Trong phiên giao dịch sáng nay, sau ít phút loạng choạng đã quay đầu bứt lên trên tham chiếu nhờ sự hỗ trợ của một số trụ. Tưởng chừng với đà này, ngưỡng cản 1.000 điểm sẽ được chinh phục trong phiên hôm nay, nhưng lực cung ở vùng giá cao khá mạnh nên VN-Index nhanh chóng bị đẩy ngược trở lại và đóng cửa phiên sáng trong sắc đỏ.
Trong phiên chiều, dù lực cầu duy trì khá tốt, nhưng lực cung vẫn mạnh khiến VN-Index mới chỉ kịp trở lại gần mốc tham chiếu đã quay đầu giảm trở lại và chỉ giao dịch dưới tham chiếu trong suốt phiên chiều, nhưng đóng cửa vẫn giữ được mốc 995 điểm.
Chốt phiên, VN-Index giảm 1,59 điểm (-0,16%), xuống 995,15 điểm với 149 mã tăng và 159 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 191 triệu đơn vị, giá trị 4.624,9 tỷ đồng, giảm 17,5% về khối lượng, nhưng tăng 3% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 50,47 triệu đơn vị, giá trị 1.475,4 tỷ đồng, với đóng góp lớn đến từ TCB (14,16 triệu đơn vị, giá trị 320 tỷ đồng).
Trong nhóm cổ phiếu lớn khá phân hóa khi sắc đỏ xuất hiện tại VIC, VCB, GAS, SAB, VRE, VJC, PLX, NVL, MWG, FPT, trong khi VHM, VNM, BID, MSN, CTG, HPG, VPB, BVH, HVN, MBB tăng giá.
Trong đó, GAS giảm mạnh nhất khi mất 2,71% xuống 104.000 đồng, trong khi VPB là mã tăng tốt nhất với mức tăng 2,43% lên 21.110 đồng.
Trong nhóm này, MBB và HPG là 2 mã có thanh khoản tốt nhất với 6,7 triệu đơn vị và 6,15 triệu đơn vị. Các mã khác có thanh khoản tốt là STB với 3,45 triệu đơn vị, VPB 3,96 triệu đơn vị, FPT 2,59 triệu đơn vị, CTG 4,94 triệu đơn vị, TCB 2,6 triệu đơn vị, VRE 2,4 triệu đơn vị, BID 1,6 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, ROS là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 18 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,75% lên 26.900 đồng.
Các mã thị trường khác như SCR, FLC, ASM, HAG, HAI cũng giữ được sắc xanh, nhưng mức tăng khiêm tốn hơn phiên sáng. Thanh khoản các mã này cũng khá tốt, trong đó SCR khớp trên 5 triệu đơn vị, FLC hơn 4,2 triệu đơn vị, ASM hơn 3,9 triệu đơn vị.
Trong khi đó, HNX giằng co nhẹ quanh tham chiếu và cũng giống phiên sáng, đóng cửa may mắn có sắc xanh nhạt nhờ ACB giữ được mức tăng tối thiểu 1 bước giá.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,06 điểm (+0,06%), lên 102,29 điểm với 70 mã tăng và 62 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,4 triệu đơn vị, giá trị 320 tỷ đồng, giảm 20% về khối lượng và 31% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,38 triệu đơn vị, giá trị 76,85 tỷ đồng.
Như đã đề cập, sắc xanh mà HNX-Index có được nhờ ACB giữ được đà tăng tối thiểu 0,45% lên 22.400 đồng với 1,54 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, còn phải kể đến PHP tăng 3,6% lên 11.500 đồng, NTP tăng 4,52% lên 39.300 đồng.
Trong khi đó, VCS giảm 1,71% xuống 92.200 đồng, PVS giảm 1,45% xuống 20.400 đồng, PVI giảm 0,6% xuống 33.000 đồng. Trong đó, PVS có thanh khoản tốt nhất với 1,95 triệu đơn vị. Mã có thanh khoản lớn tiếp sau PVS và ACB là CEO với 1,43 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,98% lên 10.300 đồng.
Các mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là PVX, KLF và SHB, trong đó PVX và SHB đứng giá tham chiếu, còn KLF giảm sàn xuống 1.100 đồng. Trong khi đó, các mã tăng trần có thể kể đến NSH, DST, SPI...
Trên thị trường UPCoM, sau khi giảm dần xuống dưới tham chiếu, UPCoM-Index đã nỗ lực hồi phục và thoát khỏi sắc đỏ khi chốt phiên chiều.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,01%, đứng ở mức 56,41 điểm với 91 mã tăng và 74 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,49 triệu đơn vị, giá trị 488 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,56 triệu đơn vị, giá trị 277 tỷ đồng.
BSR vẫn giữ được phong độ khi đóng cửa bằng mức giá của phiên sáng, tăng 8,6% lên 10.100 đồng với 7,27 triệu đơn vị được khớp, nhưng khối ngoại bán ròng hơn 1,8 triệu đơn vị.
Chỉ có thêm VIB khớp hơn nửa triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 2,29% xuống 17.100 đồng, còn lại đều có thanh khoản không cao.
Các mã VEA, OIL, MSR, ACV, SDI, MCH, DVN vẫn giữ được sắc xanh. Trong 2 mã họ Viettel là VGI và VGT, thì VGI đã có sắc xanh, trong khi VGT chiều màu đỏ. Trong phiên sáng, cả 2 mã đứng giá tham chiếu cùng VBB.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, hợp đồng tương lai trái phiếu vẫn tắc thanh khoản. Còn với hợp đồng tương lai VN30, phiên hôm nay mã VN30F1909 đáo hạn ngày 19/9 có biến động khá lớn khi có những lúc đảo chiều giảm, nhưng sau đó đã lấy lại đà tăng trong đợt ATC.
Chốt phiên, mã này tăng 0,28% lên 910,5 điểm với 51.253 hợp đồng được chuyển nhượng, mức thanh khoản rất cao và khối lượng mở 16.521 hợp đồng. Mã này sẽ đáo hạn vào ngày mai và theo diễn biến thông thường, dự báo sẽ có những biến động lớn trong phiên giao dịch ngày mai.
Hợp đồng VN30F1910 đáo hạn ngày 17/10 cũng có thanh khoản tốt khi có 12.577 hợp đồng được chuyển nhượng, đóng cửa tăng 0,17% lên 908 điểm.
Hai hợp đồng còn lại tăng lần lượt 0,13% và 0,14% với thanh khoản thấp.
Trên thị trường chứng quyền, trong 16 mã đang niêm yết trên thị trường, có 6 mã tăng, 2 mã đứng giá và 8 mã giảm. Trong đó, có thanh khoản tốt nhất là CVRE1901 với 290.980 đơn vị, đóng cửa giảm 6% xuống 1.090 đồng; tiếp đến là CREE1901 với 249.020 đơn vị, đóng cửa tăng 4,12% lên 1.770 đồng.