Phiên chiều 21/1: Sóng ngân hàng, VN-Index vượt mốc 910

(ĐTCK) Dòng bank nổi sóng lan tỏa sang các nhóm ngành khác, giúp thị trường bứt phá, chỉ số VN-Index vượt mốc 910 điểm với thanh khoản cải thiện.
Phiên chiều 21/1: Sóng ngân hàng, VN-Index vượt mốc 910

Sau tuần giao dịch giằng co với thanh khoản khá thấp, thị trường bước vào phiên giao dịch 21/1 khá khởi sắc với sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip. Tuy nhiên, dòng tiền tham gia khá yếu khiến thị trường thiếu động lực để bật cao, chỉ số VN-Index biến động nhẹ quanh mốc 905 điểm.

Càng về cuối phiên, lực cầu gia tăng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng giúp thị trường nới rộng đà tăng, các chỉ số VN-Index và HNX-Index đều vươn lên vị trí cao nhất trong phiên sáng.

Nhà đầu tư tiếp tục với tâm lý hưng phấn bước vào phiên giao dịch chiều. Dòng tiền tiếp tục nhắm tới các mã bank giúp các cổ phiếu này tăng vọt và lan tỏa toàn thị trường, đã giúp VN-Index chinh phục thành công ngưỡng kháng cự 910 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 160 mã tăng và 136 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 8,75 điểm (+0,97%) lên 911,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 165,63 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.287 tỷ đồng, tăng 17,72% về lượng nhưng giảm 15,26% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.

Giao dịch thỏa thuận có đóng góp 46,61 triệu đơn vị, giá trị gần 1.100 tỷ đồng. Trong đó, EIB thỏa thuận 23,5 triệu đơn vị, giá trị 329 tỷ đồng; HPX thỏa thuận 4,11 triệu đơn vị, giá trị hơn 110 tỷ đồng; MWG thỏa thuận hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 168,58 tỷ đồng; SAM thỏa thuận 9,66 triệu đơn vị, giá trị 69,5 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm của thị trường. Trong đó, CTG khá tỏa sáng sau những phiên giao dịch thiếu tích cực kể từ đầu năm 2019. Kết phiên, CTG đã tăng 6,9% lên mức giá trần 19.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 11,45 triệu đơn vị và dư mua trần 597.290 đơn vị, bên bán trắng sàn.

Mặc dù hiện CTG vẫn chưa đưa ra công bố kết quả kinh doanh năm 2018 nhưng theo lãnh đạo Ngân hàng, hoạt động của Công ty con và Chi nhánh nước ngoài tăng trưởng mạnh với tổng lợi nhuận trước thuế tăng 27%. Hiệu quả quản trị chi phí, tỷ lệ CIR được cải thiện.

Bên cạnh đó, dư nợ bình quân của CTG tăng 17,6% với cơ cấu dư nợ chuyển dịch rất tích cực theo đồng tiền và kỳ hạn. Quy mô tổng tài sản toàn hàng tăng 6,2%; dư nợ cho vay tăng 9,3%; tiền gửi từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 10,6%, chủ yếu tăng ở thị trường 1.

“Người anh em” MBB cũng tiếp tục nới rộng đà tăng sau thông tin kết quả kinh doanh năm 2018 khả quan với lợi nhuận trước thuế ghi nhận 7.767 tỷ đồng, tăng 68% so với năm trước và vượt 14,22% kế hoạch đã đề ra.

MBBank cũng vừa công bố thông tin về việc mua lại cổ phiếu quỹ. Theo đó, MBBank dự kiến chi hơn 2.000 tỷ đồng để mua 108 triệu cổ phiếu quỹ. Giao dịch được thực hiện bằng phương pháp thỏa thuận hoặc khớp lệnh, thời gian dự kiến từ ngày 29/1 đến ngày 27/2.

Dù sắc tím bị hụt về cuối phiên nhưng đóng cửa, MBB vẫn tăng mạnh 6,3% lên 21.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,97 triệu đơn vị, chỉ đứng sau CTG về thanh khoản.

Các mã khác cũng tăng mạnh hơn như VCB tăng 1,8% lên 55.800 đồng/CP, STB tăng 4% lên 11.700 đồng/CP, VPB tăng 3,9% lên 20.000 đồng/CP, BID tăng 3,6% lên 32.850 đồng/CP, TCB tăng 2,4% lên 27.400 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đua nhau khởi sắc sau những phiên điều chỉnh như SSI tăng 1,8% lên 25.600 đồng/CP, VND tăng 3,5% lên 16.200 đồng/CP, HCM tăng 0,6% lên 43.700 đồng/CP, TVS tăng 0,8% lên 13.200 đồng/CP, AGR tăng 1,8% lên 3.400 đồng/CP.

Ở nhóm dầu khí, GAS tăng 1,7% lên 90.500 đồng/CP, PLX tăng 1,7% lên 55.300 đồng/CP, PVD tăng 2,3% lên 15.500 đồng/CP, PGD tăng 3,3% lên 36.400 đồng/CP…

Trong khi các nhóm cổ phiếu trụ cột diễn biến khá tích cực thì các mã thị trường quen thuộc lại diễn biến thiếu khởi sắc. Các mã FLC, ASM, HQC, AMD, HAG, QCG, DLG… đều đứng dưới mốc tham chiếu.

Trên HNX, biên độ tăng cũng nới rộng hơn trong phiên chiều.

Kết phiên, HNX-Index tăng 1,81 điểm (+1,78%) lên 103,37 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 34,68 triệu đơn vị, giá trị 431,73 tỷ đồng, tăng 33,38% về lượng và 30,16% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,5 triệu đơn vị, giá trị 45,91 tỷ đồng.

Cặp đôi lớn cổ phiếu ngân hàng trên sàn HNX cũng tăng tốc, trong đó ACB tăng 3,1% lên 29.500 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 2 triệu đơn vị; SHB tăng 2,9% lên 7.200 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu toàn sàn, đạt 7,8 triệu đơn vị.

Một số mã khác cũng tăng tốt với giao dịch khá sôi động như PVS tăng 3,4% lên 18.300 đồng/CP và khớp 3,27 triệu đơn vị; VGC tăng 1,6% lên 19.400 đồng/CP và khớp 2,67 triệu đơn vị, MPT tăng 7,3% lên 4.400 đồng/CP với khối lượng khớp 1,36 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, diễn biến cũng tích cực hơn trong phiên chiều, sau khi giằng co quanh mốc tham chiếu, chỉ số UPCoM-Index đã bật tăng.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,21%) lên 53,37 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,22 triệu đơn vị, giá trị 178,11 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,69 triệu đơn vị, giá trị 53,29 tỷ đồng.

BSR vẫn là tâm điểm đang chú ý của thị trường UPCoM khi có khối lượng giao dịch đạt hơn 5,1 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường. Đóng cửa, BSR giảm gần 9% xuống mức 12.200 đồng/CP.
Trái lại, cặp đôi lớn ngành hàng không diễn biến khá tích cực. ACV đảo chiều tăng sau 5 phiên liên tiếp giảm, với mức tăng 1,2% lên 86.000 đồng/CP; HVN tăng nhẹ gần 0,3% lên 36.500 đồng/CP.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục