Phiên chiều 25/10: VN-Index tiến gần hơn tới mốc 1.000

(ĐTCK) Bên cạnh CTG và VNM duy trì đà tăng tốt, cổ phiếu lớn ngành ngân hàng là VCB tiếp tục xác lập đỉnh lịch sử mới đã giúp VN-Index nới rộng biên độ và tiến gần hơn tới ngưỡng kháng cự tâm lý mạnh 1.000 điểm.

Thị trường đang bước vào vùng thử thách khó khăn 995-1.000 điểm khiến thị trường liên tiếp đón nhận những nhịp rung lắc trong nửa đầu phiên sáng. Tuy nhiên, lực cầu gia tăng về cuối phiên đã giúp VN-Index nới rộng biên độ và thử thách thành công mốc kháng cự 995 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, việc quay đầu của nhiều mã bluechip đã đẩy VN-Index về sát mốc tham chiếu. Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng bật ngược trở lại nhờ sự hồi phục và nới rộng biên độ tăng của một số mã lớn. Dẫu vậy, VN-Index vẫn chưa chinh phục lại đỉnh gần nhất do dòng tiền tham gia vẫn còn khá hạn chế.

Đóng cửa, sàn HOSE có 163 mã tăng và 170 mã giảm, VN-Index tăng 2,97 điểm (+0,59%), lên 996,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 173,49 triệu đơn vị, giá trị 3.723,41 tỷ đồng, tăng 8,43% về khối lượng và tăng nhẹ 1,63% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 36,79 triệu đơn vị, giá trị 945,11 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, bên cạnh CTG tiếp tục nới rộng biên độ và kết phiên tại mức giá cao nhất ngày 22.000 đồng/CP, tăng 2,3%, thì cổ phiếu đầu ngành là VCB xác lập đỉnh lịch sử mới khi tăng 1,3% lên mức 88.000 đồng/CP. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VCB đã tăng 64,49%.

Một trong những điểm tựa đóng vai trò quan trọng giúp thị trường khởi sắc là “ông lớn” VNM. Kết phiên, VNM đã tăng 1,4% lên mức giá cao nhất ngày 134.500 đồng/CP. Ngoài ra, một số mã khác cũng có mức tăng trên dưới 1% như SAB, GAS, MBB, BVH…

Trái lại, VHM tiếp tục điều chỉnh nhẹ 0,1% xuống 86.000 đồng/CP, còn MSN nới rộng biên độ giảm 1,3% xuống 74.600 đồng/CP, các mã BID, VRE, NVL, STB cũng điều chỉnh trong biên độ hẹp trên dưới 0,5%.

Đáng chú ý, ROS vẫn duy trì thanh khoản vượt trội với gần 26,12 triệu đơn vị được khớp lệnh và đã đảo chiều thành công với mức tăng 1,2%, đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 25.600 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC có phiên tăng nhẹ thứ 2 với mức tăng 1,86% và kết phiên tại 4.390 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đứng thứ 2 thị trường với hơn 8,44 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công. Ngoài ra, ASM, HSG, OGC, ITA… rung lắc và cũng đã hồi nhẹ khi kết phiên.

Trong khi đó, GTN đảo chiều sau phiên tăng vọt hôm qua, với mức giảm 1,9% xuống 20.400 đồng/CP.

Cặp đôi JVC và FTM đã không cùng “chung lối” khi JVC tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp, còn FTM đã lấy lại sắc tím sau 2 phiên nằm sàn.

Trên sàn HNX, diễn biến phiên giao dịch chiều vẫn khá ảm đạm, tuy nhiên HNX-Index đã lấy lại sắc xanh nhạt về cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 43 mã tăng và 37 mã giảm, HNX-Index tăng 0,07 điểm (+0,07%), lên 104,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,89 triệu đơn vị, giá trị 252,95 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 58,82 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng giao dịch không mấy tích cực, trong khi ACB vẫn đứng giá tham chiếu thì SHB đảo chiều giảm % xuống 6.500 đồng/CP, còn NVB giảm % xuống 9.000 đồng/CP.

Tuy nhiên, cả 3 mã trên đều nằm trong top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn, với SHB khớp 2,14 triệu đơn vị, NVB khớp 1,84 triệu đơn vị và ACB khớp hơn 1,1 triệu đơn vị.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn, PVS vẫn duy trì đà tăng khá tốt, hỗ trợ cho đà tăng của thị trường khi kết phiên tại mức giá 18.800 đồng/CP, tăng 2,7% và thanh khoản dẫn đầu sàn HNX, đạt 2,86 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, đà giảm duy trì trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,34%), xuống 56,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,8 triệu đơn vị, giá trị 163,71 điểm. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,83 triệu đơn vị, giá trị 63,84 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn giao dịch phân hóa trong biên độ hẹp, trong đó, ACB, QNS, VOC, MSR, VTP… đều giảm nhẹ, còn OIL, MCH, BCM, VGI, VGT khởi sắc.

Đáng kể, BSR giao dịch khá sôi động với hơn 4,68 triệu đơn vị được giao dịch thành công và kết phiên tại mức giá 9.900 đồng/CP, tăng 3,1%.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là GVR với hơn 1 triệu đơn vị được giao dịch thành công và đóng cửa tại mức giá 14.500 đồng/CP, tăng 2,1%.

Trên thị trường phái sinh, có 2 mã tăng, 1 mã giảm và 1 mã đứng giá,  và vẫn như thường lệ, hợp đồng đáo hạn gần nhất là VN30F1911 được giao dịch lớn nhất với 48.735 hợp đồng và đóng cửa nhích nhẹ lên 925,9 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, có 22 mã giảm, 14 mã tăng và 1 mã đứng giá, trong đó, CFPT1906 dẫn đầu thanh khoản với 48.267 đơn vị được giao dịch thành công và đóng cửa tăng hơn 4% lên 1.810 đồng/CQ.

Tiếp theo đó, CVRE1901 khớp lệnh 42.785 đơn vị và đóng cửa giảm 26,67% xuống 220 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục