Sau nhịp điều chỉnh về sát ngưỡng thử thách 675 điểm, lực cầu bắt đáy gia tăng giúp thị trường hãm đà giảm điểm. Tuy nhiên, lực cầu suy yếu cùng với sự hỗ trợ thiếu tích cực từ các cổ phiếu bluechip khiến chỉ số VN-Index không thể dành lại mốc tham chiếu khi chốt phiên sáng.
Trong khi nhóm cổ phiếu ngành thép nhanh chóng hạ nhiệt sau phiên khởi sắc hôm qua thì các mã khoáng sản, cao su tự nhiên vẫn đua nhau tăng mạnh. Ngoài ra, trong phiên sáng nay thị trường còn chứng kiến con sóng mới nổi ở nhóm cổ phiếu ngành than.
Tâm lý nhà đầu tư vẫn duy trì trạng thái thận trọng khi bước vào phiên giao dịch chiều khiến chỉ số VN-Index tiếp tục giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu. Sau nhịp điều chỉnh nhẹ đầu phiên, dòng tiền nhanh chóng quay trở lại giúp thị trường hồi phục, chỉ số VN-Index đang hướng tới mốc 680 điểm.
Những tưởng VN-Index sẽ chinh phục thành công ngưỡng thử thách trên nhưng điểm tựa từ các cổ phiếu bluechip khá yếu, ngoại trừ mã lớn VIC, khiến thị trường chưa thể bước qua vùng khó này.
Tâm điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay là cổ phiếu nóng ROS. Cú chững lại ở phiên sáng đã trở thành bàn đạp để ROS tiếp tục thằng tiến lên mức giá trần trong phiên giao dịch chiều.
Chốt phiên, ROS tăng 7.100 đồng (+7%), leo lên mức giá trần 108.700 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 2,33 triệu cổ phiếu.
Với việc ROS tăng đột đã giúp ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC có thời điểm vươn lên trở thành người giàu số 1 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vigroup.
Cuộc chạy đua thứ hạng khá gay cấn về cuối phiên, khi cổ phiếu VIC có cú bứt phá, từ mức giá đỏ vượt qua mốc tham chiếu và đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày 44.000 đồng/CP, tăng 1.200 đồng/CP (+2,8%), giúp ông Vượng trở lại vị trí người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, với việc sở hữu gần 279,559 triệu cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần xây dựng Faros và gần 108,86 triệu cổ phiếu FLC, tại phiên giao dịch hôm nay, tổng giá trị cổ phiếu của ông Quyết đạt 31.150 tỷ đồng.
Trong khi đó, với việc sở hữu là 724,05 triệu cổ phiếu VIC, tổng giá trị tài sản trên sàn của ông Vượng đạt 31.858 tỷ đồng, cao hơn 708 tỷ đồng so với tài sản cổ phiếu của ông Quyết.
Mặc dù nhận được sự hỗ trợ tích cực từ trụ cột VIC, nhưng giao dịch thiếu tích cực từ các mã lớn khác như VNM, VCB, MSN, PVD, BVH… khiến VN-Index thất bại trong việc chinh phục lại ngưỡng 680 điểm.
Đóng cửa, VN-Index tăng 1,03 điểm (+0,15%) lên 679,2 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 115,75 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.906,24 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 19,1 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 238 tỷ đồng. VN30-Index tăng nhẹ 0,1 điểm (+0,02%) đứng ở mức 642 điểm với 11 mã tăng, 19 mã giảm và 3 mã đứng giá.
Trong khi đó, dù có cú hồi phục tích cực ở giữa phiên nhưng do lực cầu thấp cùng với sự suy yếu của các mã bluechip khiến sàn HNX không thoát khỏi sắc đỏ.
Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,08 điểm (-0,1%) xuống 81,3 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 35,89 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 275 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,5 triệu đơn vị, giá trị 17,15 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 1,08 điểm (-0,74%) xuống 146,18 điểm.
Thông tin giá cao su lên đỉnh 1 năm đã giúp các cổ phiếu trong nhóm cao su tự nhiên vẫn duy trì đà tăng mạnh như VHG tăng trần, PHR tăng 4,5%, DPR tăng 2,6%, TNC tăng 3,4%, TRC tăng 2,6%.
Bên cạnh đó, sắc tím vẫn nở rộ trên nhóm cổ phiếu ngành than, cụ thể, các mã TDN, HLC, NBC, TC6, TCS, THT, TVD đều tăng trần.