Phiên chiều 15/12: Vinamilk trở thành "gánh nặng" của thị trường

(ĐTCK) Nhà đầu tư thiếu tự tin khi xuống tiền khiến thị trường giao dịch khá ảm đạm trong phiên 15/12. Trong đó, "ngôi sao lẻ bóng" SAB chỉ đủ sức giúp thị trường bảo toàn sắc xanh trước sự điều chỉnh của nhiều trụ cột, đặc biệt là gánh nặng đến từ VNM.

Việc Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, từ biên độ 0,25% - 0,5% lên 0,5%-0,75%, dường như đã không có ảnh hưởng gì đáng kể tới chứng khoán Việt Nam phiên hôm nay.

Bất chấp thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm vì Fed thì 2 chỉ số tại Việt Nam vẫn diễn ra theo cái cách của riêng mình. Vào phiên sáng thì hầu hết các mã lớn đều có diễn biến tích cực, nhưng điều đó không giữ được trong phiên chiều.

Lực đỡ không mấy bền vững do áp lực bán luôn thường trực khiến diễn biến chỉ số phiên chiều rung lắc mạnh. VN-Index có thời điểm rơi xuống dưới ngưỡng 665 điểm, với các điểm sáng không nhiều nhưng đủ để giữ sắc xanh như SAB, ROS, VCB, CTG.

Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 121 mã tăng và 115 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,78 điểm (+0,12%) lên mức 665,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 126,55 triệu đơn vị, giá trị 2.361,39 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 19,41 triệu đơn vị, giá trị 419,55 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch thiếu tích cực với 11 mã tăng và 14 mã giảm, chỉ số VN30-Index giảm 2,01 điểm (-0,33%) xuống mức 613,25 điểm.

Trong đó, VNM chịu thêm sức ép khối ngoại, trở thành gánh nặng lớn nhất khi giảm 2,45% xuống mức giá 127.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 2,74 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác như VIC, GAS, PVD, BID, FPT cũng đóng vai trò lực hữm thị trường.

Trái lại, “ông lớn” ngành bia là SAB vẫn là điểm tựa chính của thị trường, giúp VN-Index giữ sắc xanh trong phiên giao dịch hôm nay. Đây là phiên tăng trần thứ 8 liên tiếp của SAB kể từ ngày chào sàn. Với mức tăng 7%, SAB đóng cửa tại mức giá 211.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 380.050 đơn vị và dư mua trần 46.760 đơn vị.

Các cổ phiếu trong nhóm cao su như DRC, CSM, SRC, PHR, TNC, TRC vẫn giữ sắc xanh, cũng góp công vào việc giữ nhịp tăng cho thị trường.

Cổ phiếu ITA tiếp tục chịu áp lực bán mạnh và giảm sàn xuống 3.950 đồng. Đáng chú ý, cổ phiếu ITA đã giảm khá sâu kể từ khi công bố thỏa thuận với DAS. Trong khi đó, cổ phiếu HQC cũng giảm 120 đồng xuống 2.360 đồng dù có thời điểm đã tăng kịch trần.

Tương tự, sàn HNX cũng khá cân bằng với 77 mã tăng và 65 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng 0,28 điểm (+0,36%) lên mức 78,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,69 triệu đơn vị, giá trị 354,21 tỷ đồng.

HNX30-Index tăng 0,34 điểm (+0,24%) lên mức 141,05 điểm với 12 mã tăng, 7 mã đứng giá và 11 mã giảm giá.

Cũng giống sàn HOSE, sóng cổ phiếu đầu cơ nhanh chóng bị xóa tan. Điển hình, KLF sau phiên hồi phục tăng trần ngày hôm qua, đã trở lại trạng thái giảm điểm. Với mức giảm 4%, KLF đóng cửa tại mức giá 2.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 7,25 triệu đơn vị.

Với diễn biến thị trường như phiên hôm nay, sự hào hứng của phiên ngày hôm qua đã biến mất, và dự báo cho ngày mai là một thách thức của các chuyên gia phân tích.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục