Phiên chiều 28/6: Nhận tin tốt, VN-Index bật tăng mạnh trở lại

(ĐTCK) Thông tin kinh tế vĩ mô vừa công bố tích cực giúp nhà đầu tư hứng khởi mạnh dạn xuống tiền, qua đó kéo VN-Index tăng mạnh trở lại trong phiên chiều, đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Phiên chiều 28/6: Nhận tin tốt, VN-Index bật tăng mạnh trở lại

Sau phiên lao dốc ngày hôm qua, thị trường đã bình phục trở lại nhờ lực cung giá thấp được tiết chế, tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng cao độ khiến thị trường thiếu động lực để bật cao. Nỗ lực giữ sắc xanh được kéo dài trong hơn 2/3 thời gian giao dịch của phiên sáng thì thị trường bất ngờ gặp lực cản do áp lực bán gia tăng khiến VN-Index “trượt chân” lùi về dưới mốc tham chiếu.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô được công bố, lực cầu đã nhanh chóng quay lại tiếp sức thị trường. Sau hơn 30 phút rung lắc và tiếp cận mốc tham chiếu, dòng tiền chảy mạnh và lan tỏa thị trường, đã giúp chỉ số VN-Index tăng vọt lên mức cao nhất ngày, tiến sát ngưỡng 950 điểm.

Cụ thể, theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2019 ước tính tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tăng trưởng quý II các năm từ 2011-2017. 

GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%. Con số này tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng vẫn cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011 - 2017.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã giảm 0,09% so với tháng trước, góp phần kiểm soát CPI bình quân 6 tháng chỉ tăng 2,64%.

Trở lại với thị trường chứng khoán, trong khi hầu hết các cổ phiếu trong nhóm bluechip với 25 mã trong nhóm VN30 khởi sắc, thì tâm điểm thị trường trong phiên sáng là GAS lại bất ngờ đảo chiều giảm nhẹ do áp lực bán gia tăng. Kết phiên, GAS -0,5% xuống 97.500 đồng.

Đáng kể là sự lao dốc mạnh của cổ phiếu CTG. Bên cạnh áp lực bán trong nước, khối ngoại cũng ồ ạt bán ra với gần 1,47 triệu cổ phiếu bị bán ròng, khiến CTG giảm tới 5,6% xuống mức giá thấp nhất ngày 19.500 đồng/CP, đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này.

Ngoài ra, VNM cũng chưa hồi phục thành công, cùng ROS tiếp tục giảm nhẹ. Tuy nhiên, ROS vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn HOSE với khối lượng khớp lệnh 8,16 triệu đơn vị.

Trái lại, các mã bluechip khác giao dịch khá tích cực, đáng kể, VHM +2,3% lên 79.300 đồng/CP, VCB +1,4% lên 70.500 đồng/CP, HPG +4,2% lên 23.500 đồng/CP, MSN +1,2% lên 83.000 đồng/CP, MWG +2% lên 92.800 đồng/CP, SAB +1,1% lên 275.000 đồng/CP, VJC +2,8% lên 128.000 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều mã đã giao dịch khởi sắc trở lại như HAG, PVD, DLG, HSG, HNG…

Đáng chú ý, thông tin Nafoods được một thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới – IFC tài trợ 8 triệu USD để nâng cao hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao công suất chế chiến trái cây, mở rộng thị trường xuất khẩu…, đã giúp cổ phiếu NAF tăng vọt trong phiên hôm nay. Kết phiên, NAF tăng 6,1% lên sát mức giá trần và cũng là mức giá cao nhất ngày 19.100 đồng/CP.

Đóng cửa phiên 28/6, sàn HOSE có 185 mã tăng và 111 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 6,83 điểm (+0,72%) lên 949,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 182,63 triệu đơn vị, giá trị 4.565,25 tỷ đồng, tăng 14,84% về lượng và gần 30% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 60,49 triệu đơn vị, giá trị 1.862,29 tỷ đồng, trong đó EIB thỏa thuận 12,92 triệu đơn vị, giá trị 255,95 tỷ đồng; GEX thỏa thuận 9,74 triệu đơn vị, giá trị 216,73 tỷ đồng; TCB thỏa thuận hơn 12,2 triệu đơn vị, giá trị 244,38 tỷ đồng; VHM thỏa thuận 4,75 triệu đơn vị, giá trị 370,72 tỷ đồng; VJC thỏa thuận 1,4 triệu đơn vị, giá trị 178,22 tỷ đồng…

Trên sàn HNX, sau hơn 1 giờ nỗ lực đi lên, thị trường đã thành công nhờ lực đỡ đến từ nhóm cổ phiếu bluechip. Chỉ số HNX-Index được kéo lên mức cao nhất ngày.

Kết phiên, HNX-Index tăng 0,55 điểm (+0,53%) lên 103,51 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 20,69 triệu đơn vị, giá trị 283,14 tỷ đồng, giảm 35% về lượng và 26,97% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 26,75 triệu đơn vị, giá trị 140,94 tỷ đồng, trong đó riêng SHB thỏa thuận 14,36 triệu đơn vị, giá trị 97,63 tỷ đồng.

Lực đỡ thị trường đến từ một số mã như ACB +1% lên 28.900 đồng/CP, DBC +4,7% lên 24.600 đồng/CP, MAS +4% lên 47.000 đồng/CP, MBS +3,5% lên 14.800 đồng/CP…

Đáng chú ý, không nằm ngoài nhận định của BSC khi dự báo TNG sẽ tiếp tục xu hướng bứt phá ngắn hạn và tiếp tục xu hướng tăng trong trung hạn, cổ phiếu này đã có phiên giao dịch khởi sắc. Kết phiên, TNG +7,5% lên 21.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 2,12 triệu đơn vị, đứng thứ 3 về thanh khoản trên sàn HNX.

Trong khi đó, SHB vẫn dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh đạt 3,87 triệu đơn vị và đóng cửa tại mốc tham chiếu 6.800 đồng/CP, tiếp theo là PVS khớp 2,62 triệu đơn vị và kết phiên tăng 0,88% lên 23.000 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều khởi sắc trong ít phút cuối phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (+0,98%) lên 55,65 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 12,66 triệu đơn vị, giá trị 201,79 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 6 triệu đơn vị, giá trị gần 50 tỷ đồng.

Tâm điểm đáng chú ý là ACV khi bất ngờ bật tăng mạnh nhờ lực cầu nội và ngoại gia tăng. Kết phiên, ACV +14,4% lên sát mức giá trần và đây cũng là mức cao nhất ngày 97.000 đồng/CP.

Cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường là BSR với khối lượng đạt 1,49 triệu đơn vị và kết phiên tăng 3,2% lên 12.900 đồng/CP.

Trên thị trường chứng quyền, trong 10 chứng quyền khai trương giao dịch hôm nay, có 3 chứng quyền kết phiên giảm và 7 chứng quyền tăng.

Trong đó, CFPT1901 vẫn là chứng quyền giao dịch sôi động nhất đạt 831.440 chứng quyền được khớp lệnh và đóng cửa tại mức giá 2.700 đồng/CQ. Trái lại, CHPG1903 kém hấp dẫn hơn với khối lượng khớp lệnh đạt thất nhất 37.350 đơn vị và kết phiên giảm 0,3%, đứng tại mức giá 1.200 đồng/CQ.

Còn ở thị trường phái sinh, tất cả 4 hợp đồng đều đóng cửa trong sắc xanh, trong đó hợp đồng VN30F1907 đáo hạn vào ngày 18/7 có giao dịch sôi động nhất với 134.483 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở là 24.620 hợp đồng.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục