Vượt qua mốc 990 điểm, thị trường đã bước vào thử thách ngưỡng 995 điểm. Tuy nhiên, không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, vùng 900-1.000 điểm sẽ khiến thị trường rung lắc hơn. Áp lực bán đã nhen nhóm trong nửa cuối phiên sáng khiến VN-Index không giữ nổi sắc xanh và quay đầu giảm điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, lực bán không quá lớn nhưng vẫn tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường chưa thể hồi phục. Chỉ số VN-Index lình xình dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên.
Đóng cửa, với 130 mã tăng và 184 mã giảm, VN-Index giảm 1,05 điểm (-0,11%) xuống 988,41 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 169,64 triệu đơn vị, giá trị 4.243,57 tỷ đồng, giảm 8,22% về khối lượng và 9,73% về giá trị so với phiên 23/7.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp tích cực với hơn 36,83 triệu đơn vị, giá trị 1.202,87 tỷ đồng. Trong đó, riêng ROS thỏa thuận 7,44 triệu đơn vị, giá trị 219,48 tỷ đồng; VJC thỏa thuận 1 triệu đơn vị, giá trị 136 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ, đáng kể VCB sau chuỗi ngày “lên đỉnh”, đã chịu áp lực chốt lời mạnh và quay đầu giảm 2,5%, kết phiên tại mức giá 76.900 đồng/CP; BID cũng lùi sâu hơn khi giảm 2,3% về mức 34.450 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các mã bluechip khác như GAS, HPG, MWG… cũng gia thêm gánh nặng cho thị trường.
Trong nhóm VN30 có tới 18 mã giảm và chỉ 8 mã tăng, trong đó VIC vẫn là tâm điểm khi tiếp tục nới rộng biên độ với mức tăng 1,8% và xác lập mức đỉnh mới 122.000 đồng/CP.
Ngoài ra, MSN cũng tiến bước khi tăng 1,4% và đóng cửa tại mức giá 80.700 đồng/CP. Tuy nhiên cặp đôi lớn VIC và MSN chưa đủ sức để cứu thị trường thoát được phiên giảm điểm.
Mặc dù trong gần suốt cả phiên đều giao dịch trong sắc đỏ nhưng ROS đã may mắn lấy lại thăng bằng khi kết phiên tại mốc tham chiếu 28.000 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với 11,19 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu DLG đứng đầu thanh khoản với 4,54 triệu đơn vị được khớp lệnh và đóng cửa tăng nhẹ 0,7% lên 1.460 đồng/CP; trong khi đó, FLC giảm nhẹ 0,7% xuống 4.140 đồng/CP và khớp hơn 4 triệu đơn vị.
Tương tự, trên sàn HNX, diễn rung lắc và phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip khiến HNX-Index giao dịch dưới mệnh giá trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, với 35 mã tăng và 54 mã giảm, HNX-Index giảm 0,27 điểm (-0,25%) về 106,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,37 triệu đơn vị, giá trị 425,1 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,34% về khối lượng và 2,19% về giá trị so với phiên 23/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,63 triệu đơn vị, giá trị 55,47 tỷ đồng.
Một số mã bluechip là tác nhân chính khiến thị trường suy giảm như ACB giảm 0,3% xuống 30.700 đồng/CP, BVS giảm 0,9% xuống 11.200 đồng/CP, DGC giảm 1,8% xuống 32.200 đồng/CP, SHS giảm 3,1% xuống 9.300 đồng/CP, SLS giảm 3,2% xuống 39.000 đồng/CP, VCG giảm 0,4% xuống 26.300 đồng/CP…
Trái lại, VCS, PVS chỉ nhích nhẹ, PVI tăng 1,4% lên 37.400 đồng/CP, L14 tăng 3,1% lên 57.200 đồng/CP, DHT tăng 1,6% lên 37.600 đồng/Cp, DTD tăng 4,7% lên 15.600 đồng/CP.
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm SHB khớp 6,61 triệu đơn vị, ACB khớp lệnh 3,96 triệu đơn vị, PVX khớp hơn 2,9 triệu đơn vị, PVS khớp 1,96 triệu đơn vị, TNG khớp 1,12 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, diễn biến tích cực hơn trong phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,77 điểm (+1,31%) lên 59,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,13 triệu đơn vị, giá trị 267,81 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,24 triệu đơn vị, giá trị 154,26 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn tăng khá tốt như ACV tăng 1,4% lên 82.300 đồng/CP, GVR tăng 4,9% lên 15.000 đồng/CP, VGI tăng 4,8% lên 30.700 đồng/CP, BCM tăng 2,1% lên 28.900 đồng/CP, VEA tăng 0,3% lên 62.000 đồng/CP…
Trong đó, GVR dẫn đầu thanh khoản với 4,42 triệu đơn vị được giao dịch thành công. Tiếp theo đó là BSR với hơn 2,2 triệu cổ phiếu được giao dịch, VGI với hơn 1,3 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 3 hợp đồng trái phiếu chính phủ đều không có hợp đồng nào được giao dịch ở phiên này.
Ngược lại, hợp đồng phái sinh VN30 giao dịch khá tích cực, nhất là mã VN30F1908 đáo hạn ngày 15/8 với 103.712 đơn vị, khối lượng mở 21.218 đơn vị. Trong đó, có 2 hợp đồng phái sinh VN30 tăng điểm và 2 hợp đồng giảm điểm, với mức biến động không quá lớn.
Trên thị trường chứng quyền, có 2 chứng quyền tăng, 11 chứng quyền giảm và 3 đứng giá. Về thanh khoản, CVNM1901 dẫn đầu với 32.872 đơn vị được giao dịch thành công, tiếp đến là CMBB19011 với 26.231 đơn vị.