, SAB -2,8% xuống 212.000 đồng/CP, VRE -4,7% xuống 30.050 đồng/CP, BVH -6,8% xuống 58.800 đồng/CP, HPG -2,9% xuống 24.100 đồng, PLX -4,3% xuống 53.000 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hàng loạt mã quen thuộc như DLG, ITA, HAI, ASM, DXG, AMD, LDG, DRH, TSC, HAR… cũng lần lượt giảm sàn. Trong khi đó, một số mã như DIC, JVC, SJF vẫn giữ sắc tím.

Xét về thanh khoản, trong top 10 có tới một nửa thuộc về nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, CTG tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với gần 11,82 triệu đơn vị được khớp lệnh; còn MBB khớp hơn 8 triệu đơn vị, STB khớp 6,26 triệu đơn vị, TCB khớp 6,12 triệu đơn vị, VPB khớp 4,66 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, niềm vui chỉ được duy trì trong thời gian ngắn khi bước vào phiên chiều và HNX-Index đã nhanh chóng cắm đầu đi xuống trước áp lực bán tháo.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,75 điểm (-1,68%), xuống 102,36 điểm với 19 mã tăng và 43 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47,49 triệu đơn vị, giá trị 485,9 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,91 triệu đơn vị, giá trị 64,62 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ còn NRC và DHT khởi sắc, còn lại phần lớn đều mất điểm. Đáng kể một số mã lớn giảm khá mạnh, là tác nhân chính đẩy thị trường đi xuống.

Cụ thể, ACB -2,5% xuống 23.000 đồng/Cp, DGC -3,9% xuống 24.600 đồng/CP, PVS -5,8% xuống 16.300 đồng/CP, PVI -1,9% xuống 30.600 đồng/CP, VCG -1,9% xuống 25.300 đồng/Cp, VCS -3,4% xuống 65.500 đồng/CP…

Cổ phiếu SHB lùi về mốc tham chiếu 7.500 đồng/CP và tiếp tục là mã giao dịch sôi động nhất với hơn 18,93 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tiếp theo đó là cặp đôi PVS và ACB với khối lượng khớp lệnh hơn 4,2 triệu đơn vị.

Thị trường UPCoM cũng có chung cảnh ngộ khi UPCoM-Index tiếp tục nới rộng biên độ giảm trong phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,6 điểm (-1,07%), xuống 55,13 điểm với 23 mã tăng và 34 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 12 triệu đơn vị, giá trị 140 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 202.200 đơn vị, giá trị hơn 9 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn như BSR, GVR, VGI, VEA, ACV, VGT… đều giảm khá mạnh. Trong đó, BSR -6,2% xuống 7.600 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản với 2,82 triệu đơn vị được giao dịch thành công.

Dưng ở vị trí thứ 2, LPB chuyển nhượng thành công gần 1,7 triệu đơn vị và kết phiên -3,9% xuống 7.400 đồng/CP.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai vẫn trong trạng thái giảm khá sâu, trong đó hợp đồng có kỳ hạn đáo hạn gần nhất là VN30F2002 giảm 2,4% xuống 852 điểm với 139.324 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 13.631 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, có tới 43 mã giảm, 2 mã tăng và 2 mã đứng giá. Trong đó, CFPT1906 giao dịch sôi động nhất với khối lượng khớp lệnh đạt 78.125 đơn vị, kết phiên giảm 33,73% xuống 550 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ