Phiên chiều 29/10: Sức ép gia tăng, VN-Index chia tay mốc 890 điểm

(ĐTCK) Trong khi nhà đầu tư thận trọng hơn sau những phiên "bắt đáy trượt" thì lực bán tiếp tục dâng cao đã đẩy thị trường lùi sâu hơn, chỉ số VN-Index lình xình dưới mốc 890 điểm trong suốt cả phiên chiều, thậm chí có thời điểm chỉ số này lùi về ngưỡng 885 điểm.
Diễn biến HNX-Index phiên 29/10. Nguồn: TVSI Diễn biến HNX-Index phiên 29/10. Nguồn: TVSI

Không nằm ngoài dự báo của giới phân tích, thị trường bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới 29/10 tiếp tục đỏ lửa trước áp lực bán thường trực trong khi tâm lý bên mua càng thận trọng hơn sau chuỗi 7 phiên liên tiếp giảm sâu. Mặc dù VN-Index có bật lên khi tiệm cận vùng đáy cũ 890 điểm nhưng sức bật khá kém khiến chỉ số này vẫn để mất tới gần 8 điểm.

Điều đáng nói trong phiên sáng nay là thanh khoản. Sau những lần “bắt đáy trượt”, nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khiến thanh khoản thị trường sụt giảm nghiệm trọng. Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn trong phiên sáng chưa đạt được 1.800 tỷ đồng.

Sau diễn biến giao dịch lình xình trong phiên sáng, bước vào phiên chiều, áp lực bán tiếp tục dâng cao khiến VN-Index nhanh chóng lùi sâu. Chỉ chưa đầy 15 phút giao dịch, chỉ số này đã bị đẩy về mốc 885 điểm.

Và kịch bản cũng giống phiên sáng, ngay khi chạm ngưỡng điểm trên, lực cầu gia tăng đã giúp đà giảm được thu hẹp. Tuy nhiên, áp lực bán thường trực kiến VN-Index giao dịch lình xình dưới mốc 890 điểm trong suốt thời gian còn lại.

Đóng cửa, sàn HOSE có 109 mã tăng và 178 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 12 điểm (-1,33%) xuống 888,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 140 triệu đơn vị, giá trị 3.211,69 tỷ đồng, giảm 11% về lượng và đạt giá trị xấp xỉ phiên cuối tuần trước ngày 26/10.

Giao dịch thỏa thuận đã đóng góp 26,57 triệu đơn vị, giá trị hơn 761 tỷ đồng. Trong đó, NVL thỏa thuận 1,74 triệu đơn vị, giá trị 126,52 tỷ đồng; TCB thỏa thuận 6,67 triệu đơn vị, giá trị gần 180 tỷ đồng.

Tương tự, diễn biến trên sàn HNX cũng có phần tiêu cực hơn,. Lực bán tăng mạnh khiến HNX-Index có thời điểm bị đẩy về mốc 100 điểm. Kết phiên, HNX-Index giảm 0,66 điểm (-0,65%) xuống 101,13 điểm với 38 mã tăng và 70 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,28 triệu đơn vị, giá trị 386,95 tỷ đồng, giảm 14% về lượng và 1,22% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận chỉ có thêm hơn 5 tỷ đồng.

Top 10 mã vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE chia làm 2 thái cực. Trong khi VIC, SAB thu hẹp đà tăng, MSN đã lấy lại mốc tham chiếu sau khi để mất điểm ở phiên sáng; còn lại hầu hết đều nới rộng đà giảm.

Cụ thể, GAS giảm 4,7% xuống 97.000 đồng/CP, VNM giảm 1,2% xuống 120.000 đồng/CP, VHM giảm 4,i9% xuống 61.800 đồng/CP, các mã ngân hàng như VCB giảm 1,1% xuống 52.900 đồng/CP, BID giảm 5,6% xuống 28.900 đồng/CP, CTG giảm 1,8% xuống 22.100 đồng/CP, TCB giảm 0,6% xuống 25.700 đồng/CP.

Ngoài ra, nhiều mã khác trong nhóm VN30 cũng có mức giảm khá sâu như MWG, NVL, PNJ, CTD, DHG.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền với STB đứng thứ 2 về thanh khoản sau FLC với khối lượng khớp hơn 5,7 triệu đơn vị; tiếp đó là VPB khớp 5,38 triệu đơn vị; các mã còn lại MBB, CTG, BID, HDB, VCB cũng đều khớp một vài triệu đơn vị.

Cổ phiếu FLC vẫn dẫn đầu thanh khoản với 5,73 triệu đơn vị nhưng áp lực bán gia tăng trong phiên chiều khiến cổ phiếu này đảo chiều giảm 0,4% xuống 5.000 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sau khi tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên lần 2 và việc Ban lãnh đạo đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm xóa các khoản lỗ thông qua tiến trình tái cấu trúc là yếu tố tiên quyết để lấy lại niềm tin nơi cổ đông và mục tiêu đưa giá cổ phiếu trở lại ngưỡng trên 15.000 đồng/CP, cổ phiếu JVC đã có phiên giao dịch khởi sắc. Đóng cửa, JVC tăng 6,9% lên mức giá trần 2.800 đồng/Cp với khối lượng khớp 95.830 đơn vị và dư mua trần 875.860 đơn vị.

Trên sàn HNX, các mã tác động xấu tới thị trường như ACB giảm sâu hơn với mức giảm gần 1,1% xuống 28.000 đồng/Cp, SHB giảm 1,3% xuống 7.500 đồng/CP, VCS giảm 2,3% xuống 72.200 đồng/CP, VCG giảm 4,3% xuống đồng/CP.

Các cổ phiếu dầu khí cũng kém phần tích cực so với phiên sáng với PGS quay đầu giảm khá sâu 3,3% xuống mức thấp nhất ngày 29.000 đồng/CP, PLC giảm 1,7% xuống 17.200 đồng, PVI giảm 0,9% xuống 31.700 đồng/CP.

Tuy nhiên, PVS vẫn duy trì đà tăng khá tốt nhờ lực cầu sôi động. Với mức tăng 1,6%, PVS đóng cửa tại mức giá 19.100 đồng/CPv à khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn HNX đạt hơn 5 triệu đơn vị. Tiếp theo đó là cặp đôi cổ phiếu ngân hàng SHB và ACB với khối lượng khớp lần lượt 4,18 triệu đơn vị và gần 4 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, sắc đỏ bao trùm trong suốt cả phiên chiều. Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,37%) xuống 50,94 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,4 triệu đơn vị, giá trị 158,17 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,71 triệu đơn vị, giá trị 165,56 tỷ đồng.

Hầu hết các mã trong top 10 vốn hóa lớn trên sàn đều giao dịch trong sắc đỏ như ACV, MCH, BSR, HVN, VEA, VGI, POW, BCM.

Cổ phiếu CMW vẫn dẫn đầu thanh khoản với 2,84 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Tiếp đó là BSR với 1,22 triệu đơn vị được giao dịch và kết phiên tiếp tục lùi sâu dưới mốc tham chiếu do lực bán tăng, với mức giảm 2,5% xuống 15.600 đồng/CP.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục