Phiên chiều 1/4: ROS vào sóng, VN-Index giữ vững đà tăng

(ĐTCK) Lực cầu bất ngờ ồ ạt trong phiên chiều đưa ROS gia nhập sóng cổ phiếu thị trường trong phiên chiều nay. Trong khi đó, dù dòng tiền không quá lớn, nhưng bên giữ hàng không bán giá thấp giúp VN-Index duy trì đà tăng tốt của phiên sáng.
Phiên chiều 1/4: ROS vào sóng, VN-Index giữ vững đà tăng

Trong phiên sáng, sau ít phút rung lắc nhẹ đầu phiên, dòng tiền đầu cơ đã nhập cuộc mạnh trở lại giúp hàng loạt mã cổ phiếu thị trường phi thẳng từ mức sàn lên mức trần. Nhiều cổ phiếu như AMD, QCG, HAI sau chuỗi 10 phiên giảm sàn liên tiếp (tính cả lúc mở cửa phiên sáng nay) đã đồng loạt nở sắc tím với lượng dư mua trần lớn.

Sóng nhóm cổ phiếu thị trường đã lan rộng dần ra bảng điện tử, kéo theo nhiều mã lớn nhỏ khác tăng mạnh, nhất là nhóm cổ phiếu tài chính (chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm), qua đó giúp VN-Index tăng gần 18 điểm khi chốt phiên sáng.

Bước vào phiên chiều, trong khi lực cung và cầu ở đa số mã khác đã gần như bão hòa, khiến thị trường giao dịch chậm, thì ROS lại bất ngờ nổi lên.

Lực cầu ồ ạt gia tăng đã hấp thụ hết lượng dư bán, kéo mã này lên thẳng mức giá trần với thanh khoản cũng tăng vọt lên dẫn đầu thị trường, vượt qua LDG.

Chốt phiên, ROS đóng cửa ở mức trần 3.480 đồng, khớp 19,42 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 5,7 triệu đơn vị. Sắc tím cũng được duy trì tại FLC, HAI, HQC, DLG, AMD, QCG và thêm HSG và TSC gia nhập. Thanh khoản của các mã này khá lớn, trong đó FLC là 14 triệu đơn vị, HAI gần 11,8 triệu đơn vị, HQC gần 5,6 triệu đơn vị, HSG hơn 4 triệu đơn vị, DLG và AMD hơn 3,9 triệu đơn vị, QCG hơn 2,8 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn phải kể đến một số mã khác như FCN, FIT, LCG, TDG, BCG, EVG, DAH cũng đóng cửa trong sắc tím.

Trong khi đó, do dòng tiền không qua tham lam, trong khi bên nắm giữ hàng cũng không chịu giảm giá bán, khiến giao dịch chung của thị trường khá trầm lắng trong phiên chiều, thanh khoản vì vậy không cải thiện nhiều so với phiên hôm qua và VN-Index chỉ lình xình quanh mức giá đóng cửa của phiên sáng và đóng cửa chỉ hao hụt chút ít.

Chốt phiên, VN-Index tăng 17,70 điểm (+2,67%), lên 680,23 điểm với 287 mã tăng (38 mã tăng trần) và 86 mã giảm (24 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 267 triệu đơn vị, giá trị 3.834 tỷ đồng, tăng rất nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 63,7 triệu đơn vị, giá trị 1.714 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, đa số vẫn giữ được đà tăng mạnh, chỉ có VHM đảo chiều giảm nhẹ, nhưng bù lại VPB lại đảo chiều tăng 1,77% lên 17.250 đồng.

Ngoài STB, BVH, SSI, HCM, phiên chiều còn ghi nhận thêm DPM tăng trần lên 12.250 đồng. Còn lại, VIC tăng 3,12% lên 86.000 đồng, VCB tăng 4,84% lên 65.000 đồng, VNM tăng 3,3% lên 94.000 đồng, BID tăng 4,05% lên 32.100 đồng, GAS tăng 2,37% lên 56.100 đồng, CTG tăng 6,4% lên 18.300 đồng, TCB tăng 3,33% lên 15.500 đồng, VJC tăng 2,06% lên 99.200 đồng, PLX tăng 6,58% lên 38.900 đồng, HPG tăng 2,37% lên 17.250 đồng, MBB tăng 5,17% lên 14.250 đồng…

Trong đó, STB là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 8,8 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 7.810 đồng. Tiếp đến là MBB khớp 6,4 triệu đơn vị, CTG 5,5 triệu đơn vị, HPG gần 4,9 triệu đơn vị, VPB gần 3,7 triệu đơn vị…

Trên HNX, sau nửa phiên chiều lình xình quanh mức đóng cửa của phiên sáng, HNX-Index đã bứt lên trong nửa cuối phiên, nhưng không đủ sức lên mức cao nhất ngày xác lập ở gần cuối phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,98 điểm (+3,21%), lên 95,61 điểm với 99 mã tăng và 52 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,5 triệu đơn vị, giá trị 325,7 tỷ đồng, giảm 29% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,78 triệu đơn vị, giá trị 58,8 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn trên sàn này nới rộng đà tăng, như ACB tăng 4,49% lên 18.600 đồng, khớp 2,76 triệu đơn vị. SHB tăng 5,74% lên 12.900 đồng, khớp 3,78 triệu đơn vị. VCS tăng 3,02% lên 54.600 đồng, PVI tăng 4,04% lên 28.300 đồng. PVS tăng 4,44% lên 9.400 đồng, khớp 3,6 triệu đơn vị. NVB tăng 3,8% lên 8.200 đồng, khớp 2,3 triệu đơn vị. Trong khi đó, VIF vẫn giảm sàn xuống 15.000 đồng.

Trong các mã nhỏ, ngoài KLF, PVX và ART, thì HUT cũng trở lại mức trần, kéo theo MBG, DST, HKB… cũng đóng cửa trong sắc tím. Trong đó, KLF khớp 4,54 triệu đơn vị, lớn nhất sàn HNX, đóng cửa ở mức 1.500 đồng, còn dư mua giá trần và ATC 0,75 triệu đơn vị. MBG khớp 2,79 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức 5.700 đồng và còn dư mua giá trần. HUT khớp 2,23 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức 1.400 đồng…

Trên thị trường UPCoM, sau khi hạ nhiệt nhẹ lúc đầu phiên chiều, chỉ số chính của thị trường này đã bật trở lại và leo thăng lên mức cao nhất ngày khi chốt phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,89 điểm (+1,86%), lên 48,63 điểm với 126 mã tăng và 44 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,35 triệu đơn vị, giá trị 375 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,13 triệu đơn vị, giá trị 286,8 tỷ đồng.

Trên thị trường này vẫn chỉ có LPB và BSR là 2 mã có thanh khoản tính bằng triệu đơn vị. Đóng cửa, LPB tăng 8,93% lên 6.100 đồng, khớp 3,8 triệu đơn vị, BSR tăng 2,05% lên 5.000 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Các mã lớn khác đa số đều tăng giá như VIB, OIL, VGI, CTR, VEA, VTR, MCH, ACV…

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ cố VN30-Index đều tăng điểm, nhưng mức tăng không bằng VN30-Index. Cụ thể, VN30-Index tăng 2,95% lên 628,79 điểm, trong khi 2 hợp đồng tương lai VN30F2005 và VN30F2006 tăng mạnh nhất chưa tới 2,1%. Hợp đồng có thời gian đáo hạn gần nhất là VN30F2004 (đáo hạn ngày 16/4) tăng 1,95% lên 590 điểm với 218.566 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 17.879 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm thế áp đảo, trong đó mã có thanh khoản tốt nhất là CVPB2004 với 730.310 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa tăng 150% lên 100 đồng. Tiếp theo là CHDB2001 với 577.630 đơn vị, đóng cửa tăng 14,29% lên 80 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục