Phiên chiều 25/11: Tìm được điểm tựa

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng trong phiên chiều khiến thị trường tiếp tục lùi về vùng 970 điểm. Tuy nhiên, một lần nữa, đây trở thành vùng hỗ trợ mạnh cho VN-Index, giúp chỉ số này hồi trở lại, nhưng không thể có được sắc xanh như phiên sáng.
Phiên chiều 25/11: Tìm được điểm tựa

Trong phiên sáng, dư âm của phiên lao dốc mạnh cuối tuần trước khiến thị trường nhanh chóng quay đầu giảm mạnh xuống sát mốc 970 điểm. Tuy nhiên, tại vùng điểm này, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc, dù còn dè dặt, nhưng đủ sức giúp VN-Index hồi trở lại có được sắc xanh nhạt.

Bước sang phiên giao dịch chiều, áp lực bán gia tăng khiến VN-Index nhanh chóng quay đầu giảm về lại vùng 970 điểm. Tuy nhiên, một lần nữa đây là vùng hỗ trợ đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho VN-Index, nên chỉ số này một lần nữa nảy trở lại, nhưng không may mắn như phiên sáng, VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ.

Đóng cửa, sàn HOSE có 131 mã tăng và 177 mã giảm, VN-Index giảm 1,43 điểm (-0,15%), xuống 976,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 189,32 triệu đơn vị, giá trị 4.098,89 tỷ đồng, giảm 17,82% về lượng và giảm hơn 27% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (22/11). Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 41 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.017 tỷ đồng, trong đó riêng VNM thỏa thuận 6,73 triệu đơn vị, giá trị hơn 820 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa nhẹ, trong khi TCB hồi phục thành công với mức tăng 1,1% lên 23.300 đồng/CP, CTG và MBB nhích nhẹ, thì VCB vẫn tạo sức ép cho thị trường khi -1,2% xuống 84.500 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số mã bluechip cũng đã khởi sắc sau phiên mất điểm cuối tuần trước như MSN +1,4% lên 71.500 đồng/CP, PLX +1% lên 59.000 đồng/CP, BVH +1,7% lên 72.100 đồng/CP, FPT +1,7% lên 56.600 đồng/CP…

Tuy nhiên, chưa đủ sức để giúp thị trường hồi phục trước sức ép đến từ các mã lớn khác như VRE -2,9% xuống 33.800 đồng/CP, BID -1,2% xuống 39.700 đồng/CP, VHM -0,3% xuống 93.200 đồng/CP, VIC -0,2% xuống 116.000 đồng/CP, SAB -0,9% xuống 233.000 đồng/CP…

ROS tiếp tục điều chỉnh nhẹ khi -0,2% xuống 24.900 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 33,17 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, đáng chú ý là FLC tiếp tục bị bán mạnh sau phiên tăng nhẹ cuối tuần trước. Biên độ giảm nới rộng trong phiên chiều đã đẩy FLC xuống mức giá thấp nhất ngày 4.450 đồng/CP, giảm 3,1% và khối lượng khớp hơn 8 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau ROS.

Trong khi đó, TSC và TTB vẫn chưa thể hồi phục và tiếp tục kết phiên tại mức giá sàn.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng trong phiên chiều đã đẩy HNX-Index xuống dưới mốc tham chiếu trước khi bật ngược hồi phục trở lại.

Đóng cửa, sàn HNX có 31 mã tăng và 40 mã giảm, HNX-Index tăng 0,38 điểm (+0,37%), lên 103,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 20,55 triệu đơn vị, giá trị 241,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,37 triệu đơn vị, giá trị 106,92 tỷ đồng.

Một số mã hỗ trợ giúp thị trường giữ nhịp tăng như ACB +0,9% lên 23.400 đồng/CP, PVI +1,3% lên 31.800 đồng/CP, MBS +6,1% lên 15.600 đồng/CP, NTP +0,3% lên 31.800 đồng/CP…

Trong khi đó, VCS -0,8% xuống 83.300 đồng/CP, PVS -1,7% xuống 17.700 đồng/CP, PVB -1% xuống 19.000 đồng/CP, CEO -1,1% xuống 9.200 đồng/CP, DGC, BVS… cũng giảm nhẹ.

Dẫn đầu thanh khoản thị trường là bộ 3 cổ phiếu ngân hàng, trong đó NVB và SHB đứng giá tham chiếu và lần lượt khớp hơn 3 triệu đơn vị và 2,1 triệu đơn vị, còn ACB khớp 1,95 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, đà giảm nhẹ duy trì trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,62%), xuống 56,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 81,86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,9 triệu đơn vị, giá trị gần 100 tỷ đồng.

Dẫn đầu thanh khoản trên thị trường UPCoM vẫn là BSR với hơn 1,3 triệu đơn vị được giao dịch thành công và kết phiên -1% xuống 9.600 đồng/CP.

Tiếp theo đó, GVR -2,1% xuống 13.700 đồng/CP và khớp 363.900 đơn vị, VGI -3,4% xuống 28.000 đồng/CP và khớp 281.600 đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tăng. Trong đó, hợp đồng VN30F1911 đáo hạn tăng 0,16% lên 902,9 điểm với gần 94.800 hợp đồng được chuyển nhượng với khối lượng mở gần 12.400 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, có 18 mã giảm, 15 mã tăng  và 6 mã đứng giá. Trong đó, CHPG1902 đứng giá tham chiếu và có thanh khoản tốt nhất với hơn 74.330 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục