Phiên chiều 29/11: Lực cầu yếu, VN-Index quay đầu giảm điểm

(ĐTCK) Trong bối cảnh dòng tiền vào thị trường suy yếu, lực bán chỉ chớm gia tăng tại một số mã bluechip đã khiến VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên 29/11.
Phiên chiều 29/11: Lực cầu yếu, VN-Index quay đầu giảm điểm

Ảnh hưởng từ sự tích cực của TTCK Mỹ, chứng khoán Việt Nam bật tăng mạnh ngay khi mở cửa, lên gần mốc 940 điểm. Tuy nhiên, sự hưng phấn này không duy trì được lâu và VN-Index dần hạ nhiệt về cuối phiên khi dòng tiền vào thị trường tỏ ra yếu ớt.

Diễn biến tiếp tục xấu đi trong phiên chiều khi VN-Index nhận được tín hiệu kém tích cực từ TTCK châu Á, cộng thêm xu hướng suy yếu hơn của dòng tiền khiến đà hồi phục nhanh chóng bị dập tắt. Dường như sốt ruột với chuyển biến không mấy tích cực của thị trường, nhà đầu tư đã đẩy bán mạnh trong nửa cuối phiên. VN-Index cũng rất nhanh quay đầu giảm điểm và đánh mất mốc 930 điểm.

Đóng cửa, với 121 mã tăng và 165 mã giảm, VN-Index giảm 3,41 điểm (-0,37%) về 926,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 131,82 triệu đơn vị, giá trị gần 2.956 tỷ đồng, giảm 3,3% về khối lượng và 9% về giá trị so với phiên 28/11.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 14,39 triệu đơn vị, giá trị 449 tỷ đồng. Đáng chú ý có các thỏa thuận của 3,397 triệu cổ phiếu SBT, giá trị 79,6 tỷ đồng; 2,402 triệu cổ phiếu LMH, giá trị 22,338 tỷ đồng...

Áp lực bán mạnh khiến nhiều mã vốn hóa lớn và bluechips giảm điểm như VNM, BID, VCB, TCB, GAS, MSN, PNJ, PLX, BHV... Trong đó, ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số phải kể đến VNM (-1,3% về 126.300 đồng), GAS (-1,5% về 90.100 đồng), BVH (-2,4% về 95.000 đồng), PNJ (-4,4% về 91.300 đồng)...

Cũng có không ít mã vốn hóa lớn và bluechips duy trì được sắc xanh như CTG, VHM, VRE, SSI, MBB, VJC, NVL..., song mức tăng không mạnh nên không thể giúp VN-Index hồi phục. VJC là mã đóng góp tích cực nhất trong việc hỗ trợ chỉ số khi tăng 2,3% lên 132.500 đồng, khớp lệnh 1,14 triệu đơn vị - mức cao nhất kể từ ngày 22/10 (1,37 triệu đơn vị).

Về thanh khoản, nhà đầu tư vẫn rất thận trọng khi giao dịch tại nhóm cổ phiếu lớn. Chỉ hơn chục mã đạt lượng khớp trên 1 triệu đơn vị, trong đó 4 mã có lượng khớp cao nhất trên 4 triệu đơn vị lần lượt là HSG, MBB, CTG, HPG và đa phần giảm điểm.

Sắc đỏ cũng phủ rộng tại nhóm cổ phiếu thị trường như OGC, FLC, HAG, HNG, ITA, KBC, ROS, QCG, SCR..., trong đó OGC khớp 8,4 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE, giảm 1,1% về 3.640 đồng.

Một số cổ phiếu "ruồi" như HTT, VOS tăng trần, thanh khoản khá tích cực.

Trên sàn HNX, sức cầu còn yếu ớt hơn nên chỉ số HNX-Index diễn biến giằng co mạnh trong mỗi nhịp bán ra. Đà tăng trên sàn này cũng suy yếu đáng kể khi nhận được tín hiệu chốt lời trên HOSE và sắc chỉ được lưu giữ nhờ một số mã vốn hóa lớn và bluechips còn tăng điểm.

Đóng cửa, với 76 mã tăng và 66 mã giảm, HNX-Index tăng 0,07 điểm (+0,007%) lên 104,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 27,4 triệu đơn vị, giá trị 393 tỷ đồng, giảm 42% về khối lượng và 43% về giá trị so với phiên 28/11. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn với 7,6 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nhiều mã vốn hóa lớn và bluechips giảm điểm như PVS, SHB, VGC, VC3, HUT, CEO, BVS, DBC, PLC... việc mã vốn hóa lớn nhất ACB giữ được sắc xanh dù nhạt cũng đóng góp tích cực trong việc giữ sắc xanh chung cho HNX-Index. ACB +0,3% lên 29.500 đồng và khớp 3,54 triệu đơn vị.

Các mã VCG +1,1% lên 29.500 đồng, khớp 3,54 triệu đơn vị; DGC +2% lên 51.100 đồng; VCS +0,1% lên 72.800 đồng... góp phần hỗ trợ chỉ số.

PVS -2,1% về 18.800 đồng, khớp lệnh 3,59 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. SHB -1,4% về 7.300 đồng, khớp lệnh 2,689 triệu đơn vị. VGC -0,6% về 16.200 đồng, khớp lệnh 1,23 triệu đơn vị.

ACB, VCG, PVS, SHB và VGC cũng là 5 mã có thanh khoản tốt nhất trên HNX.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, số mã tăng có phần chiếm ưu thế hơn số với số mã giảm. Một số mã thị giá nhỏ tăng trần như KLF, HHG, KDM, KHT, NHP..., ngược lại giảm sàn có VIG, DPS, KVC, SPI...

Trên sàn UPCoM, dù vẫn giữ được sắc xanh cho đến hết phiên nhưng diễn biến cũng khá trồi sụt, nhất là trong phiên chiều khi bắt được tín hiệu suy yếu trên 2 sàn niêm yết. Điểm tích cực là thanh khoản ghi nhận sự cải thiện.

Đóng cửa, với 75 mã tăng và 63 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,26%) lên 52,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,6 triệu đơn vị, giá trị 265 tỷ đồng, tăng 30% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên 28/11.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,96 triệu đơn vị, giá trị 43,45 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận cảu 1,05 triệu cổ phiếu BAB ở giá tham chiếu 20.500 đồng, giá trị 21,53 tỷ đồng. Đây cũng là mức giá đóng của của mã này.

Mã dẫn đầu thanh khoản là POW với 1,21 triệu đơn vị được khớp giảm 1,3% về 14.700 đồng. Một số mã lớn cũng trong tình trạng giảm điểm là BSR (-1,3% về 14.700 đồng); OIL (-1,4% về 13.900 đồng); VEA (-0,5% về 37.900 đồng); VGT (-0,8% về 12.400 đồng), MPC (-3,3% về 44.300 đồng)...

Hai mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị còn lại là HVN và LPB cùng tăng điểm. HVN +2,1% lên 33.600 đồng, LPB +1,1% về 9.400 đồng. Ngoài ra, một số mã lớn cũng có được sắc xanh như VIB (+1,1% lên 19.000 đồng), QNS (+0,2% lên 42.200 đồng), MCH (+2,4% lên 93.500 đồng), MSR (+0,5% lên 20.600 đồng), KLG (+4% lên 10.400 đồng)...

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục