Phiên chiều 10/1: Nghỉ ngơi để bứt phá?

(ĐTCK) Chỉ số VN-Index chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp. Tuy nhiên, việc thị trường giảm kèm thanh khoản giảm cho thấy, áp lực bán không lớn và nhiều khả năng đây chỉ là phiên điều chỉnh kỹ thuật để lấy sức bước vào đợt bứt phá mới.
Phiên chiều 10/1: Nghỉ ngơi để bứt phá?

Sau 7 phiên tăng liên tiếp, VN-Index đã bước vào vùng kháng cự mạnh 680-685 điểm. Không nằm ngoài dự đoán của một số công ty chứng khoán, diễn biến tăng mạnh của thị trường trong thời gian qua sẽ khiến lo ngại áp lực chốt lời gia tăng mạnh ở những phiên sắp tới, đồng thời nhận định rủi ro đảo chiều trong ngắn hạn ở mức cao.

Bước vào phiên giao dịch sáng 10/1, sau ít phút tăng nhẹ đầu phiên, thị trường đã gặp bất lợi khi nhóm cổ phiếu ngân hàng - động lực chính giúp VN-Index vượt qua giai đoạn nhạy cảm vừa qua đã quau đầu giảm điểm trước áp lực bán gia tăng. Dù đà giảm không quá sâu nhưng hầu hết các mã đầu ngành như VCB, BID, CTG, ACB đều quay đầu giảm điểm đã tác động tiêu cực tới thị trường.

Dù giữa phiên thị trường có đón nhận một nhịp hồi giúp VN-Index tiếp cận mốc 683 điểm, nhưng “đến nhanh và đi nhanh”, sắc đỏ nhanh chóng quay lại cùng diễn biến lình xình hết phiên giao dịch.

Sang phiên chiều, tâm lý thận trọng quan sát trước những biến động của thị trường khiến giao dịch khá ảm đạm. Lực cầu suy yếu trong khi áp lực bán có phần chiếm ưu thế hơn khiến VN-Index không có cơ hội để hồi phục.

Đóng cửa, VN-Index giảm 1,5 điểm (-0,22%) xuống mức 681,07 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 87,8 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 1.962,95 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 8,86 triệu đơn vị, giá trị 289,46 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu bluechip, MSN vẫn là má phanh chính khi duy trì mức tăng 1,76%, đóng cửa tại mức giá 63.700 đồng/CP. Các cổ phiếu lớn khác như VNM, MWG, FPT, DPM cùng các mã ngành thép HPG và HSG cũng góp sức hãm đà giảm sâu của thị trường.

Trái lại, các cổ phiếu trong nhóm tài chính có phần yếu thế và tác động tiêu cực tới thị trường. Đáng kể, sau chuỗi ngày tăng mạnh hỗ trợ tốt cho thị trường, con sóng cổ phiếu ngân hàng dần dập tắt là một trong những nguyên nhân chính kéo thị trường đi xuống.

Bên cạnh đó, thông tin giá dầu thô lao dốc trong phiên đầu tuần cũng đã tác động tiêu cực khiến các mã họ P gặp bất lợi. Chốt phiên GAS giảm 0,83%, PVD giảm 1,4%; trên sàn HNX, PVS giảm 1,1%, PVC giảm 1,2%.

Trong khi đó, cú thoát hiểm cuối phiên sáng trên sàn HNX đã giúp nhà đầu tư kỳ vọng hơn khi bước sang phiên chiều. Lực cầu khá tích cực và tập trung vào các cổ phiếu bluechip giúp nhiều mã khởi sắc, là động lực lớn giúp thị trường tiếp tục nới rộng đà tăng điểm.

Bên cạnh ACB tiếp tục nới rộng đà tăng điểm, sắc xanh được củng cố thêm ở nhiều mã lớn như VCG, VCS, CEO, BCC… giúp HNX-Index tiếp tục leo lên mốc 83 điểm và đóng cửa tại mức cao nhất ngày.

Với mức tăng 0,36 điểm (+0,43%), HNX-Index đóng cửa tại mốc 83,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 27,53 triệu đơn vị, giá trị 366,6 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 1,19 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường giảm đáng kể. Cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh lớn nhất là ITA đã chuyển nhượng thành công 5,29 triệu đơn vị.

Tiếp theo đó các mã HAG, FLC, OGC và CEO cùng có khối lượng khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị.

UCoM tăng nhẹ

Sàn UPCoM không có nhiều biến động và đóng cửa trong sắc xanh sau cú trượt chân nhẹ về cuối phiên. Với mức tăng 0,07 điểm (+0,12%), UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,12%) lên mức 55,09 điểm. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp với khối lượng giao dịch đạt hơn 4,85 triệu đơn vị, giá trị 90,27 tỷ đồng.

Trên sàn này không có mã nào có tổng khối lượng giao dịch trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, thanh khoản tốt nhất là HRG với 0,91 triệu đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa ở mức trần 10.800 đồng.
Tân binh VIB đứng ở mức tham chiếu 18.700 đồng với 234.200 đơn vị được chuyển nhượng. Mã lớn mới lên UPCoM khác như HVN tăng 1,65%, lên 43.000 đồng, trong khi VGG lại giảm 5,43%, xuống 61.000 đồng. BHN cũng giảm mạnh 4,19%, xuống 128.000 đồng.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục