>> CTCK nhận định thị trường ngày 8/10
Phiên chiều: Đảo chiều cuối phiên
Dù lực bán gia tăng khi VN-Index chạm mốc 500 điểm, nhưng nhờ lực mua khá tích cực, nên thị trường dần đảo chiều vào nửa cuối phiên chiều và chinh phục lại thành công mốc 500 điểm. Thanh khoản cải thiện nhẹ so với phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên 8/10, VN-Index tăng 1,75 điểm (+0,35%), lên 502,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 72,18 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị 1.131,07 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,79 triệu đơn vị, tương đương giá trị 83 tỷ đồng.
Trong khi đó, VN30-Index cũng tăng 1,01 điểm (+0,18%), lên 558,55 điểm với 12 mã tăng, 13 mã giảm và 5 mã đứng giá.
Ngoài các cổ phiếu CLG, DAG, DVP vẫn giữ được đà tăng trần như phiên sáng, phiên chiều cũng ghi nhận đà tăng mạnh của DIG khi được đóng cửa ở mức trần 10.500 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp 1,24 triệu đơn vị.
Trong khi đó, SSI tiếp tục là mã dẫn đầu về thanh khoản với 4,26 triệu đơn vị được khớp, đứng ở mức giá 17.000 đồng, tăng 300 đồng/cổ phiếu. Trong đó, khối ngoại mua vào 1,2 triệu đơn vị (mua từ phiên sáng).
ITA, PVT và HAR là các mã đứng kế tiếp sau với 3,99 triệu đơn vị, 3,81 triệu đơn vị và 3,69 triệu đơn vị được khớp.
Nhà đầu tư nước ngoài mua vào tổng cộng 5.508.370 đơn vị, trong đó mua vào SSI là 1.197.940 đơn vị.
Dù cũng nỗ lực đảo chiều vào nửa cuối phiên giao dịch, nhưng do “chìm” quá sâu trong phiên sáng, nên HNX-Index không thể ngoi lên được mốc tham chiếu. Kết thúc phiên, HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,26%), xuống 61,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44,29 triệu đơn vị, tương đương giá trị 374,12 tỷ đồng. Lượng khớp khủng này có sự đóng góp lớn của PVX khi mã này có hơn 11,93 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, ACB là mã được thỏa thuận nhiều nhất với 6,94 triệu đơn vị, trị giá 107,6 tỷ đồng.
Chỉ số HNX30-Index giảm 0,17 điểm (-0,15%), xuống 114,54 điểm với 6 mã tăng, 14 mã giảm, 8 mã đứng giá.
Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 232.800 đơn vị và bán ra 1.547.709 đơn vị, trong đó họ bán ra mạnh nhất là PVX với 1.014.000 đơn vị.
Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam phiên này tăng 1,36 điểm lên mức 498,49 điểm (0,28%). Trong đó có 18 mã tăng giá, 21 mã giảm và 11 mã đứng giá. Tăng mạnh nhất phải kể đến các mã như KBC (2,3%), VCB (2,1%), HSG (2,0%), HAG (1,9%) và DHG (1,8%). Giảm mạnh nhất là các mã như NLG (-3,4%), PVT (-3,3%), OGC (-3,0%), IJC (-2,5%) và VNR (-2,2%).
Phiên sáng: Không qua được “lời nguyền”
Trong phiên chiều qua (7/10), nhờ sự hỗ trợ của các bluechip, VN-Index đã chinh phục thành công mốc 500 điểm. Tuy nhiên, đây là mốc kháng cự nhạy cảm của VN-Index và chỉ số này ít khi giữ được lâu.
Giống như những lần trước đó, lực bán đã gia tăng khi VN-Index chạm ngưỡng 500 điểm, trong khi bên mua lại dè dặt trở lại để nghe ngóng và phòng thủ tại mốc kháng cự này.
Kết thúc đợt 1, VN-Index duy trì màu xanh nhạt với mức tăng 0,06 điểm (+0,01%), lên 500,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,56 triệu đơn vị, tương đương giá trị 59,19 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, bên mua đã thận trọng trở lại, trong khi đà bán có dấu hiệu gia tăng khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều, VN-Index thoái lui xuống khỏi mốc 500 điểm.
Đến 9h28, VN-Index đang tạm dừng ở mức 499,7 điểm, giảm 0,77 điểm (-0,15%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,13 triệu đơn vị, tương đương giá trị 112 tỷ đồng.
Bên mua chủ yếu đặt mua dưới tham chiếu, trong khi bên bán đang neo giá cao khiến nhóm bluechip chỉ lình xình. Trong khi đó, cổ phiếu thủy sản cũng đã hết sóng khi thông tin đồng VND có thể được điều chỉnh giảm thêm 2% từ nay đến cuối năm, hỗ trợ cho ngành xuất khẩu, trong đó ngành thủy sản được hưởng lợi lớn đã phản ánh hết vào giá trong tuần trước.
Đà tăng mạnh chỉ còn xuất hiện ở một vài mã có thông tin tốt về ký hợp đồng lớn, hay chia cổ tức như CLG, DVP, DAG.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhận thấy bên bán không quá sốt ruột, tâm lý thận trong của bên mua đã được gỡ bỏ, giúp thị trường hồi dần trở lại và lấy lại được mốc 500 điểm.
Đến 9h34, VN-Index tăng 0,47 điểm (+0,09%), lên 500,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,36 triệu đơn vị, tương đương giá trị 160 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, HNX-Index giảm 0,05 điểm (-0,08%), đứng ở mức 61,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 7,98 triệu đơn vị, trị giá 38,93 tỷ đồng.
PVX tiếp tục bị xả mạnh khi đang trên đường về mức sàn 2.100 đồng/cổ phiếu với lượng khớp đến thời điểm hiện tại là trên 5,1 triệu đơn vị, trong khi mã được khớp nhiều ở vị trí thứ 2 cũng chưa tới nửa triệu đơn vị.
Dù lấy lại được sắc xanh, nhưng cũng rất nhanh chóng, thị trường đảo chiều giảm trở lại. Mốc 500 điểm giống như “lời nguyền” mà VN-Index không thể bứt qua. Có thời điểm VN-Index giảm sâu về 497 điểm trước khi hồi dần về cuối phiên và kết thúc phiên sáng ở mức 499,75 điểm, giảm 0,72 điểm (-0,14%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,74 triệu đơn vị, tương đương giá trị 781,29 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,78 triệu đơn vị, trị giá 72 tỷ đồng.
Trong 304 mã niêm yết trên HOSE, có 56 mã tăng, 113 mã giảm, 73 mã đứng giá và 62 mã không có giao dịch. Trong nhóm VN30 có 9 mã tăng, 15 mã giảm và 6 mã đứng giá. Chốt phiên sáng, VN30-Index giảm 0,13 điểm (-0,02%), xuống 557,41 điểm.
Trong nhóm này, HSG là mã tăng ấn tượng nhất với mức tăng 500 đồng (+1,26%), lên 40.300 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, các mã CLG, DAG, DVP, TDW vẫn giữ được sắc tím. Trong đó, TDW tăng trần với 1 lệnh khớp tối thiểu và không có người bán.
SSI phiên này bất ngờ có giao dịch sôi động với hơn 3,6 triệu đơn vị được khớp, đứng ở mức giá 16.900 đồng/cổ phiếu, tăng 200 đồng (+1,2%). Tiếp sau là các mã quen thuộc PVT với 2,92 triệu đơn vị, HAR 2,83 triệu đơn vị và ITA 2,6 triệu đơn vị.
SSI có giao dịch sôi động trong phiên sáng nay chủ yếu là do khối ngoại mua vào lớn với gần 1,2 triệu đơn vị, chiếm 35,29% tổng khối lượng mua vào trên HOSE của khối ngoại trong phiên sáng nay (gần 3,4 triệu đơn vị).
Trong khi đó, HNX-Index không một lần ngoi lên trên mức tham chiếu trong suốt phiên giao dịch sáng nay. Kết thúc phiên, HNX-Index giảm 0,46 điểm (-0,75%), xuống 60,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,88 triệu đơn vị (1/3 số này là sự đóng góp của PVX), tương đương giá trị 277,1 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 7 triệu đơn vị, trị giá 107,69 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là khoản thỏa thuận 6,94 triệu cổ phiếu ACB, trị giá 107,6 tỷ đồng.
Trong số 382 mã niêm yết trên HNX có 43 mã tăng, 96 mã giảm, 59 mã đứng giá trong khi có tới 184 mã không có giao dịch. Trong nhóm HNX30, chỉ duy nhất VND giữ được sắc xanh nhạt, trong khi có tới 23 mã giảm giá. Kết thúc phiên sáng, HNX30-Index giảm 1,29 điểm (-1,12%), xuống 113,42 điểm.
Ngoài PVX bị bán mạnh và tạm dừng ở mức 2.200 đồng, giảm 100 đồng (-4,55%) với khối lượng khớp vượt trội gần 10,5 triệu đơn vị, các mã còn lại trên HNX chỉ được khớp ở mức bình thường với mã đứng thứ 2 là SHB chỉ được khớp 1,9 triệu đơn vị.
Nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua vào khiêm tốn 145.000 đơn vị, trong khi bán ra tới 1.379.109 đơn vị, trong đó chủ yếu là họ thoái khỏi PVX khi bán 988.700 đơn vị cổ phiếu này.
Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam phiên này giảm 1,47 điểm xuống còn 495,66 điểm (-0,30%). Trong đó có 10 mã tăng giá, 30 mã giảm và 10 mã đứng giá. Tăng mạnh nhất phải kể đến các mã như PHR (2,3%), KBC (2,3%), MBB (1,5%), HSG (1,3%) và SSI (1,2%). Giảm mạnh nhất là các mã như NLG (-6,8%), HVG (-2,8%), IJC (-2,5%), PVT (-2,2%) và VNR (-2,2%).
VLA: Ngày GDKHQ nhận cổ tức đợt 2/2012 (5%)
SD2: Ngày GDKHQ tham dự ĐHCĐ bất thường năm 2013
SKS: Ngày GDKHQ tham dự ĐHCĐ bất thường năm 2013
BHS: Ngày GDKHQ tạm ứng cổ tức đợt 1/2013 (5%)
BIC: Ngày GDKHQ tham dự ĐHCĐ bất thường năm 2013