Phiên chiều 30/8: Cổ phiếu BID lập đỉnh mới, VN-Index lỗi hẹn mốc 985 điểm

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch khá tích cực khi phần lớn đều đứng trên mốc tham chiếu, đáng kể BID lập đỉnh mới trong hơn 1 năm, tuy nhiên với dòng tiền tham gia hạn chế khiến VN-Index thiếu sức bật cao và đã lỗi hẹn với mốc 985 điểm trong phiên cuối cùng của tháng 8.
Phiên chiều 30/8: Cổ phiếu BID lập đỉnh mới, VN-Index lỗi hẹn mốc 985 điểm

Hưởng ứng đà tăng tích cực từ chứng khoán quốc tế, thị trường trong nước tiếp tục khởi sắc trong phiên giao dịch sáng 30/8. Tuy nhiên, tâm lý kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 đang cận kề khiến dòng tiền tham gia hạn chế và thị trường thiếu động lực để bật cao. Chỉ số VN-Index chỉ lình xình trên mốc 980 điểm.

Bước sang phiên chiều, thị trường không có thêm thông tin tích cực nào. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp khiến VN-Index chưa đủ lực để dành lại mốc 985 điểm và chỉ số này tiếp tục trạng thái đi ngang trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, sàn HOSE có 189 mã tăng và 131 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 5,47 điểm (+0,56%) lên 984,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 143,16 triệu đơn vị, giá trị 3.217,41 tỷ đồng, tăng 3,45% về lượng nhưng giảm 4,67% về giá trị so với phiên hôm qua (29/8). Giao dịch thỏa thuận đã đóng góp 16,96 triệu đơn vị, giá trị gần 607,6 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa, trong khi các mã lớn khởi sắc như VCB tăng 1,17% lên 77.700 đồng/CP, TCB tăng nhẹ 0,7% lên 21.500 đồng/CP, thì các mã chi phối ít hơn tới chỉ số chung của thị trường là EIB, HDB, MBB giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm nhẹ trên dưới 1%.

Đáng chú ý, BID vẫn là điểm sáng của ngành khi tiếp tục nới rộng biên độ nhờ lực cầu nội và ngoại tích cực. Với mức tăng 2,24%, cổ phiếu BID đã xác lập mức đỉnh của hơn 1,5 năm tại mức giá 38.750 đồng/CP (cao nhất kể từ phiên 19/4/2018 đóng cửa tại 38.000 đồng/CP). Không chỉ giao dịch khởi sắc, thanh khoản của BID cũng khá tích cực với khớp gần 2,19 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

Nhóm dầu khí gồm GAS, PLX, PVD hay các mã bluechip như MSN, NVL, MWG… cũng duy trì đà tăng nhẹ.

Trong khi “ông lớn” VNM lùi về mốc tham chiếu thì gia đình Vin có phần nới rộng biên độ với VHM tăng 1,15% lên 87.800 đồng/CP, VIC tăng 0,82% lên 123.500 đồng/CP, VRE giữ mức tăng nhẹ 0,3% lên 34.450 đồng/CP.

Sau 5 phiên tăng liên tiếp, cổ phiếu ROS đã bị chốt lời, tuy nhiên nhờ lực cầu tăng mạnh đã giúp cổ phiếu này lấy lại mốc tham chiếu 28.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt đạt gần 12,97 triệu đơn vị.

Nếu nhóm bluechip giao dịch có phần tích cực, là điểm tựa tốt cho đà tăng thị trường thì ở nhóm cổ phiếu thị trường lại có diễn biến khá phân hóa. Trong đó, ITA, HAI, ASM, KBC… tiếp tục giảm nhẹ, còn DLG, SCR, HAG… giao dịch trên mốc tham chiếu. Cổ phiếu FLC những tưởng sẽ thoát khỏi sắc đỏ nhưng lực bán tiếp tục đẩy lùi cổ phiếu này về mức giá 3.800 đồng/CP, giảm 0,78% và đứng thứ 2 về thanh khoản với khối lượng khớp 5,13 triệu đơn vị.

Những tưởng RAL sẽ thoát khỏi đà giảm sâu khi đã lấy lại sắc xanh nhạt trong phiên sáng nay, tuy nhiên, dư âm của vụ cháy nhà kho vẫn chưa hết nóng khiến cổ phiếu này tiếp tục bị bán mạnh. Kết phiên, RAL giảm mạnh 5,37% xuống mức thấp nhất ngày 77.500 đồng/CP với khối lượng khớp 122.540 cổ phiếu.

Trên sàn HNX, đà tăng có phần thu hẹp hơn trong phiên chiều.

Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,38 điểm (+0,37%) lên 102,32 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 21,87 triệu đơn vị, giá trị 265,67 tỷ đồng, tăng 7,84% về lượng nhưng giảm 2,68% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,53 triệu đơn vị, giá trị gần 30 tỷ đồng.

Trong đó, hầu hết các mã làm trụ đỡ chính trong phiên sáng đã hạ bớt độ cao như ACB chỉ còn tăng 0,45% lên 22.200 đồng/CP, PVS tăng 1,46% lên 20.800 đồng/CP, VCS chỉ tăng 0,22% và đứng tại mức giá 89.500 đồng/CP…

Mặt khác, SHB, VCG, MBS… quay về mốc tham chiếu, trong khi PVI giảm 2,23% xuống 35.000 đồng/CP, L14 giảm 8,5% xuống 70.000 đồng/CP, NDN giảm 3,24% xuống 17.900 đồng/CP, PVB giảm 0,5% xuống 20.200 đồng/CP…

Cổ phiếu PVS vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 3,39 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tiếp theo đó, SHB khớp 2,12 triệu đơn vị, KLF khớp 1,24 triệu đơn vị và ART khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau gần 1 giờ giằng co, thị trường đã bị đẩy lùi khá sâu, tuy nhiên, lực cầu gia tăng đã giúp đà giảm được thu hẹp về cuối phiên.

Kết phiên, UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,13%) xuống 57,83 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 14,96 triệu đơn vị, giá trị 230,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,49 triệu đơn vị, giá trị 88,6 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn giữ mức giá 9.500 đồng/CP khi đóng cửa và tiếp tục bảo toàn vị trí dẫn đầu về thanh khoản với 2,11 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Trong khi đó, cổ phiếu GVR tiếp tục với những phiên giao dịch thiếu tích cực khi giảm 3,85% xuống mức 15.000 đồng/CP và khớp 1,95 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng giao dịch thiếu tích cực như VGI giảm 0,83% xuống 35.900 đồng/CP, BCM giảm 1,15% xuống 34.500 đồng/CP, SIP giảm 6,4% xuống 123.000 đồng/CP, ACV giảm 0,6% xuống 82.500 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng điểm, trong đó mã VN30F1909 tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với 51.742 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 19.031 đơn vị. Tuy nhiên, đây là hợp đồng có mức tăng khiêm tốn nhất mạnh nhất, với 0,16% lên 886 điểm, còn VN30F2003 có mức tăng mạnh nhất, với 0,4% lên 885 điểm.

Trong khi đó, cả 3 hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ không có giao dịch.

Trên thị trường chứng quyền, trong 16 mã được niêm yết, có 8 mã tăng, 11 mã giảm, 1 mã đứng giá. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CHPG1901 với 20.680 đơn vị được khớp, tiếp đó là CVRE1901 với 16.726 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục