Phiên chiều 19/3: Cổ phiếu nóng bị chốt lời, VN-Index lùi về vùng 725 điểm

(ĐTCK) Sau chuỗi tăng nóng, hàng loạt cổ phiếu thị trường như AMD, HQC, FLC, HAI, DLG, QCG, TSC, HHS, FIT... bị chốt lời ồ ạt, nên đồng loạt giảm sàn. Không chỉ nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều cổ phiếu khác cũng giảm mạnh, khiến VN-Index giảm gần 22 điểm về vùng 725 điểm
Phiên chiều 19/3: Cổ phiếu nóng bị chốt lời, VN-Index lùi về vùng 725 điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên hôm nay (19/3) trong tâm lý lo ngại bao trùm, khi ở nửa bên kia bán cầu, chứng khoán Mỹ một lần nữa phải tạm ngừng giao dịch trước động thái ồ ạt bán tháo cổ phiếu của nhà đầu tư, trong khi chứng khoán châu Âu và châu Á cũng trong hoàn cảnh đỏ lửa.

Tác nhân chính khiến chứng khoán quốc tế tiếp tục chao đảo không gì khác ngoài những thông tin liên quan đến đại dịch Covid-19. Sự lây lan nhanh chóng đi kèm với số người chết gia tăng khiến nhiều nước phải đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch bệnh. Diễn biến này tiếp tục kéo gần nền kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái, bất chấp các nước tung ra những gói kích thích hàng nghìn tỷ USD, hay đưa mức lãi suất điều hành về 0%.

Tại Việt Nam, công tác phòng chống, khoanh vùng dịch bệnh vẫn đang được chính quyền và người dân rốt ráo thực hiện. Cùng với đó là nỗ lực của Chính phủ, của những doanh nghiệp tốt trong việc chung tay hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung đẩy lùi ảnh hưởng của Covid-19.

Tuy nhiên, yếu tố tâm lý luôn là một phần không thể tách rời của thị trường chứng khoán, nên nhà đầu tư tại Việt Nam khó tránh sự ảnh hưởng trước đà lao dốc của chứng khoán thế giới. Áp lực bán dồn dập được đẩy vào thị trường ngay khi mở khiến VN-Index lao nhanh qua mốc 720 điểm, thậm chí trong đầu giờ chiều còn lùi về vùng 715 điểm, tức giảm hơn 31 điểm, bất chấp cầu bắt đáy vẫn hoạt động tích cực. VN-Index chỉ thu hẹp nhẹ đà giảm về cuối phiên khi sức ép được hạn chế.

Đóng cửa, với 313 mã giảm, gấp gần 5 lần số mã tăng là 69, VN-Index giảm 21,72 điểm (-2,91%) xuống 725,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 353 triệu đơn vị, giá trị 4.218 tỷ đồng, tăng 36% về khối lượng, nhưng giảm nhẹ 1% về giá trị so với phiên 18/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 44,46 triệu đơn vị, giá trị 950,7 tỷ đồng.

Trong rổ VN30, sức ép khiến sắc xanh hiếm hoi của SSI cũng không còn. Ngoại trừ ROS tăng điểm, SSI và NVL đứng giá, còn lại đều giảm. Trong đó, nhiều mã giảm sâu như VNM -6,3% về 89.900 đồng, SAB -6,6% về 127.000 đồng, VCB -4,8% về 66.000 đồng; GAS -4,7% về 55.300 đồng, PLX -4,8% về 40.100 đồng, PNJ -5,2% về 54.400 đồng…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều mã nhỏ đã quay đầu giảm sàn từ sắc tím đầu phiên như HQC, AMD, HAI, TSC, LHM, QCG… hay từ mức giá xanh như FLC, DLG, HID, SJF… Toàn sàn có tổng cộng 35 mã giảm sàn.

HQC, AMD, HAI, FLC, DLG là 5 mã có thanh khoản cao nhất sàn, lần lượt đạt 36,62 triệu; 35,48 triệu; 23,29 triệu; 19.55 triệu; 15,89 triệu đơn vì và còn dư bán giá sàn hàng triệu đơn vị.

ROS là mã hiếm hoi đi ngược thị trường với sắc tím, thanh khoản mạnh với 13,73 triệu đơn vị. Đây là phiên trần thứ 2 của ROS sau chuỗi 11 phiên giảm liên tục (trong đó có 4 phiên nằm sàn), hiện đứng ở mức giá 5.630 đồng.

Tân binh ABS cũng nằm trong số 6 mã tăng trần phiên này và cũng là phiên trần thứ 2 liên tiếp lên 13.850 đồng, khớp lệnh 12.840 đơn vị. Ngược lại, một tân binh khác là GVR lại giảm về gần mức sàn, lùi về dưới mệnh giá, đạt 9.800 đồng, khớp lệnh 850.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, đà giảm không lớn như trên HOSE khi nhóm cổ phiếu lớn trên sàn này chịu không nhiều sức ép, song thanh khoản cũng giảm mạnh theo.

Đóng cửa, với 55 mã tăng và 100 mã giảm, HNX-Index giảm 0,85 điểm (-0,84%) xuống 100,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 87,5 triệu đơn vị, giá trị 473,9 tỷ đồng, tăng 21% về khối lượng, nhưng giảm 18% về giá trị so với phiên 18/3. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 6,4 triệu đơn vị, giá trị gần 120 tỷ đồng.

Rổ HNX30 có 8 mã tăng, nhưng không có mã trụ nào nằm trong số này. Các mã như ACB, SHB, NVB, VCS, PVI, PVS… đều giảm điểm.

HUT ghi nhận phiên trần thứ 3 liên tục lên 2.000 đồng, khớp lệnh 8,69 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sàn HNX. DST cũng tăng trần lên 1.500 đồng, qua đó xác lập phiên trần thứ 6 liên tục, khớp lệnh 1,69 triệu đơn vị.

Dẫn đầu sàn về thanh khoản là KLF với 29,77 triệu đơn vị, giảm 5% về 1.900 đồng, tiếp đó là ART với 10,91 triệu đơn vị, giảm sàn về 3.100 đồng. Phiên giảm này cùng ngắt chuỗi tăng trần liên tiếp của 2 mã này ở con số 4.

Các mã ACB, SHB, NVB, PVS khớp lệnh từ 2-5 triệu đơn vị.  

Trên sàn UPCoM, khác với 2 sàn niêm yết, đà giảm đã tăng mạnh hơn về cuối phiên trước áp lực bán gia tăng, một trong những nguyên nhân là do sức cầu yếu.

Đóng cửa, với 67 mã tăng và 107 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,47 điểm (-0,93%) xuống 49,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,93 triệu đơn vị, giá trị 123 tỷ đồng, giảm 45% về khối lượng và 38 % về giá trị so với phiên 18/3. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,85 triệu đơn vị, giá trị 12,6 tỷ đồng.

Trong số các mã lớn, OIL và MPC là các sắc xanh hiếm hoi, trong khi BSR, LPB, VIB, VGI, CTR, ACV, VEA, DVN… đồng loạt giảm.

Trong phiên này, chỉ BSR, LPB có thanh khoản cao, đạt lần lượt 3,18 triệu và 1,52 triệu đơn vị, kết phiên giảm về 6.400 đồng (-4,5%) và 6.800 đồng (-1,4%), còn lại đều có thanh khoản thấp.

Trên thị trường phái sinh, toàn bộ 4 hợp đồng tương lai đều giảm. Trong đó, hợp đồng có thời hạn đáo hạn gần nhất là VN30F2003 giảm 1,45% xuống 678 điểm với 139.677 hợp đồng được chuyển nhượng, cao nhất nhóm, khối lượng mở đạt 11.552 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 3 tăng, 7 mã đứng giá và có tới 47 mã giảm. Trong đó, CROS2001 là mã có thanh khoản tốt nhất với 1.023.580 đơn vị, đóng cửa giảm 22,2% về 70 đồng.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ