Phiên chiều 28/5: “Bổ nhào” cuối phiên

(ĐTCK) Một số bluechips được kéo tăng giúp VN-Index dần hồi phục và khi mọi người đang nghĩ tới phiên hồi phục tiếp theo của thị trường thì bất ngờ lực cung gia tăng trong đợt ATC khiến VN-Index "bổ nhào".
Phiên chiều 28/5: “Bổ nhào” cuối phiên

Mở cửa phiên sáng nay, dư âm từ phiên tăng khá tích cực trước đó giúp VN-Index tiếp tục tăng. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì được lâu khi áp lực bán gia tăng và chỉ số lùi trở lại qua tham chiếu. Điểm tích cực là áp lực bán không quá mạnh và cầu đỡ giá được duy trì nên VN-Index không giảm sâu.

Vào phiên chiều, ngay sau khi bị đẩy lùi khỏi mốc 970 điểm, cầu mua bất ngờ tăng mạnh và tập trung tại một số mã lớn giúp VN-Index leo một mạch qua tham chiếu hương lên mốc 980 điểm. Những tưởng VN-Index sẽ duy trì được đà tăng này thì trong đợt khớp lệnh ATC, lực xả bất ngờ tăng mạnh khiến VN-Index rơi thẳng trở lại qua tham chiếu.

Đóng cửa, với 147 mã tăng và 145 mã giảm, VN-Index giảm 3,14 điểm (-0,32%) về 972 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 148,99 triệu đơn vị, giá trị 3.467,16 tỷ đồng, tăng 7,6% về lượng và tương đương về giá trị so với phiên 27/5.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,26 triệu đơn vị, giá trị hơn 694 tỷ đồng, với một số thỏa thuận đáng chú ý như  2,5 triệu cổ phiếu VSH, giá trị 49 tỷ đồng; 8,2 triệu cổ phiếu EIB, giá trị hơn 158 tỷ đồng…

Áp lực bán mạnh khiến 20 mã trong rổ VN30 giảm điểm, trong đó có 8 mã vốn hóa lớn nhất sàn là VNM (-1,5% về 132.000 đồng), SAB (-1,9% về 87.000 đồng), VHM (-1,1% về 83.500 đồng), MSN (-1,6% về 87.000 đồng), VRE (-1,8% về 34.600 đồng), VIC (-0,9% về 114.000 đồng), BID (-0,9% về 32.300 đồng)...

Ngược lại, một số mã khác tăng mạnh để hỗ trợ chỉ số như PLX (+2,1% lên 67.400 đồng), VJC (+3,7% lên 125.000 đồng), HVN (+3,7% lên 45.000 đồng)...

Đáng chú ý, POW phiên này giao dịch sôi động khi khớp lệnh tăng mạnh với 5,2 triệu đơn vị và khối ngoại mua rong mạnh nhất sàn với gần 1,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,3% lên 16.000 đồng và là phiên tăng thứ 5 liên tiếp.

Về thanh khoản, nhóm VN30 giao dịch phiên này khá chậm. ROS có thanh khoản cao nhất ở mức 5,4 triệu đơn vị, trong khi chỉ có thêm 11 mã thanh khoản từ 1-2,8 triệu đơn vị và đa phần giảm điểm. ROS đóng cửa đứng giá 30.400 đồng.

Dòng tiền phiên này không còn tập trung nhiều tại các bluechips mà phần nào chuyển sang các midcap, giúp nhiều mã trong nhóm này tăng khá tích cực cả về thanh khoản lẫn điểm số như AAA, PVD, KBC, NBB, HBC, GEX, PHR, TNI, SZC, GTN...

Trên sàn HNX, diễn biến tuy không bất ngờ như HOSE, nhưng cũng co giật khá mạnh và giảm trở lại trong cuối phiên. Thanh khoản tiếp tục cải thiện.

Đóng cửa, với 62 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index giảm 0,13 điểm (-0,12%) xuống 104,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,2 triệu đơn vị, giá trị 371 tỷ đồng, tăng 46% về lượng và 51% về giá trị so với phiên 27/5.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể với 6,59 triệu đơn vị, giá trị 59,5 tỷ đồng chủ yếu đến từ 4,965 triệu cổ phiếu VGS ở mức giá sàn 8.600 đồng, giá trị 42,7 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí tiếp tục là bệ đỡ cho sàn HNX, trong đó PVS +1,2% lên 24.400 đồng, khớp lệnh 2,5 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn này; PVB +1% lên 19.400 đồng... Bên cạnh đó, các mã VCS, NVB, NTP... cũng tăng để hỗ trợ chỉ số.

Dẫn đầu sàn về thanh khoản là SHB với 2,75 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng đứng giá 7.100 đồng. Trong khi ACB, VCG, PVI, GDC... giảm điểm.

Ngoài SHB và PVS, thanh khoản cao cũng chỉ có thêm HUT TNG và TIG với lượng khớp từ 1,1 - 1,8 triệu đơn vị, trong đó TIG tăng trần lên 3.700 đồng.

Trên UPCoM, mặc dù thanh khoản tăng vọt và nhiều mã lớn tăng điểm, nhưng chỉ số sàn này vẫn chìm trong sắc đỏ trong cả phiên chiều.

Đóng cửa, với 91 mã tăng và 82 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,22%) xuống 55,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,02 triệu đơn vị, giá trị 636 tỷ đồng, tăng 192% về lượng và 421% về giá trị so với phiên 27/5.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chính với 5,43 triệu đơn vị, giá trị 389,4 tỷ đồng chủ yếu đến từ 2,65 triệu cổ phiếu HHA, giá trị gần 350 tỷ đồng.

Cả 4 mã thanh khoản cao nhất với lượng khớp từ 1,02 - 1,99 triệu đơn vị đều tăng điểm, lần lượt là BSR +2,2% lên 13.900 đồng, VGI +6,2% lên 29.200 đồng, GVR +10,4% lên 12.700 đồng và CTR +6,2% lên 29.100 đồng. Thông tin tích cực về giá cao su là một trong những nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu cao su trên cả 3 sàn bật tăng mạnh phiên này.

Nhóm cổ phiếu lớn giảm giá có OIL, MPC, QNS, MSR, SEA, VGG, VOC. Ngược lại, cũng có nhiều mã đã tăng trần trong phiên như ABT, VPC, VRG, TOP, ILA, CMT, BVG, TTN...

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục