Dù thị trường đã hồi phục vào cuối phiên nhưng các tín hiệu phát đi vẫn chưa mấy tích cực. Lực cầu tỏ ra khá thận trọng khiến thanh khoản trên cả 2 sàn suy giảm mạnh, bên cạnh đó, các cổ phiếu bluechip vẫn chủ yếu đi ngang, chưa hỗ trợ nhiều khiến thị trường thiếu động lực để bứt phá.
Bước sang phiên giao dịch chiều, áp lực bán gia tăng khiến chỉ số VN-Index tiếp tục thử thách tại ngưỡng 675 điểm. Sau hơn 30 phút giằng co, thị trường đã chiến thắng mốc điểm trên và dần hồi phục. Dù vẫn còn những nhịp rung lắc nhẹ, nhưng lực cầu tích cực về cuối phiên đã giúp VN-Index vươn lên mức cao nhất trong ngày.
Trong đó, với báo cáo tài chính khả quan trong 9 tháng đầu năm nay, BVH vẫn duy trì đà tăng khá tốt với biên độ tăng 2,34%, giữ nguyên mức giá chốt phiên sáng 65.500 đồng/CP.
Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ thị trường như GAS tăng 0,76%, BID tăng 1,8%, HSG tăng 1,62%, VIC tăng 0,59%, MWG tăng 1,38%. Trái lại, các trụ cột VNM, VCB, MSN lại diễn biến khá tiêu cực khi cùng quay đầu giảm nhẹ.
Đóng cửa, sàn HOSE có 108 mã tăng và 140 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 0,8 điểm (+0,12%) lên 676,6 điểm. Nhóm bluechip giao dịch thiếu tích cực khi có 17 mã giảm, 11 mã tăng và 2 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index giảm 1,17 điểm (-0,18%) xuống 643,05 điểm.
Thanh khoản thị trường suy giảm mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt 118,66 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.867,85 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 14,97 triệu đơn vị, giá trị 270,83 tỷ đồng.
Tâm điểm đáng chú ý trong phiên chiều nay là dòng tiền đầu cơ chảy mạnh giúp các mã này khởi sắc về giá cùng thanh khoản tăng mạnh. Trong đó, FLC sau nhịp dừng để nghe ngóng buổi sáng, nhà đầu tư đã nhanh chóng đua mua vào mã này trong phiên chiều, giúp FLC giao dịch khởi sắc cả giá và thanh khoản khi dẫn đầu thanh khoản với hơn 22 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, đóng cửa tăng 4,62% lên 7.020 đồng/CP.
Tiếp đó, ITA khớp 14,65 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 4.920 đồng/CP, tăng 1,23%; KBC tăng 0,3% và khớp 2,91 triệu đơn vị.
Trong khi đó, kịch bản cũ đã không lặp lại đối với ROS dù lực cầu hấp thụ có giúp cổ phiếu này thu hẹp đà giảm điểm. Đóng cửa, ROS đã giảm 1.300 đồng (-1,5%) xuống 85.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 2,12 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, dù có thời điểm hồi xanh nhưng áp lực bán luôn thường trực khiến thị trường đóng cửa trong sắc đỏ. Với 83 mã giảm và 64 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm nhẹ 0,04 điểm (-0,05%) xuống 82,21 điểm. Thanh khoản cũng giảm mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt 31,83 triệu đơn vị, giá trị 284,54 tỷ đồng.
Cũng giống sàn HOSE, các cổ phiếu bluechip trên sàn HNX biến động không quá lớn, trong đó các mã NTP, DBC, CEO… tiếp tục đóng vai trò là má phanh cho thị trường.
Một số điểm đáng chú ý như cổ phiếu HKB sau 2 phiên giảm sàn với giao dịch thấp, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp cổ phiếu này hồi phục. Với mức tăng 4,4%, HKB đóng cửa ở mức giá 4.700 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 5,31 triệu đơn vị.
KVC chính thức chấm dứt chuỗi ngày nằm sàn và đóng cửa ở mức giá trần 3.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 1,9 triệu đơn vị.
Ngoài ra, các mã có tính đầu cơ cũng giao dịch khá sôi động như KLF, HUT, SCR…