Phiên chiều 15/7: Cổ phiếu vua “không cứu” được thị trường

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng và tập trung mạnh ở một số cổ phiếu lớn đã khiến VN-Index chính thức chia tay mốc 975 điểm bất chấp dòng bank giao dịch có phần khởi sắc, với tâm điểm là cặp đôi VCB và TCB.
Phiên chiều 15/7: Cổ phiếu vua “không cứu” được thị trường

Sau khi thử thách ngưỡng kháng cự 980 điểm không thành, VN-Index đã may mắn bảo toàn được mốc 975 điểm trong tuần vừa qua. Tuy nhiên, vùng điểm này nhanh chóng bị đánh mất trong phiên sáng đầu tuần 15/7 do sức ép đến từ nhóm cổ phiếu lớn.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu gia tăng giúp thị trường thu hẹp đà giảm và VN-Index tiếp cận lại ngưỡng 975 điểm. Nỗ lực kéo lên mốc tham chiếu bất thành trước áp lực bán gia tăng đã khiến thị trường thoái lui.

Chỉ số VN-Index bị đẩy xuống sát mốc 970 điểm sau hơn 80 phút giao dịch. Tuy nhiên, cũng giống phiên sáng, ngay khi tiệm cận ngưỡng này, lực cầu bắt đáy được kích hoạt đã giúp thị trường hãm đà rơi.

Đóng cửa, sàn HOSE cân bằng với 148 mã tăng và 148 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 2,87 điểm (-0,29%) xuống 972,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 150,55 triệu đơn vị, giảm 4,29% so với phiên cuối tuần trước; tương ứng tổng giá trị đạt xấp xỉ phiên trước là 3.567,44 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận đạt 32,85 triệu đơn vị, giá trị 890,45 tỷ đồng; trong đó riêng VPB thỏa thuận 5,59 triệu đơn vị, giá trị 111,53 tỷ đồng và ROS thỏa thuận 4,5 triệu đơn vị, giá trị 135 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu vua đang có những tín hiệu tích cực, với cặp đôi TCB và VCB là những má phanh chính của thị trường. Cụ thể, VCB tăng 1,8% lên mức giá cao nhất 75.000 đồng/CP, TCB tăng 2,2% lên 21.150 đồng/CP.

Một trong những nguyên nhân giúp VCB thiết lập đỉnh mới có thể là kết quả kinh doanh khả quan 6 tháng đầu năm 2019 với lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt kỷ lục 11.045 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận hợp nhất khoảng 11.280 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ và hoàn thành 55% kế hoạch năm.

Ngoài ra, các mã khác trong ngành như CTG, MBB, VPB, EIB cũng hồi nhẹ.

Trong khi đó, hầu hết các cổ phiếu lớn khác lại gia tăng gánh nặng, điển hình là cặp đôi lớn nhà Vin tác động mạnh tới chỉ số chung của thị trường gồm VIC giảm 1,6% xuống 114.200 đồng/CP, VHM giảm 1,3% xuống 82.000 đồng/CP.

Ngoài ra, một số mã bluechip khác cũng tác động thiếu tích cực như MSN giảm 2% xuống 79.900 đồng/CP, SAB giảm 2,4% xuống 282.000 đồng/CP, VNM giảm 0,6% xuống 123.200 đồng/CP, HPG giảm 2,1% xuống 21.450 đồng/CP…

Cổ phiếu ROS trở lại vị trí vua thanh khoản với hơn 9,62 triệu đơn vị được khớp lệnh, tuy nhiên chưa thoát khỏi sắc đỏ khi giảm 1,8% và đóng cửa tại mức giá 28.000 đồng/CP.

Trái lại, cổ phiếu mới GAB vẫn hấp dẫn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Với mức tăng trần, GAB đóng cửa tại mức giá 16.450 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh duy trì ở mức trên 1 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần đạt 169.160 đơn vị.

Trên HNX, không được may mắn như phiên sáng. Sau hơn 30 phút rung lắc, thị trường đã chính thức đảo chiều giảm điểm trong phiên đầu tuần.

Cụ thể, HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,23%) xuống 105,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,94 triệu đơn vị, giá trị 284,11 tỷ đồng, giảm gần 27% về lượng và 29,71% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt gần 4,27 triệu đơn vị, giá trị 63,33 tỷ đồng.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn có VCG tăng 1,2% lên 26.200 đồng/CP, PHP tăng 1,1% lên 9.500 đồng/CP, PVI tăng 0,8% lên 37.300 đồng/CP, NVB tăng 1,2% lên 8.100 đồng/CP.

Trái lại, ACB giảm 0,33% xuống 30.000 đồng/CP, VCS giảm 0,1% xuống 74.300 đồng/CP, DL1 giảm 9,9% xuống mức giá sàn 30.000 đồng/CP, DGC giảm 1,3% xuống 30.800 đồng/CP; còn SHB, PVS đứng giá tham chiếu.

Chỉ có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị gồm HUT khớp lệnh 2,35 triệu đơn vị, PVS khớp 2,23 triệu đơn vị và NDN khớp 1,98 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, mặc dù có thời điểm được kéo qua mốc tham chiếu nhưng chỉ số UPCoM-Index nhanh chóng bị đẩy lùi trở lại và kết phiên trong sắc đỏ.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,09%) xuống 56,55 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,95 triệu đơn vị, giá trị 184,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,37 triệu đơn vị, giá trị 61,4 tỷ đồng.

Trong khi VGI tăng 6,1% lên 29.500 đồng/CP, VIB tăng 4,6% lên 18.300 đồng/CP, VEA tăng 4,2% lên 62.100 đồng/CP, ACV tăng 1,9% lên 84.000 đồng/CP…, thì một số mã lớn khác vẫn chưa thoát khỏi đà giảm như GVR giảm 1,5% xuống 13.300 đồng/CP, BSR giảm 0,8% xuống 12.100 đồng/CP, MCH giảm 2,9% xuống 95.100 đồng/CP…

Cặp đôi VGI và VIB vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng giao dịch tương ứng đạt 1,98 triệu đơn vị và 1,34 triệu đơn vị.

rên thị trường chứng khoán phái sinh, trong khi hợp đồng trái phiếu tương lai vẫn chỉ có duy nhất GB05F1909 giao dịch nhỏ giọt với 5 hợp đồng được giao dịch thành công, thì ở nhóm 4 hợp đồng VN30, VN30F1907 đáo hạn ngày 18/7 vẫn là mã giao dịch sôi động nhất với 102.320 đơn vị, khối lượng mở 25.361 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, có 7 chứng quyền giảm, 8 chứng quyền tăng và 1 chứng quyền không có biến động về giá là CHPG1905.

Về thanh khoản, CMWG1902 tiếp tục là mã có thanh khoản tốt nhất với 274.550 đơn vị. Tiếp đến là CVNM1901 với 243.120 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục