Dù thị trường có nhịp điều chỉnh nhẹ giữa phiên, nhưng ngay khi cổ phiếu lớn ngành bia SAB đã tìm thấy “tiếng nói chung” với trụ cột VNM đã giúp VN-Index dần hồi phục và kéo mức cao nhất trong phiên sáng.
Đáng chú ý ở phiên giao dịch sáng nay, khi thị trường đã tìm thấy sự đồng thuận ở một số trụ cột chính như VNM, SAB, VIC, BVH thì các cổ phiếu dầu khí lại đóng vai trò là lực hãm chính của thị trường. Sau những phút đầu phiên tăng nhẹ, cổ phiếu lớn ngành dầu khí là GAS đã quay đầu giảm điểm, hòa cùng sắc đỏ với các mã khác trong nhóm như PVD, PVS, PVC, PVB…
Bước sang phiên giao dịch chiều, gánh nặng ở các cổ phiếu trong nhóm dầu khí tiếp tục gia tăng, thậm chí có thời điểm GAS bị đẩy xuống mức giá sàn khiến VN-Index đón nhận thêm 1 nhịp điều chỉnh sau gần 1 giờ giao dịch.
Tuy nhiên, đà giảm chỉ trong chốc lát, ngay sau đó, GAS bật ngược trở lại, cùng với điểm tựa vững chắc từ các trụ cột còn lại, giúp thị trường nhanh chóng đảo chiều và khởi sắc.
Đóng cửa, sàn HOSE khá cân bằng với 122 mã tăng và 128 mã giảm, chỉ số Vn-Index tăng 1,41 điểm (+0,21%) lên 663,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 160,24 triệu đơn vị, giá trị 3.262,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận tiếp tục có đóng góp lớn với khối lượng đạt 64,65 triệu đơn vị, giá trị 1.277,35 tỷ đồng. Trái phiếu của Anco (ANC) vẫn giao dịch lớn đạt 5,47 triệu đơn vị, giá trị hơn 557 tỷ đồng; EIB thỏa thuận 11,91 triệu đơn vị, giá trị 101,95 tỷ đồng.
VN30-Index tăng 1,73 điểm (+0,28%) lên 623,46 điểm với 15 mã tăng, 14 mã giảm và 1 mã đứng giá.
Trong khi VNM vẫn duy trì đà tăng 2,04% thì SAB lại thu hẹp đà tăng điểm, với mức tăng 0,51%. Việc thu hẹp đà tăng điểm của cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường cũng là một trong những tác nhân khiến VN-Index hạ độ cao.
Bên cạnh đó, GAS dù đã bật ngược ngay khi chạm sàn nhưng lực cầu giá thấp khiến cổ phiếu này không thể thoát khỏi sắc đỏ, hòa cùng với các mã khác trong nhóm dầu khí. Cụ thể, GAS giảm 1,8%, PVD giảm 2,83%.
Tuy nhiên, các mã có vốn hóa lớn khác như VIC, ROS, BVH, MBB, MWG vẫn duy trì đà tăng nhẹ, tiếp tục đóng vai trò giữ nhịp thị trường.
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, HQC là mã có thanh khoản tốt nhất với hơn 7,95 triệu đơn vị, đóng cửa tiếp tục giảm 0,9%, xuống 2.170 đồng. Các mã quen thuộc khác như ITA, FLC, HHS đều có khối lượng khớp hơn 3 triệu đơn vị.
Bên cạnh C32 tạo ấn tượng trong phiên sáng, ở chiều chiều có thêm điểm sáng là SCR. Trái với diễn biến lình xình đi ngang trong phiên sáng, lực cầu hấp thụ mạnh giúp SCR bật cao, với mức tăng 4,8% và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 8.380 đồng/CP, cùng thanh khoản đứng thứ 2 thị trường với 4,18 triệu đơn vị được chuyển nhượng.
OGC vẫn duy trì trạng thái vắng cung. Đóng cửa, OGC giữ sắc tím và đứng tại mức giá 1.240 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 2,38 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, dù một số mã bluechip như HUT, LAS, VCG, VCS đã tìm lại sắc xanh, tuy nhiên, đà tăng chưa đủ lớn để giúp thị trường thoát phiên giảm điểm trước áp lực điều chỉnh khá sâu từ ACB và các cổ phiếu dầu khí.
Đóng cửa, sàn HNX có 58 mã tăng và 82 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,39 điểm (-0,5%) xuống mức 78,85 điểm. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp với tổng khối lượng giao dịch đạt 23,83 triệu đơn vị, giá trị hơn 229 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,49 điểm (-0,34%) xuống mức 141,25 điểm.
Đáng chú ý, DST sau cú rới xuống sàn đã dần hồi phục. Như vậy, sau 2 phiên giảm điểm, DST đã bật tăng 3% và đóng cửa phiên 27/12 tại mức giá 34.000 đồng/CP với giao dịch tích cực đạt 1,18 triệu đơn vị.
KLF tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 2,98 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và cổ phiếu này vẫn đứng giá tham chiếu 2.300 đồng/CP.