Cú hồi nhẹ về cuối phiên ngày hôm qua giúp nhà đầu tư kỳ vọng hơn vào phiên giao dịch 29/12. Dù dòng tiền vẫn khá hạn chế tham gia vào những phiên cuối cùng của năm 2016 nhưng dưới sự dẫn dắt của các cổ phiếu lớn như VNM, VIC, MSN…, đã giúp VN-Index có xuất phát điểm khá thuận lợi.
Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục phân hóa nhẹ với trụ cột VNM đóng vai trò là điểm tựa chính của thị trường thì các mã đầu cơ quen thuộc sau khi nhen nhóm đợt sóng tăng ngày hôm qua cũng đã dần hạ nhiệt ở phiên 29/12.
Hầu hết các mã tăng trần như OGC, FLC, HQC hay tăng điểm như HAI, HAR, DLG, FIT… đều thu hẹp đà tăng, thậm chí quay đầu điều chỉnh. Tuy nhiên, với sự dẫn dắt của mã lớn VNM, chỉ số VN-Index đã có được sắc xanh trong phiên giao dịch sáng.
Diễn biến thị trường giao dịch khá cầm chừng được duy trì khi bước sang phiên giao dịch chiều bởi tâm lý kỳ nghỉ lễ đang cận kề.
Đóng cửa, VN-Index tăng 1,22 điểm (+0,18%) lên mức 664,72 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 116,5 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 2.252,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 17,25 triệu đơn vị, giá trị 415,48 tỷ đồng. Vn30-Index tăng 2,12 điểm (+0,34%) lên 626,95 điểm với 14 mã tăng, 13 mã giảm và 3 mã đứng giá.
Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,53 điểm (+0,67%) lên 79,56 điểm. Thanh khoản suy giảm mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt 22,98 triệu đơn vị, giá trị 246,84 tỷ đồng. Nhóm HNX30 có 10 mã tăng, 7 mã giảm và 12 mã đứng giá, chỉ số HNX30-Index tăng 0,76 điểm (+0,53%) lên 142,88 điểm.
Các cổ phiếu lớn như VNM, VIC, MSN, BVH vẫn duy trì đà tăng điểm, trong đó, trụ cột VNM vẫn là lực đỡ chính cho thị trường. Như vậy, VNM đã có được phiên khởi sắc thứ 2 liên tiếp sau thông báo cổ đông lớn đăng ký mua thêm gần 21,8 triệu cổ phiếu.
Cụ thể, F&N Dairy đã đăng ký mua thêm hơn 21,77 triệu cổ phiếu VNM từ ngày 30/12 đến ngày 27/1/2017. Nếu giao dịch thành công, tổ chức này sẽ nâng sở hữu tại VNM từ 198,18 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 13,65% lên 219,95 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 15,15%.
Với thông tin trên, chốt phiên 29/12, VNM tăng 2,1% lên mức 128.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 2 triệu đơn vị, nhà đầu tư ngoại bán ròng 333.910 cổ phiếu.
Bên cạnh đó, thông tin có nguồn lực bên ngoài tái cấu trúc và thay thế ngân hàng nhà nước tiếp quản, đã giúp cổ phiếu STB tiếp tục đóng cửa trong sắc xanh, ghi nhận phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp. Với mức tăng 3,3%, STB đóng cửa tại mức giá 9.400 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 6,53 triệu đơn vị, đứng thứ 4 về thanh khoản trên thị trường.
Trái lại, thông tin Tập đoàn Bảo Việt đăng ký bán 500.000 cổ phiếu SAB khiến SAB nhanh chóng quay đầu giảm sâu trong phiên sáng nay. Dù áp lực điều chỉnh đã được thu hẹp trong phiên chiều nhưng SAB vẫn đóng vai trò là lực hãm thị trường khi giảm 0,96%, đóng cửa tại mức giá 197.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 98.560 đơn vị.
Một trong những cổ phiếu đáng chú ý khác là NVL. Sau màn chào sàn ấn tượng ngày hôm qua, NVL đã quay đầu giảm mạnh bởi áp lực xả hàng lớn. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy về cuối phiên đã giúp cổ phiếu này cân bằng hơn. Đóng cửa, NVL tăng nhẹ 100 đồng lên mức giá 60.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 3,22 triệu đơn vị.
Ở nhóm đầu cơ, cặp đôi cổ phiếu bất động sản FLC và HQC đã chính thức đảo chiều giảm điểm trước áp lực chốt lời gia tăng mạnh sau phiên tăng trần hôm qua. Trong khi FLC giảm 2,47% xuống mức giá 5.130 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường đạt 10,78 triệu đơn vị; còn HQC giảm 2,16% xuống ức giá 2.270 đồng/CP và khớp 9,19 triệu đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý trên sàn HNX là SIC. Dù mở cửa trong sắc đỏ nhưng lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp SIC bật tăng mạnh và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày cùng thanh khoản dẫn đầu toàn sàn. Đóng cửa, SIC tăng 8,9% lên sát giá trần 30.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 2,26 triệu đơn vị.
Tiếp đó, CEO và KLF có khối lượng khớp lệnh trên dưới 1,6 triệu đơn vị, đóng cửa 2 mã này cùng đứng giá tham chiếu.