Phiên chiều 18/3: Nhiều mã quay đầu giảm, VN-Index thoát hiểm

(ĐTCK) Lực bán bất ngờ gia tăng khiến nhiều mã quay đầu giảm giá, nhưng nhờ sự vững chắc của một số mã lớn, VN-Index vẫn thoát hiểm, giữ lạ được sắc xanh nhạt.
Phiên chiều 18/3: Nhiều mã quay đầu giảm, VN-Index thoát hiểm

Trong phiên sáng, thị trường giao dịch giằng co, nhưng vẫn bật lại trong nửa cuối phiên đóng cửa ở mức gần cao nhấ phiên.

Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch chiều, lực bán gia tăng mạnh ngay từ đầu phiên đã đẩy VN-Index rơi theo chiều thẳng đứng xuống dưới tham chiếu, xác lập mức đáy của ngày trước khi bật trở lại, may mắn thoát khỏi phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp.

Lực bán mạnh khiến nhiều cổ phiếu quay đầu như CTG, STB, FPT, MBB, các mã khác như VCB, BID, CTD, HDB, MWG, HPG… hạ thấp độ cao. Trong khi SAB, GAS nới rộng đà giảm.

Tuy nhiên, nhờ sự trở lại kịp thời của VIC và VRE đã giúp VN-Index may mắn có được sắc xanh nhạt, chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp.

Cụ thể, chốt phiên chiều 18/3, VN-Index tăng 1,88 điểm (+0,25%), lên 747,66 điểm với 229 mã tăng và 131 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 259 triệu đơn vị, giá trị 4.287 tỷ đồng, giảm 9,8% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 53,6 triệu đơn vị, giá trị 1.388 tỷ đồng.

Trong các mã lớn, VIC đảo chiều tăng nhẹ 0,56% lên 89.000 đồng, VRE trở lại tham chiếu từ mức giảm 2,5% của phiên sáng, trong khi, VCB hạ thấp độ cao còn một nửa so với phiên sáng khi đóng cửa tăng 2,67% lên 69.300 đồng, BID cũng hạ thấp độ cao khi tăng 2,22% lên 34.550 đồng, HPG tăng 2,6% lên 19.700 đồng.

Trong khi đó, CTG đảo chiều giảm 0,24% xuống 20.950 đồng, VHM giảm 0,57% xuống 69.500 đồng, VNM giảm 1,04% xuống 95.000 đồng, STB quay đầu giảm 1,96% xuống 10.000 đồng, còn GAS và SAB giảm mạnh 3,01% và 3,61% xuống 58.000 đồng và 136.000 đồng.

PLX vẫn giữ được sắc tím khi đóng cửa ở mức 42.100 đồng, trong khi tân binh GVR giảm sâu 6,25% xuống 10.500 đồng.

Trong nhóm này, HPG là mã có thanh khoản tốt nhất với gần 10,4 triệu đơn vị được khớp, tiếp theo là STB với 8,3 triệu đơn vị, CTG hơn 6,4 triệu đơn vị, MBB gần 5,3 triệu đơn vị, VPB gần 3,3 triệu đơn vị. Các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị có VCB, VHM, VNM, BID, GAS, TCB, MSN, VRE, GVR, MWG, FPT, POW, HDB.

Trong khi nhóm cổ phiếu lớn rung lắc, thì nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn vững vàng nhờ dòng tiền đầu cơ chảy mạnh. Sắc tím vẫn án ngữ tại ROS, DLG, SCR, HQC, HAI, DRH, QCG, HID, SJF, FCN, HAR, TSC, AMD… Trong đó, nhiều mã có dư mua trần rất lớn như AMD hơn 7,8 triệu đơn vị, HQC hơn 5,7 triệu đơn vị, ROS hơn 6,2 triệu đơn vị, DLG, SCR, QCG, TSC trên dưới 1 triệu đơn vị.

FLC dù không có sắc tím, nhưng cũng có mức tăng tốt 3,73% lên 3.890 đồng, khớp 14,3 triệu đơn vị, lớn nhất sàn HOSE. Tiếp đến là ROS khớp 13,1 triệu đơn vị, DLG khớp 12,6 triệu đơn vị.

Các mã khác như ITA, HAG, HHS, FIT, ASM cũng đều đóng cửa với sắc xanh và thanh khoản tốt.

Trên sàn HNX, diễn biến cũng tương tự sàn HOSE khi HNX-Index lao mạnh ngay đầu phiên chiều, nhưng không xuống dưới tham chiếu. Chỉ số này sau đó cũng nẩy trở lại trong những phút cuối phiên.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,12 điểm (+1,11%), lên 101,84 điểm với 89 mã tăng và 58 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 72,1 triệu đơn vị, giá trị 575,7 tỷ đồng, tăng 36,7% về lượng và 6,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6 triệu đơn vị, giá trị 73,8 tỷ đồng.

Trên sàn này các mã nhỏ cũng nổi sóng, đặc biệt là sự đột biến của HUT với 23,36 triệu đơn vị được khớp, đứng đầu thị trường, đóng cửa ở mức trần 1.900 đồng, còn dư mua giá trần và ATC hơn 3 triệu đơn vị.

ART cũng lên trần 3.400 đồng, khớp 5,18 triệu đơn vị, KLF tăng trần lên 2.000 đồng, khớp 1,6 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần và ATC hơn hơn 10,4 triệu đơn vị. PVX tăng trần lên 900 đồng, khớp 1 triệu đơn vị, ITQ tăng trần lên 2.300 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị. Các mã tăng trần khác có DST, SPI, SPP, TKC…

Trong các mã lớn, cả SHB và ACB đều giữ được sắc xanh, trong đó SHB tăng 5,31% lên 11.900 đồng, khớp 7,4 triệu đơn vị, ACB tăng 0,47% lên 21.200 đồng, khớp 4,94 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn có VCG tăng 0,4% lên 24.900 đồng, VCS tăng 6,86% lên 57.600 đồng, PVI tăng 2,81% lên 29.300 đồng.

Trong khi đó, PVS lại giảm 4,5% xuống 10.600 đồng, khớp 6,86 triệu đơn vị, NVB đứng giá tham chiếu 8.800 đồng, khớp 3,24 triệu đơn vị.

Thị trường UPCoM cũng có diễn biến tương tự 2 sàn niêm yết khi rơi mạnh ngay đầu phiên chiều, sau đó hồi trở lại cuối phiên và may mắn giữ được sắc xanh nhạt.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,12%), lên 50,37 điểm với 116 mã tăng và 75 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,9 triệu đơn vị, giá trị 199 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,47 triệu đơn vị, giá trị 42,6 tỷ đồng.

BSR là LPB là 2 mã có thanh khoản lớn nhất UPCoM và cũng là 2 mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, BSR khớp 5,27 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 5,8% xuống 6.500 đồng, còn LPB khớp 3,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,47% lên 6.900 đồng.

Trên thị trường phái sinh, trong khi VN30-Index giữ được sắc xanh nhạt với mức tăng 0,13% lên 700,65 điểm, thì toàn bộ hợp đồng tương lai của chỉ số này đều giảm, thậm chí giảm rất mạnh từ hơn 1,5% đến hơn 2,5%. Trong đó, hợp đồng có thời hạn đáo hạn gần nhất là VN30F2003 giảm 1,8% xuống 688 điểm với 174.759 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở đạt 13.875 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng và giảm khá cân bằng (25 mã tăng và 26 mã giảm, số khác đứng giá tham chiếu). Trong đó, CROS2001 là mã có thanh khoản tốt nhất với 899.600 đơn vị, đóng cửa tăng 8% lên 90 đồng. Tiếp đến là CVRE1903 với 671.300 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa đứng giá tham chiếu 80 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục