Phiên chiều 20/9: ETFs khuấy động, VN-Index lùi về mốc 990 điểm

(ĐTCK) Giao dịch sôi động của các quỹ ngoại ETF trong phiên review khiến thanh khoản thị trường tăng vọt. Tuy nhiên, với áp lực bán khá lớn của khối ngoại tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip đã đẩy VN-Index về mốc 990 điểm trong phiên cuối tuần 20/9.
Phiên chiều 20/9: ETFs khuấy động, VN-Index lùi về mốc 990 điểm

Sau diễn biến thăm dò trong nửa đầu phiên sáng khiến thị trường giao dịch lình xình, áp lực bán ra ở cuối phiên gia tăng mạnh bởi “bàn tay” của nhà đầu tư nước ngoài tác động xấu tới nhóm cổ phiếu bluechip, đã gia tăng sức ép đẩy VN-Index lùi về dưới mốc tham chiếu và trượt mốc 995 điểm trong những phút cuối phiên.

Bước sang phiên giao dịch chiều, bên bán vẫn luôn túc trực khiến thị trường khó có cơ hội lấy lại thăng bằng. Sau hơn 30 phút thử thách lại mốc 995 điểm, lực bán đã gia tăng và đặc biệt dâng cao trong đợt khớp ATC khiến đà giảm nới rộng biên độ, chỉ số VN-Index bị đẩy lùi về ngưỡng 990 điểm.

Kịch bản này không quá bất ngờ bởi đã được dự báo từ trước, bởi đây là phiên giao dịch chốt sổ của các quỹ ETF. Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài sẽ tác động mạnh tới diễn biến nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt trong đợt khớp lệnh ATC. Tuy nhiên, cũng giống như những lần cơ cấu gần đây, thị trường không biến động sốc và chỉ dừng lại ở một phiên điều chỉnh không quá sâu.

Đóng cửa, sàn HOSE có 139 mã tăng và 171 mã giảm, VN-Index giảm 6,74 điểm (-0,68%) xuống 990,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 203,6 triệu đơn vị, giá trị 5.641,55 tỷ đồng, tăng 8,88% về khối lượng và 44,58% về giá trị so với phiên 19/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp tích cực với 35,72 triệu đơn vị, giá trị 1.116,53 tỷ đồng, riêng VJC thỏa thuận 2,22 triệu đơn vị, giá trị 306,56 tỷ đồng.

Các trụ cột tiếp tục chịu thêm sức ép gia tăng từ cung ngoại khiến đà giảm nới rộng hơn như  VIC giảm 1,7% xuống mức thấp nhất ngày 119.400 đồng, VNM cũng về mức thấp nhất 122.100 đồng/CP, giảm 1,2%; VHM giảm 0,8% xuống 89.600 đồng/CP, VCB đảo chiều giảm 0,6% xuống 81.000 đồng/CP, GAS giảm 1% xuống 102.800 đồng/CP, BID giảm 2% xuống 40.000 đồng/CP…

Trong khi đó, VJC nhận được sự hậu thuẫn từ khối ngoại khi được mua ròng hơn 3,3 triệu đơn vị, nhưng cổ phiếu này tiếp tục lùi sâu hơn do lực bán trong nước. Kết phiên, VJC giảm 1,1% xuống mức 138.000 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 3,73 triệu đơn vị.

Trái lại, mặc dù không lấy lại được mức đỉnh trong phiên sáng nhưng MWG vẫn giữ sắc xanh và xác lập mức đỉnh lịch sử tại 126.500 đồng/CP khi kết phiên 20/9 với mức tăng 1%.

Đáng chú ý, lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp ROS lấy lại mốc tham chiếu khi kết phiên với thanh khoản tiếp tục tăng cao, đạt hơn 18,8 triệu đơn vị, vượt trội so với các mã khác trên thị trường.

Trên HNX, mặc dù diễn biến thị trường vẫn rung lắc nhưng lực cầu cuối phiên đã giúp HNX-Index hồi phục thành công.

Đóng cửa, với 32 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index tăng nhẹ 0,1 điểm (+0,1%) lên 104,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,17 triệu đơn vị, giá trị 293,72 tỷ đồng, giảm 15,13% về khối lượng và 22,7% về giá trị so với phiên 19/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,06 triệu đơn vị, giá trị hơn 69 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu bluechip, ACB giao dịch khá tích cực và đã đảo chiều hồi phục thành công, tuy đà tăng còn hạn chế chỉ 0,4% và kết phiên tại mức giá 23.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 2,53 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản chỉ “người anh em” SHB.

Trong khi ACB hồi phục thì SHB lại không giữ được thăng bằng và đảo chiều giảm 1,52% xuống 6.500 đồng/CP và khớp 2,83 triệu đơn vị.

Ngoài ra, trong nhóm bluechip, các mã PVS, VCG, VCS… cũng có mức giảm nhẹ 100 đồng/CP.

Trên UPCoM, sau khi hồi phục sắc xanh ở cuối phiên sáng, thị trường đã duy trì đà tăng điểm trong suốt thời gian còn lại.

Đóng cửa, với 38 mã tăng và 26 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (+0,48%) lên 56,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,77 triệu đơn vị, giá trị hơn 118 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm gần 6,6 triệu đơn vị, giá trị 110,7 tỷ đồng.

BCM tiếp tục nới rộng biên độ với mức tăng 2,3% lên 31.600 đồng/CP, VEF tăng 2,3% lên 122.000 đồng/CP, MCH tăng nhẹ 0,1% lên 74.000 đồng/CP, còn các mã VEA, VGI, VGT, MVN đều đã lấy lại mốc tham chiếu. Tuy nhiên, thanh khoản ở những mã này khá thấp.

Trong khi đó, BSR tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch đạt 1,37 triệu đơn vị và kết phiên giảm hơn 3% xuống 9.600 đồng/CP.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, trong 3 hợp đồng tương lai trái phiếu, duy nhất chỉ có GB05F1902 có thanh khoản với 10 đơn vị được giao dịch thành công.

Còn với hợp đồng tương lai VN30, chỉ có duy nhất 1 mã giữ được đà tăng, còn lại 3 mã đảo chiều giảm. Trong đó, mã VN30F1910 đáo hạn ngày 17/10 vẫn dẫn đầu thanh khoản với 51.552 hợp đồng được chuyển nhượng, đóng cửa tăng 0,19% lên 914 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, trong 16 mã đang niêm yết, chỉ có 7 mã tăng, còn lại đều giảm. Trong đó, có thanh khoản tốt nhất là CREE1901 với 76.762 đơn vị được giao dịch, đóng cửa tại 1.820 đồng; tiếp đến là CVRE1901 với 55.775 đơn vị, đóng cửa tại 1.000 đồng.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.92 -5.26 -0.41% 129,655 tỷ
HNX 242.91 -1.01 -0.41% 1,136 tỷ
UPCOM 91.45 -0.03 -0.03% 428 tỷ