Ngay khi mở cửa phiên giao dịch hôm nay 20/8, sắc xanh đã xuất hiện khi cầu giá cao sớm được tung vào thị trường. Tuy nhiên, đà tăng không mạnh khi tình trạng phân hóa diễn ra ở nhóm cổ phiếu bluechips – vốn là động lực tăng của VN-Index.
Bên cạnh sự không đồng nhất của các bluechips, tâm lý giao dịch thận trọng của nhà đầu tư cũng ảnh hưởng tới đà tăng của thị trường. Dẫu vậy, sắc xanh vẫn được duy trì trong suốt phiên giao dịch và VN-Index cũng tăng ở mức gần cao nhất ngày.
Ngoài nhóm bluechips, điểm nhấn ở phiên này chính là nhóm cổ phiếu bất động sản và khu công nghiệp khi hút mạnh dòng tiền.
Đóng cửa, với 161 mã tăng và 149 mã giảm, VN-Index tăng 3,6 điểm (+0,37%) lên 984,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 178 triệu đơn vị, giá trị 4.181,3 tỷ đồng, tăng 13% về khối lượng, nhưng giảm 2% về giá trị so với phiên 19/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với 56,8 triệu đơn vị, giá trị 1.389 tỷ đồng.
Không chỉ ở nhóm cổ phiếu bluechips nói chung, tình trạng phân hóa cũng diễn ra ở ngay trong từng nhóm ngành cổ phiếu. Đơn cử, trong rổ VN30, số mã tăng là 15 mã, trong đó các mã tăng tốt như VHM +3%, FPT +3%, GAS +1,2%, MWG +1,8%, NVL +1,5%, PNJ +1%..., ngược lại số mã giảm là 11 mã trong đó có MSN -1,2%, VIC, -0,8%, BVH -0,9%, HPG -0,7%...
Ở nhóm ngành cổ phiếu, nhóm ngân hàng cho thấy sự phân hóa rõ nét khi VCB, BID, CTG… tăng điểm, còn HDB, TPB… giảm điểm, trong khi EIB, TCB đứng giá.
Như đã nói ở trên, điểm nhấn trong phiên này là việc dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản và khu công nghiệp khiến nhiều mã tăng điểm đi kèm thanh khoản cao như VRE, FLC, HBC, HDG, NLG, NVL, NTL… hay ITA, SZC, SZL…, trong đó DIG, TDC, DPG... còn tăng trần. DIG khớp lệnh 2,53 triệu đơn vị.
Dẫn đầu về thanh khoản trên sàn HOSE là ROS với 11,2 triệu đơn vị khớp lệnh, cao hơn khoảng 2,5 lần so với mã đững thứ 2 là HPG, nhưng cả 2 này đều giảm điểm.
Trên sàn HNX, diễn biến đã tích cực hơn trong phiên chiều khi không chỉ đảo chiều tăng điểm, mà còn tăng lên mức cao nhất ngày, thanh khoản cải thiện mạnh.
Đóng cửa, với 70 mã tăng và 63 mã giảm, HNX-Index tăng 0,39 điểm (+0,38%) lên 102,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,37 triệu đơn vị, giá trị 376 tỷ đồng, tăng 90% về lượng và 37% về giá trị so với phiên 19/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 6,8 triệu đơn vị, giá trị 58,39 tỷ đồng chủ yếu đến từ OCH thỏa thuận 5,7 triệu đơn vị, giá trị 47,31 tỷ đồng.
Việc nhiều mã lớn như PVS, ACB, NDN, PVI, VCS… tăng điểm đã giúp cải thiện sắc xanh của sàn HNX trong phiên chiều, trong đó PVS +2% lên 21.000 đồng, ACB +0,9% lên 22.200 đồng…
Ngược lại, các mã SHB, VCG, TNG, DGC… giảm điểm, trong đó SHB -1,6% về 6.200 đồng, VCG -1,5% về 26.300 đồng…
SHB khớp lệnh 6,23 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn, tiếp đó là PVS với 2,46 triệu đơn vị, ACB là 1,3 triệu đơn vị. Ngoài các mã này, chỉ có thêm 2 mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị là NDN và ART, trong đó NDN tăng , còn ART giảm.
Một số mã nhỏ tăng trần có thể kể tới như IDJ, PVX, KLF, SDT, MBG…
Trên sàn UPCoM, giao dịch kém tích cực hơn trong phiên chiều khi liên tục nhấp nháy, nhưng cuối phiên vẫn giữ được sắc xanh, thanh khoản tăng vọt.
Đóng cửa, với 98 mã tăng và 74 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,21%) lên 57,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,36 triệu đơn vị, giá trị 707 tỷ đồng, tăng 2,4 lần về khối lượng và 3,4 lần về giá trị so với phiên 19/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với hơn 5 triệu đơn vị, giá trị gần 353 tỷ đồng.
Mã EVF ghi nhận sự đột biến về thanh khoản khi lọt vào nhóm 3 cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất sàn UPCoM cùng với GVR và BSR. EVF khớp lệnh 1,378 triệu đơn vị, tăng 6,9% lên 9.300 đồng.
GVR khớp 2,1 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn, tăng 5,1% lên 16.500 đồng. Các mã lớn tăng điểm khác có VGI, OIL, LPB, CTR…
BSR khớp 1,7 triệu đơn vị, giảm 2,1% về 9.500 đồng. Các mã lớn giảm điểm khác có VGT, QNS, VEA, VIB...
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai VN30 giảm giá và 1 hợp tăng giá, trong đó VN30F1909 dẫn đầu thanh khoản với 66.185 hợp đồng được giao dịch thành công, khối lượng mở 17.231 hợp đồng.
Trong khi đó, cả 3 hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ đều không có giao dịch.
Trên thị trường chứng quyền, có 5 mã giảm, 4 đứng giá và 7 mã tăng giá. Trong đó, CHPG1902 dẫn đầu về thanh khoản với 26.230 đơn vị được chuyển nhượng; tiếp theo là CVNM1901 với 22.727 đơn vị và CMBB1901 với 22.284 đơn vị.