Sau phiên giảm khá sâu ngày cuối cùng của tháng 2 bởi áp lực trong nước và nước ngoài diễn ra ồ ạt, tâm lý nhà đầu tư đã bình tâm hơn khi bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần 2/3.
Lực bán không quá lớn khiến VN-Index chỉ rung lắc nhẹ quanh ngưỡng 880 điểm, thậm chí có thời điểm hồi nhẹ. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch phân hóa và hỗ trợ khá yếu khiền chỉ số này tạm dừng chân dưới mốc tham chiếu trong phiên sáng.
Sang phiên giao dịch chiều, sau nhịp điều chỉnh nhẹ về dưới mốc 880 điểm, lực cầu bắt đáy một lần nữa được kích hoạt giúp thị trường bật ngược đi lên và chỉ sau chưa tới 15 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đã tìm lại được sắc xanh.
Đà tăng tiếp tục được nới rộng nhưng VN-Index đã gặp khó trong đợt khớp ATC khi lực bán có phần gia tăng khiến độ rộng của những mã lớn này bị thu hẹp chút ít và VN-Index đã không giữ được mốc 885 điểm.
Đóng cửa, sàn HOSE khá cân bằng với 167 mã tăng và 172 mã giảm, VN-Index tăng 2,24 điểm (+0,25%) lên 884,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 206,63 triệu đơn vị, giá trị 3.627,5 tỷ đồng, giảm 14,58% về khối lượng và 24,32% về giá trị so với phiên 28/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 32,7 triệu đơn vị, giá trị 830,54 tỷ đồng.
Cặp đôi GAS - SAB là trợ thủ đắc lực nhất giúp thị trường khởi sắc. Cụ thể, sau 5 phiên liên tiếp để mất điểm, GAS đã bật tăng 4,22% lên mức 79.000 đồng/CP, còn SAB cũng hồi phục khi +4,94% lên 170.000 đồng/CP.
Trong khi đó, phần lớn các cổ phiếu bluechip vẫn chỉ giao dịch tăng giảm nhẹ như VHM, VRE, NVL, FPT nhích nhẹ; PLX, VCB, HPG, BID giảm nhẹ hoặc đứng tại mốc tham chiếu như VNM, VIC, MSN, MWG.
Một điểm đáng chú ý khác là cổ phiếu STB. Trong khi phần lớn các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng chỉ biến động nhẹ thì STB vẫn là điểm sáng của ngành dù chịu áp lực bán khá lớn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Kết phiên, cổ phiếu STB +6,47% lên sát mức giá trần 12.350 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 27,55 triệu đơn vị, khối ngoại bán ròng hơn 1,9 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền đầu cơ tiếp tục chảy mạnh hỗ trợ các mã này khởi sắc và giao dịch sôi động. Trong đó, AMD khoe sắc tím khi kết phiên tại mức giá trần 2.350 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 10,72 triệu đơn vị, dư mua trần gần 0,1 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, HAI +5,12% lên gần mức giá trần 2.670 đồng/CP và khớp 7,95 triệu đơn vị, TCH ngấp ngé trần khi +6,6% lên 33.900 đồng/CP và khớp hơn 5 triệu đơn vị… Ngoài ra, HHS, DRH, VNE, QCG tăng trần.
Trên sàn HNX, sự hồi phục tích cực của một số bluechip cũng tiếp sức giúp HNX-Index tăng vọt về cuối phiên.
Đóng cửa, với 56 mã tăng và 42 mã giảm, HNX-Index tăng 1,09 điểm (+1%) lên 110,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 78,12 triệu đơn vị, giá trị 832,85 tỷ đồng, tăng 19,19% về khối lượng và 18,62% về giá trị so với phiên 28/2. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 8,5 triệu đơn vị, giá trị 107,93 tỷ đồng.
Dù có chút rung lắc, thậm chí đã quay đầu điều chỉnh sau 3 phiên tăng trần liên tiếp, nhưng lực cầu tăng mạnh đã giúp SHB tiếp tục bảo toàn sắc tím trong phiên đầu tiên của tháng 3. Kết phiên, SHB +9,38% lên mức giá trần 10.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch tăng vọt, đạt 54,62 triệu đơn vị. Đây cũng là mức giá cao nhất của SHB trong gần 2 năm qua (từ cuối tháng 4/2018).
Bên cạnh đó, nhiều mã bluechip khác cũng đảo chiều hồi phục như VCG, PVS, PVB, VCS....
Cổ phiếu ACB và NVB cũng tìm lại mốc tham chiếu khi kết phiên tại mức 25.200 đồng/CP và 8.700 đồng/CP, với khối lượng khớp lần lượt đạt 3,63 triệu đơn vị và 1,7 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, diễn biến rung lắc vẫn tiếp diễn trong phiên chiều, nhưng UPCoM-Index đã may mắn có được sắc xanh nhờ diễn biến tích cực của một số mã lớn.
Đóng cửa, với 29 mã tăng và 26 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,23%) lên 55,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22 triệu đơn vị, giá trị 184,49 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 6,24 triệu đơn vị, giá trị 78,79 tỷ đồng.
Cổ phiếu LPB tiếp tục nới rộng biên độ nhờ lực cầu sôi động và kết phiên +14,49% lên mức giá trần với khối lượng khớp hơn 8,2 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác cũng giao dịch tích cực như BSR +4,1% lên 7.600 đồng/CP, GVR +1,65% lên 12.300 đồng/CP, ACV +3,52% lên 53.000 đồng/CP…
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều hồi phục. Trong đó, mã có ngày đáo hạn gần nhất (19/3) là VN30F2003 vẫn được giao dịch mạnh nhất với 118.761 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 16.405 hợp đồng, kết phiên tăng 1,14% xuống 839,6 điểm
Trên thị trường chứng quyền, có 24 mã tăng, 14 mã đứng giá và 23 mã giảm đỏ. Trong đó, có thanh khoản nhất là CSTB2001 với 64.329 đơn vị, đóng cửa tăng 30,17% lên 2.330 đồng.