Trong phiên giao dịch sáng, chuỗi phiên giảm điểm của VN-Index như được dự báo trước khi chỉ số giảm hơn 8 điểm ngay sau phiên khớp lệnh xác định giá mở cửa. Nhờ lượng cung giá thấp đã cạn, trong khi lực cầu dò đáy được khởi động sau chuỗi phiên liên tiếp giảm sâu khiến VN-Index dần hồi phục và tăng trở lại khi kết thúc phiên sáng.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch chiều, sự tích cực này đã không được duy trì. Tâm lý thận trọng cao độ đã ảnh tới sức cầu thị trường, khiến cầu dò đáy vốn đã không mạnh lại dần suy yếu. Kết quả là sắc xanh của VN-Index phai dần và chuyển đỏ trước khi đóng cửa. Phiên giảm này đã kéo dài chuỗi giảm của VN-Index lên con số 8, nhưng điểm tích cực là mức độ giảm đã không còn mạnh như những phiên trước.
Đóng cửa, với 142 mã tăng và 148 mã giảm, VN-Index giảm 0,13 điểm (-0,01%) xuống 888,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 133 triệu đơn vị, giá trị 2.936,18 tỷ đồng, giảm 5% về khối lượng và 9% về giá trị so với phiên 29/10.
Khá nhiều mã vốn hóa lớn cũng như bluechips đã hồi phục, nhưng đó là chưa đủ để duy trì sắc xanh cho Index. Trong đó, MSN tăng 2% lên 78.000 đồng, VCB tăng 2,5% lên 78.000 đồng, GAS tăng 2,1% lên 99.000 đồng, MWG tăng 2,3% lên 107.100 đồng, PNJ tăng 1,7% lên 91.600 đồng, VJC tăng 1% lên 126.000 đồng...
Ngược lại, BID giảm tới 4,5% về 27.600 đồng, VNM giảm 2,2% về 117.300 đồng, VRE giảm 2% về 34.500 đồng, VIC giảm 0,6% về 96.600 đồng, NVL giảm 1,4% về 70.200 đồng, REE giảm 2,2% về 30.750 đồng...
Về thanh khoản, MBB và STB cùng khớp trên 5 triệu đơn vị, nhưng MBB dẫn đầu thanh khoản với lượng khớp nhỉnh hơn 0,5 triệu đơn vị và tăng nhẹ, trong khi STB giảm nhẹ. Các mã có thanh khoản cao khác với lượng khớp từ 1-3 triệu đơn vị như VPB, HPG, CTG, SBT, PVD, SSI, VCB..., song sắc đỏ cũng chiếm đa số.
Xét về nhóm ngành, nhóm dầu khí có đà tăng tích cực nhất, trong khi các nhóm dẫn dắt khác như ngân hàng, vật liệu xây dựng diễn biến phân hóa. Nhóm bất động sản - xây dựng là nhóm tạo sức ép lớn nhất lên chỉ số.
Không chỉ các mã lớn, nhiều mã vừa và nhỏ cũng chìm trong sắc đỏ như FLC, DXG, HBC, QCG, DIG, LDG... Đây cũng là các cổ phiếu có thanh khoản tốt trên thị trường.
Trong khi đó, diễn biến trên sàn HNX tích cực hơn hẳn so với HOSE. Nhiều mã lớn trên sàn này tăng điểm, giúp đà tăng của Index được giữ tương đối vững. Cùng với đó, sức cầu trên HNX rất tích cực, giúp thanh khoản tăng cao.
Đóng cửa, với 70 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index tăng 0,55 điểm (+0,54%) lên 101,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,57 triệu đơn vị, giá trị 509 tỷ đồng, tăng 33% về lượng và 31% về giá trị so với phiên 29/10.
Mã vốn hóa lớn nhất sàn ACB tăng 1,8% lên 28.500 đồng, thanh khoản cao với 3,6 triệu đơn vị khớp lệnh. Tương tự, các mã VCG, VGC, PVS, NDN, CEO, DBC, DGC... cũng đều tăng khá tích cực.
PVS tăng 2,9% lên 17.900 đồng, khớp lệnh 4,3 triệu đơn vị. Nhiều mã dầu khi đầu ngành khác như PVC, PLC, PGS... cũng tăng điểm.
SHB khớp lệnh 7,12 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn, nhưng đứng giá 7.500 đồng. NVB tăng 1,1% lên 9.500 đồng và khớp 1,45 triệu đơn vị.
Các mã HHP, MPT, PVV, HKT... tăng trần. Ngược lại, các mã ITQ, BII, TV2, L14, KVC... giảm sàn.
Trên sàn UPCoM, diễn biến khá tương đồng với HNX khi sắc xanh cũng được duy trì tương đối vững, nhưng thanh khoản giảm.
Đóng cửa, với 75 mã tăng và 77 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (+0,53%) lên 51,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 7,9 triệu đơn vị, giá trị 146 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên 29/10.
Phiên này không mã nào trên UPCoM đạt thanh khoản 1 triệu đơn vị và 5 mã thanh khoản tốt nhất đều không tăng. Mã thanh khoản cao nhất là POW với lượng khớp hơn 0,8 triệu đơn vị, đứng giá tham chiếu. Tương tự là BSR, trong khi LPB, MPC và SBS giảm điểm.
Nhiều mã lớn khác cũng giảm, song mức giảm không mạnh như VGT, VGI, VEA, SSN, ACV, LTG... Ngược lại, các mã HVN, QNS, VOC, VIB, KLB, BAB, MCH... tăng điểm.