Phiên chiều 24/4: HNX-Index "co giật" cuối phiên, 2 sàn trái chiều

(ĐTCK) Cả 2 chỉ số đã chịu không ít rung lắc trong phiên giao dịch chiều, trong khi VN-Index giữ được sắc xanh, thì HNX-Index lại kết phiên trong sắc đỏ bởi lực bán gia tăng trong những phút cuối.
Phiên chiều 24/4: HNX-Index "co giật" cuối phiên, 2 sàn trái chiều

Thị trường phiên sáng nay nhìn chung vẫn trong tình trạng ảm đạm bởi tâm lý nghỉ ngơi tiếp tục chi phối. Thị trường chỉ sôi động hơn đôi chút trước thời gian nghỉ trưa khi lực cầu bất ngờ gia tăng.

Bước vào phiên giao dịch chiều, dư âm tích cực ở cuối phiên sáng tiếp tục được duy trì. Cầu mua không mạnh nhưng cũng đủ sức đẩy VN-Index nhanh chóng vượt qua mốc 565 điểm và từ từ tiến đến mốc điểm cao hơn. Áp lực cung ở mức giá cao cũng bắt đầu xuất hiện khiến chỉ số yếu đà. Tuy nhiên, áp lực là không cao nên VN-Index vẫn giữ được mốc 565 điểm cho đến hết phiên.

Với HNX, diễn biến có phần kịch tính hơn so với HOSE. Trong nửa đầu phiên chiều, HNX-Index cũng dần tiến sát mốc 83 điểm trong sự rung lắc, sau đó diễn biến lình xình. Có thời điểm, chỉ số co giật, rơi thẳng một mạch qua tham chiếu, rồi lại bật ngay lập tức trở lại sát mốc ban đầu. Tuy nhiên, khi áp lực bán thật sự tăng ở cuối phiên, HNX-Index đã không trụ nổi và rơi trở lại xuống dưới mốc tham chiếu.

Hoạt động giao dịch thị trường vẫn giữ trạng thái trầm lặng nên thanh khoản không có sự cải thiện. Tổng giá giao dịch trên 2 sàn chỉ hơn 1.800 tỷ đồng.

Đóng cửa, với 119 mã tăng và 85 mã giảm, VN-Index tăng 4,52 điểm (+0,81%) lên 565,72 điểm, với tổng giá trị giao dịch đạt 60,68 triệu đơn vị, giá trị 1.320,59 tỷ đồng.

Còn với 100 mã tăng và 87 mã giảm, HNX-Index lại giảm 0,07 điểm (-0,08%) xuống 82,58 điểm, với tổng khối lượng giao dịch đạt 43,3 triệu đơn vị, giá trị 544,15 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận trong phiên chiều nay không mạnh như ở phiên sáng. Đáng chú ý chỉ có thêm thỏa thuận 1,11 triệu cổ phiếu VNE trị giá gần 16 tỷ đồng trên HOSE.

Ở phiên hôm qua, nhóm cổ phiếu bluechip là lực cản chính của thị trường, thì trong phiên này đã trở thành bệ đỡ giúp VN-Index giữ vững mốc 565 điểm, cũng như giúp HNX-Index không lùi sâu.

Chỉ số VN30-Index tăng 3,39 điểm (+0,57%) lên 596,1 điểm với 12 mã tăng và 9 mã giảm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,61 điểm (+0,39%) lên 157,81 điểm với 11 mã tăng và 7 mã giảm.

Áp lực bán tăng khiến CII nới rộng mức giảm lên 400 đồng, xuống 21.100 đồng. Thanh khoản vẫn dẫn đầu sàn HOSE với 5,4 triệu đơn vị được khớp. Sắc đỏ trong nhóm VN30 cũng nhiều hơn với VSH, SSI, KDC, HVG, HSG, BVH, nhưng các mã này cũng chỉ giảm 100 đồng. HAG đứng mốc tham chiếu và khớp được 1,7 triệu đơn vị.

Trong khi đó, sắc xanh vẫn khá ổn định ở nhiều mã bluechips. VNM tăng 1.000 đồng, MSN tăng 500 đồng, HCM tăng 500 đồng, CSM tăng 400 đồng...

Ở nhóm dầu khí, GAS tăng khá mạnh 1.500 đồng lên 66.000 đồng/CP, PVD tăng 1.000 đồng lên 57.000 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị. PXS tăng 700 đồng lên 22.300 đồng/CP và khớp 1,24 triệu đơn vị.

Tương tự nhóm dầu khí, phong độ của nhóm ngân hàng cũng giữ ổn định để cùng hỗ trợ chỉ số. VCB, STB, BID tăng khá tốt từ 200-600 đồng, CTG và MBB đứng tham chiếu,  còn EIB giảm 200 đồng, trong đó STB và CTG cùng khớp trên 1,1 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thị trường vẫn bị giao dịch khá hạn chế ở phiên cuối tuần này. HHS và HAI không có gì đột biến so với phiên sáng và có thanh khoản tương ứng 4,25 triệu và 2,57 triệu đơn vị. Trong khi các mã khác như FLC, OGC, ITA, DLG, DXG, HQC, VHG cũng chỉ khớp từ 1 đến 1,5 triệu đơn vị, đa phần giữ sắc đỏ hoặc tham chiếu.

Trên HNX, áp lực bán trên diện rộng khiến hầu hết các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán giảm điểm hoặc đứng tại tham chiếu

Trong khi nhóm dầu khí có diễn biến phân hóa rõ nét. Các cổ phiếu dầu khí lớn tiếp tục có được cầu mua cao nên đồng loạt tăng mạnh, nhưng nhóm dầu khí nhỏ hơn thì đa phần là giảm nhẹ.

PVS và PVC cùng tăng 600 đồng, khớp lần lượt 2,6 triệu đơn vị và 1,46 triệu đơn vị. PVG tăng kịch trần lên 9.500 đồng/CP. PVB tăng 1.000 đồng, PLC tăng 900 đồng, PGS tăng 500 đồng.

Chính bởi sự không đồng thuận nên nhóm dầu khí hỗ trợ chưa tốt cho HNX-Index, nhưng dẫu sao đây cũng là nhóm giúp hạn chế bớt đà giảm của chỉ số này.

Mã KLF đã quay trở lại với mức giảm 1 bước giá xuống 8.900 đồng/CP và khớp được hơn 8,8 triệu đơn vị, mạnh nhất HNX.

FIT cũng chỉ còn tăng 100 đồng lên 14.600 đồng/CP và khớp 5,39 triệu đơn vị.

SHN giữ vững sắc tím, nhưng bên bán ngừng cung hàng nên thanh khoản không nhiều chuyển biến, cả phiên khớp 2,1 triệu đơn vị.

ITQ vẫn bị bán ra nhưng không còn mạnh, giảm 500 đồng xuống 9.900 đồng/CP và khớp được 1,5 triệu đơn vị.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục