Phiên chiều 24/3: Bắt đáy bluechips

(ĐTCK) Thêm một phiên lao dốc như phiên 23/3 đã đẩy thị giá nhiều cổ phiếu bluechips về mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Điều này đã kích thích dòng tiền bắt đáy chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu này, giúp nhiều mã hồi phục trở lại trong phiên hôm nay, hãm bớt đà rơi của VN-Index, trong khi HNX-Index đảo chiều tăng trở lại.
Phiên chiều 24/3: Bắt đáy bluechips

Sau khi những thông tin đầu tiên về dịch Covid-19 được phát đi, chứng khoán thế giới chính thức bước vào thời kỳ “đỏ lửa” do tâm lý e ngại dịch bệnh làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy giảm giá.

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index đã mất 33% giá trị, nếu tính riêng 11 phiên giao dịch gần nhất, VN-Index giảm tới hơn 25%, trong khi mức giảm của rổ VN30 cũng mạnh không kém với hơn 24%. Là nhóm cổ phiếu trụ cột, nên việc đa phần cổ phiếu trong rổ VN30 giảm trên 20% khi thị trường lao dốc thời gian qua là điều dễ hiễu, thậm chí nhiều mã trong số này đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Điều này khiến dòng tiền bắt đáy bị kích thích mạnh mẽ và phiên giảm mạnh ngày 23/3 giống như một mồi lửa để dòng tiền này bắt đầu bùng nổ, chảy mạnh vào các bluechips trong phiên hôm nay 24/3, bất chấp áp lực bán vẫn lớn. Việc hút mạnh dòng tiền giúp nhiều mã bluehips bật tăng, cũng như thu hẹp mức giảm, qua đó phần nào hạn chế bớt sắc đỏ của VN-Index trước sức ép bán lớn.

Đóng cửa, với 158 mã tăng và 196 mã giảm, VN-Index giảm 7,38 điểm (-1,11%) xuống 659,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 245,15 triệu đơn vị, giá trị 4.152,97 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên 23/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 32,48 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.119 tỷ đồng.

Phiên này, giá trị giao dịch của rôt VN30 đạt gần 2.545 tỷ đồng, chiếm 61% tổng giá trị giao dịch toàn sàn. Trong số 10 mã tăng điểm, đáng kể nhất là BVH khi tăng kịch trần +6,9% lên 34.550 đồng, khớp lệnh 0,6 triệu đơn vị và vẫn còn dư mua trần. Một số mã ghi nhận mức tăng cao như VNM +2,9% lên 86.100 đồng, VCB +1,4% lên 58.000 đồng, BID +2,6% lên 31.600 đồng, GAS +4,3% lên 56.200 đồng, VJC +0,8% lên 96.500 đồng… Kể từ đầu năm, BVH là mã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong rổ VN30 khi thị giá giảm hơn 50%, trong khi BID, GAS, VJC cùng giảm trên 40%, VCB giảm 36%...

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu họ Vingroup đồng loạt giảm kịch biên độ -6,9%, tạo sức ép lớn lên chỉ số. Cụ thể, VIC giảm về 71.500 đồng, VHM về 55.300 đồng và VRE về 17.700 đồng. Ngoài ra giảm sàn còn có ROS về 4.540 đồng, SBT về 12.750 đồng. Tất cả đều trắng bên mua.

Về thanh khoản, có 21/30 mã trong rổ VN30 có mức khớp lệnh từ 1 triệu đơn vị trở lên, tron đó khớp lệnh mạnh nhất là HPG với 13,83 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE, kết phiên giảm 1,2% về 17.100 đồng. Tính từ đầu năm đến nay, HPG đã giảm gần 40% thị giá.

Mã VRE khớp lệnh 6,89 triệu đơn vị, các mã VHM, VIC, ROS, SBT, VCB, VNM, BID khớp từ 1-3 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, không nhiều mã có giao dịch đáng chú ý, nổi bật có HQC, FLC, DLG với mức thanh khoản cao. HQC và FLC có thanh khoản chỉ sau HPG khi cùng khớp khoảng 11 triệu đơn vị và cùng giảm điểm. DLG khớp 8,5 triệu đơn vị và tăng gần sát trần lên 1.800 đồng.

Tân binh ABS có phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp kể từ khi chào sàn lên 16.900 đồng, khớp lệnh 0,21 triệu đơn vị.

AMD ghi nhận phiên sàn thứ 4 liên tiếp về 3.910 đồng, khớp lệnh chỉ 0,14 triệu đơn vị, trong khi dư bán sàn hơn 14 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sắc xanh đầu phiên liên tục gặp thử thách khi nhiều thời điểm đã lùi khá sâu qua tham chiếu trước sức ép gia tăng. Tuy nhiên, nhờ sự ổn định của nhiều mã lớn mà chỉ số sàn này giữ được sắc xanh.

Đóng cửa, với 84 mã tăng và 67 mã giảm, HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,5%) lên 96,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 66,64 triệu đơn vị, giá trị gần 617,43 tỷ đồng, tăng 3% về khối lượng, nhưng giảm 5% về giá trị so với phiên 23/3. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 14 triệu đơn vị, giá trị 217,5 tỷ đồng.

Nhiều mã bluechips trên sàn này duy trì vững sắc xanh như SHB, ACB, PVS, VCS, VCG, PVI, NDN… để tạo lực đỡ tốt cho chỉ số. Trong đó, SHB tăng 0,9% lên 11.900 đồng, khớp lệnh 8,32 triệu đơn vị. ACB tăng 1,6% lên 19.600 đồng, khớp lệnh 4,3 triệu đơn vị. PVS tăng 1% lên 10.200 đồng, khớp lệnh 4,43 triệu đơn vị. NVB đứng giá tham chiếu, khớp lệnh 2,64 triệu đơn vị.

KLF, HUT và TNG cùng giảm sàn. KLF khớp 9,6 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. HUT khớp 4,69 triệu đơn vị, TNG đạt 2,23 triệu đơn vị. ART tiếp tục ghi nhận thanh khoản cao với 6,27 triệu đơn vị, nhưng cũng giảm điểm.

Trên UPCoM, đà tăng không gặp nhiều thử thách nên sắc xanh đsược giữ trong suốt phiên giao dịch và kết phiên ở mức cao nhất ngày.

Đóng cửa, với 108 mã tăng và 76 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,95 điểm (+1,99%) lên 47,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 16,57 triệu đơn vị, giá trị 191 tỷ đồng, giảm 38% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên 23/3. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 51,2 tỷ đồng.

Đa phần cổ phiếu lớn trên sàn này đều tăng như LPB, BSR, OIL, VEA, VGI, CTR, VGT, VTP…, nhưng thanh khoản mạnh chỉ có LPB và BSR, đạt lần lượt 2,58 triệu và 1,46 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, so mã tăng giảm cân bằng nhau với 2 tăng và 2 giảm. Trong đó, hợp đồng có thời hạn đáo hạn gần nhất là VN30F2003 tăng 0,14% lên 625,5 điểm với 210.798 hợp đồng được chuyển nhượng, cao nhất nhóm, khối lượng mở đạt 19.035 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, có duy nhất một mã giảm sàn là CVMN1902 từ mức 59 đồng về 10 đồng, nhưng lại là mã có thanh khoản mạnh nhất với 249.158 đơn vị được chuyển nhượng. Còn lại có 15 mã tăng, 17 mã giảm và 13 mã đứng giá.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục