Sau phiên giảm khá mạnh ngày đầu tuần 10/2, thị trường đã hồi phục trở lại. Tuy sắc xanh được cầm cự trong 3 phiên liên tiếp giữa tuần, nhưng đà tăng khá hạn chế, chỉ số VN-Index vẫn chưa lấy lại được gì vừa để mất.
Trong phiên sáng nay 14/2, thị trường vẫn tiếp diễn trạng thái rung lắc. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của một số mã lớn đã giúp VN-Index may mắn thoát hiểm và nỗ lực dành lại mốc 940 điểm.
Trong bối cảnh thị trường diễn biến phân hóa cùng dòng tiền chưa đủ mạnh, thị trường đã nhanh chóng trở lại trạng thái giằng co và biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu trong phiên chiều.
Đóng cửa, với 160 mã tăng và 177 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 0,79 điểm (-0,08%) xuống 937,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 204,35 triệu đơn vị, giá trị 3.696,76 tỷ đồng, tăng 15% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên 13/2.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp 32,16 triệu đơn vị, giá trị 986,87 tỷ đồng, trong đó riêng VPB thỏa thuận 16,3 triệu đơn vị, giá trị 463,74 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa, trong đó BID -0,8% xuống 50.000 đồng/CP, CTG -1,7% xuống 26.800 đồng/CP, HDB -2,1% xuống 28.600 đồng/CP; trái lại MBB +1,6% lên 21.750 đồng/CP, TCB +3,1% lên 23.300 đồng/CP, VPB +2,1% lên 27.150 đồng/CP, VCB quay lại mốc tham chiếu.
Trong khi cặp đôi VHM và GAS tiếp tục duy trì đà tăng hỗ trợ thị trường thì một số mã lớn khác lại gia tăng sức ép. Đáng kể là VIC bị bán mạnh và -2,1%, chốt phiên tại mức giá thấp nhất ngày 110.000 đồng/CP. Ngoài ra, VNM, SAB, MSN, MWG… vẫn giảm nhẹ.
Bên cạnh thỏa thuận lớn cổ phiếu VPB, nhóm ngân hàng vẫn có sức hút lớn nhất trên thị trường, trong đó STB dẫn đầu thanh khoản với 17,83 triệu đơn vị, ngoài ra MBB khớp hơn 9 triệu đơn vị, CTG khớp hơn 6,1 triệu đơn vị, VPB khớp 5,75 triệu đơn vị…
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, áp lực bán cũng gia tăng khiến nhiều điểm nóng đảo chiều. Điển hình là ROS dừng chân sau 5 phiên tăng trần khi -6,7% xuống sát mức giá sàn và cũng là mức thấp nhất ngày 9.200 đồng/CP, HAI cũng đảo chiều -6,3% xuống 2.540 đồng/CP, FLC, SCR, ITA, KBC… cũng kết phiên dưới mốc tham chiếu.
Trên sàn HNX, đà tăng duy trì khá tốt trong suốt cả phiên.
Đóng cửa, 28 mã tăng và 34 mã giảm, HNX-Index tăng 1,55 điểm (+1,43%) lên 109,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,65 triệu đơn vị, giá trị 411,66 tỷ đồng, giảm 24,5% về khối lượng và 14,24% về giá trị so với phiên 13/2. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,52 triệu đơn vị, giá trị gần 57,21 tỷ đồng.
Cổ phiếu ACB vẫn là điểm nhấn của thị trường khi kết phiên +3,5% lên 26.400 đồng/CP và tiếp tục giao dịch sôi động với hơn 8 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Bên cạnh đó, người anh em SHB cũng khởi sắc khi +1,4% lên 7.300 đồng/CP và khớp lệnh 5,47 triệu đơn vị, còn NVB lấy lại mốc tham chiếu và khớp 2,22 triệu đơn vị. Đây cũng là 3 mã dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.
Trái lại, PVS, PVB, DGC, VCG… tiếp tục giảm nhẹ.
Trên UPCoM, thị trường vẫn giao dịch khởi sắc và chỉ số UPCoM-Index nhích bước trong phiên chiều.
Đóng cửa, với 36 mã tăng và 26 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,3 điểm (+0,54%) lên 56,47 điểm. Tổng khối giao dịch đạt 10,87 triệu đơn vị, giá trị 127,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận khá thấp, chưa tới 1 tỷ đồng.
Cặp đôi cổ phiếu ngân hàng LPB và VIB tiếp tục nới rộng biên độ với mức tăng lần lượt +5,71% lên 7.400 đồng/CP và +2,22% lên 18.400 đồng/CP. Đây cũng là 2 mã giao dịch tốt nhất, với khối lượng giao dịch tương ứng 2,78 triệu đơn vị và 1,96 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí tiếp theo GVR +5,6% lên 11.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 678.800 đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều hồi phục. Trong đó, mã có thời hạn đáo hạn gần nhất (ngày 20/2) là VN30F2002 được giao dịch mạnh nhất với 126.261 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 17.264 hợp đồng, tăng 0,78% lên 861,8 điểm.
Trên thị trường chứng quyền, có 26 mã tăng, 20 mã giảm và 5 mã đứng giá. Trong đó, CROS2001 là mã có thanh khoản cao nhất với 215.292 đơn vị được khớp, đóng cửa giảm hơn 13% xuống 200 đồng/CQ.